📞

Australia-Trung Quốc: Ưu tiên kinh tế lấn át các lo ngại an ninh

09:41 | 11/04/2013
Ngày 5/4, Thủ tướng Australia Julia Gillard dẫn đầu phái đoàn hùng hậu chưa từng có gồm các Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao, Thương mại, Quốc phòng, Dịch vụ tài chính và đại diện các công ty, ngân hàng lớn nhất của Australia bắt đầu chuyến thăm kéo dài 6 ngày đến Trung Quốc. Đây là một trong những chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của một nhà lãnh đạo phương Tây sau khi ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vừa được bầu vào các vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Thủ tướng Australia Julia Gillard và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong chuyến thăm kết hợp "một công, đôi việc" này, bà Gillard vừa tham dự Diễn đàn kinh tế Bác Ngao, vừa kết hợp chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Australia vừa công bố cuốn Sách trắng Australia trong thế kỷ châu Á tháng 10/2012, trong đó coi việc tăng cường các quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc là nhân tố quyết định thành bại của chính sách châu Á, đưa Australia gắn kết nhiều hơn vào các vấn đề an ninh và tiến trình phát triển của khu vực. Còn lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng coi chuyến thăm là cơ hội thắt chặt quan hệ song phương với Australia, làm giảm bớt lo ngại của phương Tây về một Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng ngày càng quyết đoán.

Trong chuyến thăm, Australia và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận quan trọng về thiết lập cơ chế hoán đổi trực tiếp giữa đồng Đô-la Australia và đồng Nhân dân tệ, giúp doanh nghiệp hai nước tiết kiệm được chi phí hoán đổi sang ngoại tệ trung gian và tránh được các rủi ro về tỷ giá. Điều này đặc biệt có ý nghĩa do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia và kim ngạch thương mại song phương năm 2011-2012 đạt 127,8 tỉ USD, tức chiếm 20% tổng kim ngạch thương mại của Australia. Con số này vượt xa tổng kim ngạch 75,7 tỉ USD trong thương mại hai chiều giữa Australia và đối tác thương mại lớn thứ hai là Nhật Bản. Đối với Trung Quốc, thỏa thuận này được xem là một thành công nữa trong nỗ lực quốc tế hóa đống Nhân dân tệ, từng bước biến đồng tiến này thành đồng tiền thanh toán quốc tế chủ chốt. Bên cạnh đó, bà Thủ tướng Gillard cũng thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, đón trước làn sóng đầu tư sắp tới của Trung Quốc, khi tuyên bố "Australia luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư từ Trung Quốc".

Trong hợp tác quốc phòng, sự tin cậy giữa Australia và Trung Quốc được nâng lên một bước qua thỏa thuận tăng cường đối thoại, trao đổi về các vấn đề chiến lược, quốc phòng khu vực, và việc đón tàu hải quân Trung Quốc thăm Sydney vào tháng 10 tới. Để khẳng định việc "hợp tác an ninh Australia và Mỹ chỉ nhằm củng cố an ninh khu vực", Thủ tướng Gillard đã ngỏ ý mời Trung Quốc tham gia tập trận chung ba nước.

Đáng chú ý là chuyến đi thăm Trung Quốc của bà Gillard bị bao phủ bởi "bóng ma chiến tranh" đang rình rập trên Bán đảo Triều Tiên. Nếu chiến tranh nổ ra, không chỉ an ninh và ổn định của toàn khu vực bị đe dọa, mà cả "Giấc mơ Phục hưng" của Trung Quốc, lẫn "Thế kỷ châu Á" của Australia đều bị tan thành mây khói. Do đó, bà Gillard đã nhân cơ hội này kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để "hạ hỏa" Triều Tiên và làm dịu tình hình khu vực.

Chuyến đi này cho thấy bà Gillard đã làm khá tốt vai trò "ngoại giao cân bằng" với cả Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác kinh tế và an ninh quan trọng nhất của Australia, nhưng cũng không đặt đất nước Kanguru ở thế phải chọn phe. Tuy nhiên, việc Australia sẽ tiếp tục đóng vai trò này trong tương lai ra sao trong bối cảnh các nghi ngờ chiến lược giữa hai "kỳ phùng địch thủ" Trung, Mỹ ngày càng gia tăng vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Vũ Thị Thanh Tú