Trên đây là quan điểm của tác giả Vannarith Chheang, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), trong bài viết trên The Diplomat. Báo TG&VN xin trích đăng nội dung bài viết này.
Các quốc gia thành viên ASEAN đang tỏ ra quan ngại về cam kết của Mỹ ở châu Á trong bối cảnh tình hình địa chính trị thay đổi. Mỹ đang định hướng lại chính sách đối ngoại của mình qua việc tập trung nhiều hơn tới các lợi ích của nước này với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" - mang đặc điểm của chủ nghĩa liên quốc gia, chủ nghĩa đơn và song phương.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đã có những động thái cho thấy sự quan tâm của nước này đối với khu vực ASEAN. Phó Tổng thống Mike Pence đã có chuyến công du tới Indonesia và thăm Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta nhằm trấn an ASEAN rằng Mỹ vẫn cam kết với khu vực, đồng thời khẳng định Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ vào tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Mỹ tháng 5 vừa qua đã cho thấy mối quan tâm và cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ với khu vực, sự kiện diễn ra đúng vào dịp Mỹ và ASEAN kỷ niệm 40 năm thiết lập Quan hệ đối thoại.
Lãnh đạo Mỹ và các nước ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ lần thứ 4, ngày 8/9/2016, ở Vientiane, Lào. (Nguồn: Reuters) |
Vai trò của ASEAN
Triều Tiên, một vấn đề quan trọng đối với Mỹ, là ví dụ cho thấy chiến lược của Washington ở châu Á cần sự hỗ trợ của ASEAN như thế nào. Sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 tại Manila (Philippines) tháng 4 vừa qua, chính quyền Mỹ kêu gọi ASEAN gây sức ép yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách hòa bình. ASEAN đã ra Tuyên bố lên án các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng "tuân thủ hoàn toàn" các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
ASEAN cần củng cố vai trò an ninh và đòn bẩy ngoại giao vượt ra ngoài khuôn khổ khu vực Đông Nam Á, bởi tiếng nói tập thể của ASEAN có ý nghĩa quan trọng tại diễn đàn đa phương rộng hơn. Kiến trúc khu vực của ASEAN được hình thành dựa trên nền tảng phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với các đối tác đối thoại quốc tế, đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á.
Sự tham gia của ASEAN tại các diễn đàn cũng như các cơ quan quản lý toàn cầu đã, đang thu hút sự quan tâm và tham gia ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. ASEAN cũng có vai trò lớn trong việc thúc đẩy lòng tin và sự tin tưởng giữa các quốc gia, kết nối đối thoại, hiểu biết lẫn nhau, và ngăn ngừa xung đột.
Chính quyền Mỹ đã nhận thấy vai trò của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu Mỹ không chú ý đến vai trò kinh tế của tổ chức này trong chiến lược châu Á của Washington.
Mỹ cần công nhận ASEAN có vai trò và tiếng nói trong cả lĩnh vực kinh tế và an ninh. ASEAN là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ 7 thế giới. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ và Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (bên trái) đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại Jakarta, tháng 4/2017. (Nguồn: Live Trading News) |
Các quốc gia thành viên ASEAN xác định lợi ích quốc gia của họ chủ yếu là phát triển kinh tế. Những nước này muốn có một chủ nghĩa khu vực mở mà ở đó, tất cả các nước đều hưởng lợi từ hợp tác và hội nhập khu vực. Do vậy, chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nên nhấn mạnh tới các cơ hội kinh tế cho người dân ASEAN. Giành được trái tim của người dân ASEAN sẽ là cách tốt nhất mang lại lợi ích lâu dài cho nước Mỹ.
Cùng với Đông Á, các nền kinh tế phát triển nhanh chóng ở ASEAN đã trở thành nền tảng của các mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một bên tham gia vào các hiệp định thương mại tự do trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN có vai trò quan trọng trong việc định hình công tác quản trị kinh tế ở Đông Nam Á. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do ASEAN dẫn đầu đóng góp tới 30% GDP toàn cầu và sẽ là nhận tố làm thay đổi cuộc chơi trong các thỏa thuận thương mại đa phương của châu Á.
