.table-l-style{width:30%}
Đó là nhận định của tác giả Domenico Caldaralo trong bài viết đề cập tới quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn, đăng tải trên Notizie Geopolitiche, ngày 16/5.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) bắt tay người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar sau cuộc họp báo ở thủ đô New Delhi ngày 12/4. (Nguồn: AP) |
Thời gian gần đây, dường như New Delhi đã quyết định có những bước đi mạnh mẽ hơn trên bàn cờ chính trị quốc tế. Điều này được thể hiện qua việc Ấn Độ ký thoả thuận về hậu cần với Mỹ ngày 12/4, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar, đánh dấu sự hợp tác ngày càng tăng giữa Washington và New Delhi trong lĩnh vực quốc phòng.
Trong cuộc họp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng, Ấn Độ cuối cùng cũng đã chấp nhận một trong ba đề nghị hợp tác của Mỹ, sẵn sàng cho sự trao đổi công nghệ và hợp tác quân sự và khả năng Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự Ấn Độ. Điều này cho thấy, New Delhi muốn kiềm chế sức mạnh hải quân của Bắc Kinh, đồng thời ủng hộ chính sách xoay trục của Mỹ tại châu Á.
Quan hệ Ấn - Trung dưới thời Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình duy trì ở trạng thái chung sống hoà hợp với nhiều cuộc trao đổi đoàn các cấp. Sau chuyến thăm của ông Modi tới Trung Quốc năm 2015, các nhà quan sát nhận định rằng, hai bên có thể vượt qua các tranh chấp biên giới, trên cơ sở mô hình giải quyết tranh chấp biên giới Trung - Nga và tam giác Ấn - Trung - Nga.
Tuy nhiên, quan hệ Ấn - Trung vẫn bị phủ bóng bởi cuộc chiến tranh biên giới 1962 và mối quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc - Pakistan. Để tỏ thái độ trực tiếp với Pakistan và một cách gián tiếp với Trung Quốc, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với Saudi Arabia, quốc gia đang căng thẳng với Pakistan, trong chuyến thăm gần đây của ông Modi tới Riyadh.
Bên cạnh đó, mặc dù New Delhi từ chối lời đề nghị tham gia tuần tra chung với Mỹ, nhưng quan điểm của Ấn Độ về Biển Đông tương tự quan điểm của Mỹ và Nhật, tức là cần phải đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không tại khu vực này.
Chính phủ của ông Modi dường như đã từ bỏ hoàn toàn chính sách không liên kết nhằm theo đuổi ước mơ Đại Ấn, đưa Ấn Độ trở thành siêu cường ở khu vực. New Delhi đang sát cánh cùng lợi ích của Washington ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc đang nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng.