Bản thân những con số, sự kiện trên đã nói lên sự thực chất và hữu hảo ngày một rõ rệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (2-3/9).
Xung lực mới
Ông Narendra Modi, vị lãnh đạo đứng đầu Chính phủ Ấn Độ được nhân dân Việt Nam biết đến từ những điều hết sức giản dị như những bức hình selfie trên Facebook, những dòng trạng thái gần gũi trên Twitter, hình ảnh ông thực hiện các động tác yoga được phổ biến rộng rãi. Sự thân thiện đem lại cho ông và cả những chính sách của ông sự nổi tiếng mà không nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có được.
Trong những năm gần đây, dưới thời ông Modi làm Thủ tướng (từ tháng 5/2014), kinh tế Ấn Độ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh. Ấn Độ trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng cải thiện vị thế ở khu vực và quốc tế nhờ tiềm lực ngày một mạnh hơn cộng với tư duy đối ngoại rộng mở, có tầm nhìn và có sự can dự trên phạm vi toàn cầu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong quan hệ hai nước và khu vực. (Nguồn: Dailymail) |
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam sau 15 năm, vì thế, được cả hai bên rất trông đợi và kỳ vọng.
Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và Chính phủ Việt Nam, ông Narendra Modi cho rằng quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam được hình thành từ 2.000 năm nay và đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để không ngừng phát triển đồng thời khẳng định việc nâng cấp quan hệ song phương lên cấp Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tạo xung lực mới cho sự phát triển của hai nước cũng như cho cả khu vực.
Khẳng định Việt Nam giữ vai trò trụ cột trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, ông Modi đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với Ấn Độ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Ông cho rằng, những hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu kênh đảng và giao lưu nhân dân (đoàn thanh niên, phụ nữ...) cần được tăng cường hơn nữa để đưa quan hệ hai nước phát triển thêm sâu rộng.
Những tuyên bố từ nhà lãnh đạo hàng đầu của Ấn Độ về các định hướng trong quan hệ với Việt Nam, cộng với những lời lẽ tích cực mà ông chia sẻ trên trang mạng xã hội về "cuộc thảo luận nhiều kết quả với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc", bức ảnh ông ở cạnh ao cá Bác Hồ - người mà ông cho là nhà lãnh đạo "cao cả nhất" của Việt Nam, đã không phụ sự kỳ vọng của những người luôn mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Ấn Độ.
“Việt Nam giữ một vị trí hết sức đặc biệt trong trái tim mỗi chúng tôi. Lòng quả cảm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chống chủ nghĩa thực dân đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Ở Ấn Độ, chúng tôi luôn ngưỡng mộ ý chí bất khuất của Việt Nam và vui mừng trước những thành công của các bạn”, Thủ tướng Modi nói.
Thủ tướng Ấn Độ cho rằng trong, quá trình Việt Nam phát triển kinh tế, thì Ấn Độ, với 1,25 tỷ người, luôn luôn sẵn sàng làm đối tác, người bạn đồng hành của Việt Nam trên con đường này.
Phù hợp lợi ích chung
Có thể nói chuyến thăm có ý nghĩa lớn, đặc biệt khi hai nước đang hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2017.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm của ông Modi lần này phản ánh sự phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước Việt Nam, Ấn Độ phù hợp với lợi ích cơ bản lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai bên, cũng như mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng cũng cho rằng, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ tạo phương hướng mới, động lực mới và nền tảng tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Nỗ lực chung của hai bên trong việc đóng góp cho ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực cũng đã được thể hiện rõ ràng.
Cụ thể, hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, các lĩnh vực sẽ được hai bên hợp tác chặt chẽ với nhau trong thời gian tới sẽ là thăm dò, khai thác dầu khí; ưu tiên cho năng lượng, năng lượng nguyên tử dân sự, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, tăng cường kết nối hàng không, hàng hải, đường bộ giữa hai nước.
Theo Thủ tướng Modi, những nỗ lực bảo đảm được sự thịnh vượng về kinh tế cho nhân dân cần phải đi kèm với nỗ lực bảo đảm an ninh. Vì lẽ đó, ông cho biết, hai bên đã "nhất trí tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ về an ninh và quốc phòng, phù hợp lợi ích chung của hai quốc gia. Chúng tôi nhất trí về hiệp định đóng tàu tuần tra được ký ngày hôm nay là bước tiến cụ thể trong nỗ lực tăng cường mối quan hệ về quốc phòng giữa hai nước”, Thủ tướng Modi nói với báo giới.
Thủ tướng Modi cũng cho biết, Ấn Độ sẽ dành một khoản hỗ trợ 5 triệu USD để giúp Việt Nam xây dựng một công viên phần mềm ở Nha Trang, mong muốn sớm thành lập trung tâm văn hóa của Ấn Độ tại Hà Nội.
Hai nước cũng sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ tại diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN và các diễn đàn liên quan. Hai bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông và tái khẳng định mong muốn quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Các bên cần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.
***
Mặc dù chuyến thăm của Thủ tướng Modi chỉ diễn ra trong vòng một ngày, nhưng những kết quả đạt được sau chuyến thăm mang một ý nghĩa rất lớn. Đó không chỉ là sự tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ giữa hai nước, giữa những kết nối mang tính văn hóa có từ hàng nghìn năm qua, mà còn làm cho mối quan hệ ấy không ngừng được mở rộng, thường xuyên được thúc đẩy vươn tới những mục tiêu có ý nghĩa to lớn hơn, quan trọng hơn và thiết thực hơn đối với cả hai nước trên mọi lĩnh vực.
Từ những con số, những thỏa thuận hợp tác vừa được kí kết, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng sự hợp tác sâu rộng và thực chất trên tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi nước, mà còn góp phần tăng cường quan hệ ASEAN-Ấn Độ, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi, Ấn Độ và Việt Nam đã ký kết Hợp đồng cung cấp tàu tuần tra cao tốc giữa Công ty Larsen&Toubro và Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong khuôn khổ gói tín dụng 100 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam. Ấn Độ trao gói hỗ trợ 5 triệu USD để xây dựng Công viên Phần mềm quân đội tại Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang. Hai bên ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ và việc chuyển giao thiết bị để lắp đặt và vận hành Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử chống tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi do Chính phủ Ấn Độ tài trợ. Hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết (i) Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về hợp tác khai thác và sử dụng vũ trụ cho mục đích hòa bình; (ii) Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; (iii) Chương trình hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình; (iv) Nghị định thư giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Ấn Độ về việc kỷ niệm “Năm Hữu nghị” 2017; (v) Bản ghi nhớ về hợp tác y tế; (vi) Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ thông tin; (vii) Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề quốc tế; (viii) Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng; (ix) Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá chất lượng; (x) Thỏa thuận về việc xây dựng hạ tầng thông tin cho việc đào tạo công nghệ thông tin chất lượng cao; (ix) Thỏa thuận kỹ thuật về trao đổi thông tin hàng hải phi quân sự; (xii) Hợp đồng về cung cấp tàu tuần tra cao tốc. |