Với tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế, ASEAN là một mô hình của chủ nghĩa khu vực mở và toàn diện. Để duy trì sức mạnh của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, ngoài việc củng cố liên minh, Mỹ cần hợp tác tích cực và mạnh mẽ với ASEAN, một tổ chức liên chính phủ quan trọng ở khu vực.
Khi tương lai ngày càng gắn liền với ASEAN, Mỹ phải duy trì mục tiêu tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột: các mạng lưới an ninh toàn diện; hội nhập và kết nối kinh tế; quyền lực mềm và các mối quan hệ ngoại giao nhân dân.
7 biện pháp thúc đẩy quan hệ Mỹ - ASEAN
Nhìn chung, các nước thành viên ASEAN đều thừa nhận tính ưu việt của Mỹ trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Là một cường quốc, Mỹ đã góp phần duy trì an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương trong 7 thập kỷ qua.
ASEAN hoan nghênh sự tham gia tích cực của tất cả các cường quốc trong khu vực. Nhưng sự hiện diện vẫn tiếp diễn của quân đội, sức mạnh kinh tế và quyền lực mềm của Mỹ là điều hết sức quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của ASEAN trong tương lai.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành một thách thức về mặt an ninh đối với các nước thành viên ASEAN. Một mối quan hệ ổn định và hoà bình giữa Washington và Bắc Kinh phải là nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực. Mỹ nên coi ASEAN như một thực thể khu vực độc lập trong chiến lược đối với Trung Quốc của nước này.
Năm 1977, ASEAN - Mỹ chính thức thiết lập quan hệ đối thoại. (Nguồn: asean.usmission.gov) |
Để tăng cường quan hệ với khu vực ASEAN, Mỹ nên triển khai một số biện pháp như sau:
Thứ nhất, Washington cần phải cụ thể hoá Tuyên bố Sunnyland được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt của các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN năm 2016. Trong 17 điểm của Tuyên bố, Mỹ và ASEAN cam kết thực hiện nghiêm túc trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp nhằm bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các quốc gia.
Thứ hai, Mỹ phải tiếp tục củng cố chủ nghĩa đa phương bằng cách hỗ trợ các thể chế khu vực do ASEAN đứng đầu như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Thứ ba, Mỹ cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể hơn để giúp ASEAN thực hiện Tầm nhìn 2025, đặc biệt bằng cách tăng cường kiến trúc khu vực ASEAN và thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Thứ tư, Mỹ phải tiếp tục tăng cường sức mạnh mềm trong khu vực thông qua việc thực hiện các sáng kiến hiện có như Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) và Kết nối Mỹ - ASEAN, tập trung vào kinh doanh, năng lượng, đổi mới và chính sách.
Thứ năm, Mỹ cần tập trung nhiều hơn tới Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong qua việc hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên Uỷ hội sông Mekong, tiến hành các nghiên cứu khoa học về tác động của biến đổi khí hậu cũng như các đập thủy điện, đồng thời xây dựng các biện pháp giúp đỡ người dân khi sinh kế bị đe dọa.
Thứ sáu, Mỹ nên tiếp tục hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự ở Đông Nam Á thúc đẩy các giá trị về dân chủ, nhân quyền, pháp quyền, phát triển tổng thể và công bằng xã hội. Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một ASEAN lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu lý tưởng của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Cuối cùng, giáo dục đóng vai trò cầu nối người dân Mỹ và ASEAN. Việc thành lập Trường Đại học Fulbright ở Việt Nam là một minh chứng cho thấy tính hiệu quả trong việc củng cố quan hệ ngoại giao nhân dân. Mỹ nên xem xét xây dựng các thể chế tương tự ở các nước thành viên ASEAN khác, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển thấp nhất là Campuchia, Lào và Myanmar.