📞

5 nhiệm vụ của EU trong năm 2017

07:00 | 07/01/2017
Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn giữa bộn bề khó khăn và 2017 sẽ là một năm mang tính quyết định với khối này. 

Thành lập liên minh phòng vệ

Sau cú sốc về việc Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit), EU buộc phải tái khởi động lại dự án cũ về một liên minh phòng vệ, tiến tới đích cuối cùng là thành lập khối quân đội chung của châu Âu. Dự kiến vào tháng 6/2017, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini sẽ trình bày kế hoạch triển khai quân đội EU và phương thức để lực lượng này hoạt động hiệu quả hơn.

Mặc dù các nước EU đã tuyên thệ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng và EU sẽ tài trợ cho các nghiên cứu quân sự chung. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia EU đều sẵn sàng “hội nhập quân sự” giống nhau về quy mô và mức độ.

Trụ sở Liên minh châu Âu. (Nguồn: The Conversation)

Giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn

Sau khi đóng cửa tuyến đường qua các nước Balkan, dòng người tị nạn lại dùng các tuyến đường cũ để vào miền đất hứa EU. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong năm qua có hơn 179.000 người vượt Địa Trung Hải để tới Italy. Đến nay, châu Âu còn đang chưa tìm được câu trả lời làm cách nào để hạn chế dòng người này.

Trong năm 2017, EU dự kiến sẽ ký thỏa thuận hợp tác phát triển và hồi hương người tị nạn với 5 nước châu Phi. Đồng thời, EU cũng phải giải đáp bài toán của riêng mình là việc phân bổ 160.000 người tị nạn, hiện đang tồn đọng tại Italy và Hy Lạp. Trong khi đó, các nước Đông Âu vẫn đang từ chối tiếp nhận hạn ngạch và đòi hỏi có sự “đoàn kết linh hoạt”. Trong thời gian tới EU sẽ phải xác định cụ thể đòi hỏi này và chắc chắn sẽ có nhiều việc cần làm và nhiều tranh cãi.

Đến nay, châu Âu còn đang chưa tìm được câu trả lời làm cách nào để hạn chế dòng người tị nạn. (Nguồn: AP)

Ngăn chặn nguy cơ về cuộc khủng hoảng đồng Euro

Sự mất kiên nhẫn về chính sách thắt lưng buộc bụng của EU đang ngày một tăng nhanh. Các ngân hàng của Italy đang được bơm mạnh tiền của nhà nước, điều từ lâu chỉ có trong quá khứ. Người ta lo ngại rằng, có thể sau cuộc bầu cử, Italy cũng sẽ phải tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có ở lại Eurozone hay không.

Về Hy Lạp, Thủ tướng Alexis Tsipras cũng đang gặp áp lực nội bộ nặng nề và có nhiều hoài nghi rằng liệu ông có thực hiện các cuộc cải tổ tiếp theo hay không. Đây là cơ sở bắt buộc để EU và IMF quyết định tiếp tục giảm nợ cho Hy Lạp. Viễn cảnh mà Đức hy vọng là cho đến đầu năm 2017, tức là đúng thời hạn trước cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang, Hy Lạp sẽ đáp ứng đủ điều kiện để được nhận các khoản tín dụng mới trị giá hàng tỷ Euro, tuy nhiên khả năng này khó có thể đạt được. Trường hợp tồi tệ nhất được dự báo là sẽ có một cuộc khủng hoảng đồng Euro vào mùa Hè tới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Newsclip)

Bắt đầu đàm phán Brexit

Việc Anh rời EU sẽ không dễ dàng, bằng phẳng. Nguyên nhân là do Anh không có kế hoạch và EU không rõ là Anh thực sự muốn gì. Vấn đề mấu chốt là Anh sẵn sàng trả giá thế nào để rời khỏi EU nhưng vẫn được kết nối với thị trường nội khối của EU.

Thêm vào đó, Nghị viện Anh cũng muốn có tiếng nói quyết định trong việc Anh rời khỏi EU. Vào tháng 1/2017, Tòa án tối cao sẽ phân xử việc Hạ viện nước này có quyền tham gia quyết định vấn đề Brexit hay đây chỉ là việc riêng của Chính phủ Anh. Việc ra phán xét của tòa có thể dẫn đến sự trì hoãn lộ trình dự kiến hiện nay là hai bên bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit vào tháng 3/2017.

Cho đến nay, lộ trình Brexit còn chưa thực sự rõ ràng. (Nguồn: Home.bt)

Xác định rõ quan hệ với các nước láng giềng

Trong tháng 12 vừa qua, các nước EU đã nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt Nga do thiếu những tiến bộ trong tiến trình hòa bình của Ukraine. Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ có thể được cải thiện sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, quyết định có kéo dài lệnh trừng phạt này hay không có khả năng sẽ vấp phải sự không đồng tình của nhiều quốc gia trong EU.

Ngoài ra, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác của EU, cũng đang là một trở ngại. EU đang ở thế khó xử, một mặt họ muốn Thổ Nhĩ Kỳ bên mình nhưng đồng thời vẫn muốn duy trì các áp lực cải cách lên nước này. Trong tình hình hiện nay, áp lực về việc làm sáng tỏ vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ là một nước láng giềng hay là một nước ứng viên xin gia nhập EU cũng tăng lên. Mối quan hệ này càng không rõ ràng sẽ càng trở thành mối nguy lớn đối với EU.

(theo DW)