Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thực tiễn cách mạng đã chứng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua yêu nước Việt Nam. Người từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Chính quan điểm, tư tưởng đó của Bác đã, đang và sẽ luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động của tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam ra sức cống hiến cho công cuộc phát triển đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều bức thư, bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước như: “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người, trải qua 7 thập kỷ, đến nay vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Hoàn cảnh ra đời
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Hồ Chủ tịch đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng: Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống thù trong giặc ngoài, diệt giặc dốt, giặc đói.
Toàn văn “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/6/1948) “Mục đích thi đua ái quốc là gì? Diệt giặc đói khổ, Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua. Làm cho mau Làm cho tốt Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến Toàn diện kháng chiến Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta Vừa kháng chiến Vừa kiến quốc. Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là: Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc. Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra. Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc; Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn; Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp; Đồng bào công nông thi đua sản xuất; Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân; Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc. Hỡi toàn thể đồng bào! Hỡi toàn thể chiến sĩ! Tiến lên! Ngày 11 tháng 6 năm 1948 Hồ Chí Minh |
Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Xúc tích, giản dị, lôi cuốn
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sử dụng bút pháp tài tình, hành văn xúc tích, giản dị, gần gũi, dễ hiểu, hợp cảnh, hợp tình, nên hiệu quả rất cao. Ví như khi bàn về dân chủ, Người đúc kết: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Câu nói này đã được minh chứng bằng cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên (1946) để từ đó, người dân thoát khỏi kiếp “thần dân”, trở thành “công dân”, thực sự được thể hiện chính kiến của mình thông qua lá phiếu bầu lên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nói về trẻ em, Người lại dùng hình ảnh gần gũi với sự so sánh giản dị: “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Về mối quan hệ giữa hợp tác xã với mỗi người dân, Người nói: “Hợp tác là nhà, xã viên là chủ”…
Vì thế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, chỉ với vẻn vẹn 441 từ, nhưng những ngôn từ giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện, có sức lan tỏa sâu rộng, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, chung sức đồng lòng, đã dấy lên một phong trào lớn kéo dài đến tận ngày nay và mai sau.
Cụ thể, vẫn cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, ngôn ngữ giản dị, mở đầu Lời kêu gọi, Hồ Chủ tịch đề cập ngay: “Mục đích thi đua ái quốc là gì?” Và Người trả lời: “Diệt giặc đói khổ/ Diệt giặc dốt nát/ Diệt giặc ngoại xâm”. Đây cũng chính là nội dung Sắc lệnh số 01 Hồ Chủ tịch ký năm 1946 với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ với 12 từ, Người đã nêu lên nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn Dân cũng như mục đích của phong trào, đồng thời còn chỉ rõ thứ tự ưu tiên, đó là diệt giặc đói đầu tiên để cứu mạng sống của dân, thứ đến là diệt giặc dốt vì Người từng viết “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” - không có tri thức thì không thể chống ngoại xâm. Và mục đích sau rốt mới là diệt giặc ngoại xâm.
Về phương pháp thực hiện, chỉ với 8 từ, nhưng Hồ Chủ tịch đã nêu cụ thể, dựa vào “Lực lượng của dân/ Tinh thần của dân” để đem lại “Hạnh phúc cho dân”. Điều đó đã đủ cho thấy Người tin vào lực lượng của dân, hiểu tinh thần yêu nước của nhân dân và yêu thương đồng bào đến nhường nào.
Về đối tượng, Người viết ngắn nhưng đầy đủ: “Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”. Và tất cả những việc làm trên để đạt mục đích cuối cùng là: “Dân tộc độc lập/ Dân quyền tự do/ Dân sinh hạnh phúc”…
Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập với thế giới một cách chủ động và toàn diện, bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, 70 năm đã trôi qua, nhưng lời kêu gọi đó vẫn đầy tính hiện thực, luôn luôn thúc giục tinh thần thi đua của mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
Ý nghĩa lan tỏa đến hôm nay và mai sau
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg Về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước. |