📞

Ba quan điểm chính sách của ông Trump

09:40 | 25/11/2016
Theo Reuters ngày 24/11, từ một ứng cử viên dân túy trở thành Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump đã đưa ra những quan điểm chính sách khác nhau về các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. 

Có những vấn đề ông Trump thể hiện quan điểm rất nhất quán, ví dụ như về thương mại, song cũng có những vấn đề trong đó ông đã thay đổi hẳn quan điểm như khí hậu và bảo hiểm y tế, hoặc còn để ngỏ như nhập cư và ngoại giao.

Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Nguồn: AP)

Cương quyết

Những quan điểm Tổng thống đắc cử Trump thể hiện tính nhất quán bao gồm vấn đề đầu tiên là thương mại. Theo đó, ông Trump chỉ trích các thỏa thuận thương mại quốc tế làm mất cơ hội việc làm cho người Mỹ. Mới đây, ông khẳng định sẽ tuyên bố việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước ngay khi ông chính thức nhậm chức ngày 20/1/2017. “Thay vì thế, chúng tôi sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương đem lại việc làm và công việc kinh doanh cho người Mỹ”, ông Trump nói.

Thứ hai là vấn đề hạ tầng. Một trong số những đề xuất hiếm hoi của ông Trump được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Cục Dự trữ Liên bang (FED) và phe Dân chủ đối lập hoan nghênh là khoản đầu tư 550 tỷ USD cho xây dựng hạ tầng để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng nghìn việc làm. Steve Bannon, một nhà hoạch định chiến lược chủ chốt cho chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Trump, cho rằng với mức lãi suất thấp khác thường, đã đến lúc Mỹ khởi động các dự án công trình chính như đường cao tốc, cầu, sân bay và trường học.

Thứ ba là vấn đề nạo phá thai và sử dụng súng đạn. Sau khi thắng cử, ông Trump cho biết ông sẽ bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao phản đối việc nạo phá thai và ủng hộ quyền sở hữu vũ khí theo quy định của hiến pháp.

Thay đổi

Trong những quan điểm ông Trump có sự thay đổi sau khi đắc cử có vấn đề biến đổi khí hậu. Trước đây, ông Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ các thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Nhà tỷ phú này đã từng gọi tình trạng ấm lên toàn cầu là “điều dối trá” do Trung Quốc bịa ra và không có cơ sở khoa học. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông đã “có suy nghĩ cởi mở” về việc ủng hộ các thỏa thuận toàn cầu. Đồng thời, ông hứa sẽ xem xét lại “những hạn chế gây mất việc làm” trong sản xuất dầu đá phiến cũng như trong ngành công nghiệp than.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ “bãi bỏ hoàn toàn” Đạo luật Chăm sóc sức khỏe bắt buộc – còn gọi là Obamacare, một chương trình bảo hiểm y tế được Tổng thống Barack Obama ký thành đạo luật vào tháng 3/2010. Sau khi thắng cử, ông Trump nói ông hi vọng sẽ giữ lại một số phần được lòng dân nhất của chương trình Obamacare.

Đối với vụ scandal thư điện tử của bà Clinton, ông Trump đã từ bỏ lời đe dọa trong cuộc tranh cử là sẽ khởi tố đối thủ Clinton về vụ rò rỉ thư điện tử của bà khi nói rằng làm như thế sẽ “gây chia rẽ đất nước”. Khi tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ tiến hành điều tra ứng cử viên đảng Dân chủ Clinton về việc sử dụng địa chỉ thư điện từ cá nhân thời bà còn là Ngoại trưởng Mỹ, và nói rằng bà sẽ phải đối mặt với án tù nếu ông được bầu làm Tổng thống.

Trong vấn đề tra tấn tù nhân, ông Trump cho biết lời khuyên của một tướng lính thủy đánh bộ đã thuyết phục ông nghĩ lại về kế hoạch cho phép tra tấn tù nhân khi lấy lời khai để có thông tin. Nhà tỷ phú nói, ông đã “rất ấn tượng” khi tướng về hưu James Mattis, người có khả năng được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng đã nói với ông rằng tra tấn không hiệu quả và thay vào đó ông này gợi ý nên tạo mối quan hệ tốt.

Ông Trump nói mong có quan hệ mạnh mẽ và lâu bền với Nga. (Nguồn: AP)

Chưa rõ ràng

Những vấn đề ông Trump thể hiện lập trường chưa rõ ràng chủ yếu là vấn đề quốc tế. Trước tiên, về vấn đề nhập cư, một chủ đề then chốt trong chiến dịch tranh cử, ông Trump hứa sẽ xây một bức tường trên biên giới với Mexico để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp. Song sau khi đắc cử, ông ít đề cập tới bức tường này. Hiện tại, ông nói ông sẽ trục xuất khoảng 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp có tiền án trong khi trước đây ông cam kết sẽ trục xuất khoảng 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ. Ông đã bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, một người phản đối nhập cư, làm Tổng Chưởng lý. Ông dự định vào những ngày đầu tiên nhậm chức sẽ ra sắc lệnh điều tra về việc lạm dụng visa.

Về vấn đề Iran, như nhiều thành viên đảng Cộng hòa, ông Trump rất nghi ngại Iran và đã tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận quốc tế với Tehran để ngăn nước cộng hòa Hồi giáo này phát triển vũ khí hạt nhân. Sau khi đắc cử, ông chưa thảo luận công khai chủ đề này song ông đã bổ nhiệm ông Mike Pomeo làm Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), một nghị sĩ Cộng hòa thuộc phái diều hâu và là người chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân Iran. Trước khi được bổ nhiệm, người đứng đầu CIA tương lai này viết trên Twitter: “Tôi mong đợi việc rút lại thỏa thuận thảm họa này với quốc gia bảo trợ khủng bố lớn nhất thế giới này”.

Liên quan tới vấn đề Syria, ông Trump đã nói ông “có quan điểm đối lập” với những người khác về cuộc xung đột Syria song không nói chi tiết. Ông cho rằng nên tập trung hơn vào việc chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hơn là lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông nói nếu Mỹ tấn công Assad thì “rốt cuộc chúng ta đang đánh lại Nga”. Còn đối với Moscow, ngày 22/11, ông Trump nói với tờ New York Times: “Một điều rất tuyệt là chúng ta có thể hòa thuận với không chỉ nước Nga mà còn với các nước khác”. Vị Tổng thống đắc cử đã ca ngợi sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin và nói ông mong đợi có “quan hệ mạnh mẽ và lâu bền với Nga”.

Trong quan hệ với Israel, ông Trump nói ông “thích được là người tạo nên hòa bình với Israel và Palestine”. Song ông đã khiến người Palestine nổi giận khi nói rằng Jerusalem nên được công nhận là thủ đô của Israel, một ý tưởng đi ngược lại với chính sách truyền thống của Mỹ.

(theo Reuters)