Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đã có bước khởi đầu thuận lợi trong cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng nước này sau khi giành tới 165 trong tổng số 330 phiếu ủng hộ của các nghị sĩ đảng Bảo thủ trong vòng 1 cuộc bỏ phiếu chọn người thay thế ông David Cameron. Bà cũng bỏ xa đối thủ đứng thứ hai là Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom tới gần 100 phiếu. Với những diễn biến hiện nay, nhiều khả năng nước Anh sẽ có nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử sau “Bà đầm thép” Margaret Thatcher.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May. (Nguồn: Vogue) |
Con đường rộng mở
Ngay sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 năm ngoái với chiến thắng bất ngờ của đảng Bảo thủ, bà May đã được xem như một trong những ứng cử viên có khả năng sẽ thay thế Thủ tướng Cameron vào nửa cuối nhiệm kỳ. Tuy vậy, cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hôm 23/6 vừa qua - trong đó việc có tới 51,9% người dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) khiến Thủ tướng Cameron quyết định từ chức - đã khiến viễn cảnh này đến sớm hơn. Tiếp đó, việc Bộ trưởng Tài chính George Osborne, và bất ngờ hơn cả là cựu Thị trưởng London Boris Johnson đều không tham gia tranh cử đã mở rộng thêm cánh cửa cơ hội cho bà Theresa May.
Là người lãnh đạo lâu năm của một trong những bộ quan trọng nhất phụ trách vấn đề biên giới và an ninh quốc gia, bà Theresa May có nhiều kinh nghiệm hơn tất cả những ứng viên còn lại. Có ý kiến cho rằng, vì nước Anh đã chọn rời khỏi EU nên người dẫn dắt chính phủ sắp tới phải là người ủng hộ Brexit. Theo danh sách tranh cử thì đó có thể là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, Thứ trưởng Leadsom hoặc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox.
Tuy nhiên, ông Gove đã bị mất điểm nghiêm trọng khi bị coi là "kẻ đâm sau lưng" đồng minh của mình - "nhạc trưởng" của phe Brexit Boris Johnson. Còn ông Fox thì không nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Bảo thủ, cùng với một người chưa từng có cơ hội tham gia cuộc họp nội các như bà Leadsom bị đánh giá là thiếu kinh nghiệm cần thiết để điều hành chính phủ.
Bà Theresa May mặc dù đứng ở phe vận động ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua cùng với Thủ tướng Cameron, nhưng sự điềm tĩnh và kinh nghiệm chính trường của bà lại gây được cảm tình ở cả phe ủng hộ lẫn phe phản đối Brexit.
Cuộc đua 5 người đang có chiều hướng có lợi cho bà Theresa. (Nguồn: Independent) |
Trong bối cảnh chính trường Anh đang lâm vào khủng hoảng cùng với những chia rẽ xã hội sâu sắc “hậu” trưng cầu ý dân, có thể nói bà Theresa May đã thực hiện chiến lược tranh cử khôn ngoan khi nhấn mạnh mục tiêu đoàn kết nội bộ đảng, đoàn kết đất nước để đương đầu với những thách thức trước mắt.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bà từng nói rằng: "Tôi nghĩ điều tối quan trọng của đảng lúc này là đoàn kết... Chúng ta không phải là người rời đi hay người ở lại. Chúng ta là những thành viên đảng Bảo thủ trong chính phủ với công việc phải làm". Bà cũng bày tỏ ý định sẽ tìm đến các nhân vật cấp cao như ông Boris Johnson, thậm chí cả đối thủ Michael Gove, khi xây dựng một nội các đoàn kết nếu thắng cử.
Kinh nghiệm nhiều năm đứng đầu Bộ Nội vụ cũng là lợi thế để bà Theresa May tạo lòng tin với các nghị sĩ về khả năng đối phó với các thách thức an ninh quốc gia. Trong một bài viết đăng trên tờ Mail (Anh) đầu tuần này, bà Theresa May tuyên bố sẽ bảo vệ nước Anh an toàn trước mối đe dọa của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phát biểu tại Quốc hội, bà cũng khẩn thiết đề nghị nâng cấp hệ thống tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Trident của Anh càng sớm càng tốt để đối phó với những hiểm họa ngày càng gia tăng.
