Chính biến lật đổ chế độ của Tổng thống Mohamed Morsi ngày 30/6/2013. (Nguồn: Redline) |
Giới phân tích chính trị đánh giá cuộc cách mạng 30/6/2013 đã đạt được mục tiêu chính, đó là ngăn Ai Cập trở thành một nhà nước thần quyền. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng các mục tiêu khác của cuộc cách mạng như đưa Ai cập trở thành quốc gia dân chủ nhân dân, vẫn chưa thể trở thành hiện thực.
“Ghi điểm” đối ngoại
Theo nhà hoạt động chính trị cấp cao Ahmed Bahaaeddin Shaaban, cuộc cách mạng 30/6 đã cứu Ai Cập khỏi nguy cơ trở thành một chiến trường như Syria hay Libya, đồng thời thừa nhận, ông Al-Sisi - người được bầu làm tổng thống vào tháng 5/2014, đã ứng phó thành công trước những phản ứng của Mỹ và các nước châu Âu đối với cuộc cách mạng 30/6.
“Thông qua một số chuyến thăm tới Liên hợp quốc ở New York cũng như các nước châu Á và châu Âu, ông Al-Sisi đã làm thay đổi quan điểm ban đầu của phương Tây coi cuộc cách mạng như một cuộc đảo chính quân sự. Ông Al-Sisi cũng có khả năng tiên đoán Ai Cập sẽ là một mặt trận chính chống lại các nhóm chiến binh Hồi giáo, nhất là nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hiện đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ ở Syria sau Mùa xuân Arập 2011”, ông Shaaban nói.
Trong phát biểu về chính sách đối ngoại ở New York hôm 22/6, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa (Mỹ) Donald Trump đã cáo buộc Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton giúp lật đổ “chế độ thân thiện” ở Ai Cập và thay thế bằng một chính thể thân Anh em Hồi giáo cực đoan.
Nhà phân tích Abu Taleb cảnh báo “phản ứng thù địch” vẫn mạnh mẽ ở một số nước phương Tây và các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, nơi Anh em Hồi giáo vẫn là một thế lực chủ chốt, mặc dù nhiều nghĩ sĩ Cộng hòa ở Mỹ có quan điểm ủng hộ ông Al-Sisi.
Ông Abu Taleb nêu rõ các “quan điểm thù địch” đã buộc Tổng thống Al-Sisi mở các kênh tới các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc và Pháp. Trong các chuyến thăm lịch sử tới Cairo, giới lãnh đạo ba nước này không chỉ thúc đẩy các thỏa thuận kinh tế và quân sự mang tính bước ngoặt với Ai Cập, mà còn phát đi thông điệp rằng Mỹ không còn là đối tác chủ chốt của Cairo.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi. (Nguồn: AFP) |
Thách thức đối nội
Hầu hết các nhà phân tích chính trị đều có chung nhận định rằng ông Al-Sisi đã rất thành công trên mặt trận đối ngoại và chống khủng bố, song cho rằng nhà lãnh đạo Ai Cập vẫn chưa làm được nhiều trong các vấn đề đối nội, đặc biệt là mặt trận dân chủ hóa và tự do chính trị.
Chuyên gia Shawki Al-Sayed, một luật sư có uy tín, đồng thời là nghị sĩ độc lập trong Quốc hội Ai Cập, nói rằng mặc dù Hiến pháp mới được thông qua vào tháng 1/2014 và Quốc hội mới đã được bầu ra hồi tháng 1/2016, Ai Cập vẫn chưa thể tiến tới con đường dân chủ.
Ông Mohamed Anwar Al-Sadat, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Ai Cập, nhấn mạnh: “Chế độ Al-Sisi vẫn chưa chú ý nhiều đến việc tôn trọng nhân quyền. Điều này thể hiện rõ trong luật biểu tình 2013, theo đó hàng chục nhà hoạt động chính trị trẻ tuổi đã bị bỏ tù đơn giản chỉ vì họ tham gia các cuộc biểu tình hòa bình trên đường phố để phản đối quyết định của chính phủ trao hai hòn đảo trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia”.
Còn theo ông Al-Sadat, hầu hết các luật được quy định tại Hiến pháp 2014 như một bước đi cần thiết hướng tới một nhà nước dân chủ nhân dân đã không được ban hành. Hiến pháp quy định Ai Cập cần phải có thêm luật về tự do biểu tình, hoạt động đảng phái chính trị và tự do báo chí, nhưng tất cả đã bị lãng quên. Nhà phân tích Al-Sadat cũng lưu ý sự đối đầu giữa Bộ Nội vụ và Nghiệp đoàn Báo chí Ai Cập đã “xát thêm muối vào vết thương chính trị” của đất nước Kim tự Tháp.
“Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội đang cố gắng thực thi giám sát động thái của Bộ Nội vụ để đảm bảo rằng lực lượng này sẽ không manh động như thời điểm trước năm 2011, dẫn đến cuộc cách mạng chống lại cựu Tổng thống Hosni Mubarak”, ông Al-Sadat nhấn mạnh.
Nhiều nhà hoạt động, trong đó có nhà xã hội học lỗi lạc Saadeddin Ibrahim, đã bày tỏ quan ngại rằng cuộc chiến chống khủng bố có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền quá mức của Bộ Nội vụ.
Theo ông Ibrahim, Ai Cập nên có sự hòa giải nhất định giữa chế độ Al-Sisi và tổ chức Anh em Hồi giáo, vì điều này là cần thiết để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự đa dạng chính trị và dân chủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích Al-Sadat, Abu Taleb và Shaaban đưa ra quan điểm cho rằng sáng kiến hòa giải của ông Ibrahim có thể làm phức tạp hóa, thậm chí làm tồi tệ thêm sự căng thẳng ở trong nước, hơn là giúp ổn định.
Ông Shaaban lưu ý: “Vấn đề ở chỗ, cuộc chiến đấu của Anh em Hồi giáo diễn ra không chỉ với Tổng thống Al-Sisi mà còn với các thành phần khác như người Cơ đốc giáo, cảnh sát và giới thẩm phán”.
Trên mặt trận kinh tế, hầu hết giới phân tích đánh giá Ai Cập vẫn đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn. Theo ông Hussein Eissa, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội Ai Cập, mặc dù Ai Cập nhận được hỗ trợ kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD từ các nước Arập vùng Vịnh như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait, nhưng kinh tế quốc gia Bắc Phi này vẫn chưa thể bình phục hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua.
Trong dự toán ngân sách 2016/2017, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội Ai Cập ước tính đồng nội tệ đã mất 23% giá trị kể từ năm 2014 (xét theo tỷ giá chính thức) và mất 40% giá trị trên thị trường chợ đen, trong khi nợ nước ngoài tăng 50%. Đại bộ phận người dân Ai Cập đang đứng trước các điều kiện kinh tế khó khăn và họ khó có thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản.