Xem xét lại bộ máy, cơ chế vận hành
Trên 800 cơ chế hoạt động ở các cấp độ, Ban Thư ký, hàng nghìn cuộc họp mỗi năm kèm theo nhiều văn kiện pháp lý quan trọng để tồn tại và phát triển như Hiến chương, lộ trình và kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột Chính trị - an ninh, Kinh tế, văn hóa xã hội… đã giúp ASEAN phát triển và vượt qua nhiều sóng gió suốt gần 50 năm qua.
Ảnh minh họa: Cộng đồng ASEAN ra đời có thể nói là thành tựu nổi bật và bước đi đúng đắn của Hiệp hội. (Nguồn: Jakarta Post) |
Cộng đồng ASEAN ra đời có thể nói là thành tựu nổi bật và bước đi đúng đắn của Hiệp hội. Các nước thành viên đã cùng nhau nỗ lực triển khai các kế hoạch đã đề ra, ví như trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, với khoảng 200-300 dòng hành động trong kế hoạch đã thực hiện được 40%.
Trong lĩnh vực kinh tế, ASEAN đã thúc đẩy các hoạt động, nhất là liên kết với các đối tác bên ngoài và thực hiện thỏa thuận trong khuôn khổ của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tại khuôn khổ các hội nghị, ASEAN không ngừng thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hiện nay thế giới đều biết đến sự ra đời của Cộng đồng ASEAN cũng như uy tín của ASEAN trên trường quốc tế.
Không thể phủ nhận vai trò của bộ máy khổng lồ của ASEAN, song thực tế gần đây cho thấy, trên nhiều vấn đề, các cơ chế của Hiệp hội hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Ban thư ký chưa thể trở thành trung tâm tham mưu chính sách với các nước thành viên, trong những vấn đề quan trọng chung của Hiệp hội.
Về nguyên tắc hoạt động và ra quyết định, rõ ràng, nguyên tắc đồng thuận đã giúp các thành viên ASEAN cùng chung sống hòa thuận trong nhiều thập kỷ. Nhưng trên những vấn đề phức tạp và quan trọng của Hiệp hội, nguyên tắc này đồng nghĩa mỗi quốc gia thành viên đều có quyền phủ quyết trước bất cứ quyết định nào của tổ chức. Thời gian qua, khi xảy ra những vấn đề phức tạp liên quan tới hòa bình, an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, rõ ràng, một quốc gia có thể phủ quyết toàn bộ ý chí, mong muốn chung của cả khu vực, buộc các thành viên khác phải chấp nhận và tuân thủ. Điều đó đặt ra một câu hỏi rằng liệu nguyên tắc đồng thuận có còn phù hợp hay không trong giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội và nếu phải sửa đổi thì cần sửa đổi như thế nào?
Như vậy, đưa vấn đề cải tiến bộ máy hoạt động đã vận hành gần nửa thế kỷ qua lên bàn nghị sự là việc ASEAN cần làm trước tiên trong thời gian tới. Nếu quyết định đúng đắn, ASEAN sẽ phát triển lên một nấc thang mới và ở mức độ liên kết cao hơn nhưng nếu quyết định sai lầm, Hiệp hội sẽ trên bờ đổ vỡ. Bất cứ một sự thay đổi nào đều có hai mặt tích cực và tiêu cực, do vậy, ASEAN cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Cần một con tàu thống nhất
Ngoài ra, ASEAN phải nỗ lực hết mình để đảm bảo một ASEAN vững mạnh, gắn kết giữa các thành viên trong bối cảnh Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đang trở thành khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
ASEAN là tập hợp các nước vừa và nhỏ, trước sức ép từ nước lớn bên ngoài, ASEAN chỉ có tiếng nói và vị thế khi co cụm, thống nhất lại với nhau. Nếu ASEAN chia rẽ nội bộ thì sự tập hợp lực lượng xem như vô nghĩa và sức đề kháng của ASEAN trước sóng gió bên ngoài trở nên vô cùng yếu ớt. ASEAN có đoàn kết thì vai trò trung tâm của Hiệp hội mới được bảo đảm và Hiệp hội mới có vị thế cũng như tiếng nói trước đối tác bên ngoài. Hơn nữa, nếu các thành viên có tính toán lợi ích khác nhau thì ASEAN cũng khó có thể đồng lòng để triển khai hết các lộ trình xây dựng Cộng đồng đã đề ra.
Cuối cùng, Hiệp hội cần tìm ra được nhân tố dẫn dắt trong các vấn đề quan trọng của khu vực. Nhìn lại quá trình phát triển của ASEAN từ trong lịch sử, nhất là khi phải đối mặt với khủng hoảng, vai trò dẫn dắt của một hoặc hai nước thành viên chủ chốt của Hiệp hội có ý nghĩa rất lớn.
Các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần ưu tiên hàng đầu việc củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất. (Nguồn: vtv.vn) |
Trước đây, chúng ta hay nhắc tới các nước được gọi là “anh cả” của ASEAN như Indonesia hay Thái Lan và Singapore trong vai trò xử lý, hài hòa những lợi ích khác biệt giữa 10 nước thành viên, giúp Hiệp hội vượt qua mâu thuẫn và đạt được đồng thuận trên nhiều vấn đề. Mặc dù vậy, hiện nay, có thể nhận thấy Indonesia dưới chính quyền mới thể hiện chính sách hướng nội hơn và đánh giá vai trò của ASEAN ở mức độ vừa phải, một số nước ASEAN khác cũng không còn xông pha tìm kiếm sự đồng thuận chung trong Hiệp hội như trước. Vì vậy, ASEAN đang thiếu vắng một vai trò đầu tàu, nhất là khi đang rơi vào giai đoạn khó khăn bủa vây tứ phía.
Những thách thức trên đây là vấn đề lớn đối với ASEAN, trong đó có Việt Nam nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với khu vực, đồng thời bảo vệ lợi ích sát sườn của mình. Tình hình không cho phép Việt Nam thụ động mà phải chủ động, tích cực góp mình vào việc giải quyết khó khăn chung của cả khối.
Mặc dù gặp phải không ít khó khăn song nhìn chung, ASEAN đang đi đúng hướng. Vừa qua, vương quốc Anh đã trưng cầu dân ý để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (Brexit). Sự việc này cũng đáng để ASEAN suy ngẫm trong bối cảnh Hiệp hội còn lúng túng, bị động xử lý các vấn đề thời sự. Nhưng có thể nhận định thực tế ở châu Âu khó có thể xảy đến với ASEAN do hai tổ chức khu vực có mức độ hội nhập hoàn toàn khác nhau. Sự đóng góp của các thành viên vào sự phát triển của Hiệp hội là bình đẳng, vì vậy, rời khỏi ASEAN sẽ chỉ khiến các nước thành viên thiệt thòi hơn.
Sự kiện B*rexit cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về xu hướng khu vực, toàn cầu hóa. Song có lẽ, xu hướng này không những không chững lại mà còn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, việc ASEAN xây dựng Cộng đồng là chiến lược đúng đắn, mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên và chắc không có nước nào trong ASEAN liều lĩnh rời khỏi một con thuyền đang đi về phía tương lai tốt đẹp.