Bà Theresa May và ông David Cameron. (Nguồn: Black Ballad) |
Với việc Anh chọn rời khỏi EU, Thủ tướng mới sẽ là người đảm nhận trọng trách khởi động tiến trình đàm phán chưa từng có tiền lệ để giải quyết vụ chia ly này cũng như xây dựng mối quan hệ mới với liên minh mà Anh từng có hơn 40 năm gắn bó. Điều này khiến dư luận hiện rất quan tâm đến đường hướng của các ứng cử viên thủ tướng liên quan vấn đề Brexit.
Bà Theresa May khẳng định sẽ bảo vệ các lợi ích của Anh trong các cuộc đàm phán với EU. Bà đã phản bác quan điểm của các đối tác châu Âu cho rằng, các cuộc thương lượng sẽ không thể diễn ra trước khi Thủ tướng Anh "kích hoạt" Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon - cơ chế chính thức cho Brexit.
Theo bà, các cuộc đàm phán sơ bộ trước khi thực sự đạt được một lập trường chính thức là "quy tắc chung" trong mọi cuộc thương lượng ở châu Âu và đây sẽ là một luận điểm để thảo luận khi Anh có Thủ tướng mới.
Quan điểm của bà Theresa May về tương lai các công dân EU đã và đang sinh sống tại Anh cũng khác với ứng cử viên nữ còn lại trong cuộc đua. Bà cho rằng cần có sự cân bằng giữa việc đảm bảo vị thế của các công dân EU tại Anh với vị thế của các công dân Anh đang sinh sống tại các nước EU khác.
Nếu trở thành tân Thủ tướng Anh, bà Theresa sẽ phải đối diện với những vấn đề do Brexit gây ra. (Nguồn: News State Man) |
Thách thức hậu Brexit
Cho dù ai trở thành người lãnh đạo đảng Bảo thủ và trở thành chủ nhân căn nhà số 10 phố Downing thì nhiệm vụ của nhân vật này cũng sẽ là ổn định nền kinh tế và thống nhất một chính đảng vốn bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc trưng cầu ý dân.
Người thắng cuộc cũng cần phải quyết định khi nào sẽ khởi động quá trình “ly hôn” với EU và cách đàm phán để vừa đưa nước Anh tách khỏi EU sau 43 năm là thành viên, vừa giữ được các điều khoản có lợi cho thương mại. Trong khi đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy những lo ngại về ảnh hưởng của Brexit đối với thương mại, đầu tư và lòng tin đang bắt đầu tác động tới nền kinh tế.
Brexit đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế Anh. (Nguồn: NBC News) |
Đồng bảng Anh, bị ảnh hưởng bởi lo ngại trên thị trường về tác động xấu của Brexit tới nền kinh tế, đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua và giá trị đồng nội tệ này hiện đã thấp hơn mức sau cuộc trưng cầu dân ý tới 12%. Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố: “Có nhiều dấu hiệu cho thấy một số nguy cơ bắt đầu hiện rõ và nghiêm trọng hơn… Triển vọng ổn định nền tài chính Anh hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức”, đồng thời công bố các biện pháp để khuyến khích các ngân hàng tiếp tục hoạt động cho vay.
Trước cuộc trưng cầu ý dân, các cử tri đã phải lắng nghe rất nhiều lời cảnh báo từ ông Cameron và một loạt định chế tài chính và viện nghiên cứu chính sách rằng Brexit sẽ nhấn chìm Anh vào cuộc suy thoái bởi Brexit sẽ tước đi của Anh quyền tiếp cận thị trường chung EU phi thuế quan. Phe ủng hộ “rời khỏi EU” đã chế giễu các lập luận này và gọi đó là dự án “Gieo rắc sợ hãi” và khẳng định Anh sẽ thịnh vượng hơn với việc giành lại “độc lập” từ Brussels và tự do lập ra các luật lệ của nước Anh, đàm phán về các thỏa thuận thương mại của riêng họ và hạn chế nhập cư - điều mà Anh không thể làm được theo quy định của EU, vốn cho phép tự do đi lại trong khối.