Từ một vùng đất có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, nhưng với tài nguyên khoáng sản phong phú và vị trí chiến lược, Bắc Cực trở thành điểm nóng trong cuộc cạnh tranh giữa các nước nằm trong khu vực này cũng như nhiều nước khác.
Quận Chukotka, ở cực Đông Bắc Siberia, Nga. (Nguồn: Britanica) |
Vùng đất tiềm năng
Với diện tích hơn 16 triệu km2, được bao quanh bởi Bắc Băng Dương, Bắc Cực là khu vực có khí hậu lạnh nhất trên Trái đất. Ở Bắc Cực có hai mùa, mùa Đông có tuyết kéo dài từ tháng Chín năm trước tới tháng Năm năm sau và “mùa Đông không có tuyết”, hay thực ra là mùa Hè, kéo dài từ tháng Sáu năm trước tới tháng Tám năm sau. Nhiệt độ vào mùa Đông tại đây có thể xuống tới -600 C như vùng Irkusk của Nga, Alaska của Mỹ, còn mùa Hè xung quanh 00 C.
Bắc Cực có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các khoáng chất như niken, bạch kim, paladi và các kim loại đất hiếm nằm dưới đáy đại dương và các vùng cực Bắc của các quốc gia xung quanh vùng Bắc Cực. Theo các ước tính, Bắc Cực có khoảng 16% lượng dầu chưa được khai thác của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được phát hiện nằm dưới đáy đại dương. Các nhà khoa học ước tính trữ lượng khoáng sản, năng lượng ở vùng này có thể có giá trị lên đến hơn 30.000 tỷ USD.
Không chỉ tiềm năng về khoáng sản, một tuyến đường vận tải biển có thể khai thác khi tình trạng băng tan ngày càng nhanh ở khu vực Bắc Cực. Một số dự đoán bi quan cho rằng, Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng trên biển trong mùa Hè vào năm 2035 và lúc đó các tàu có thể dễ dàng từ châu Âu đi qua Bắc Cực đến Đông Á và ngược lại. Các tuyến đường mới này ngắn hơn đáng kể so với các tuyến thương mại cổ điển qua kênh đào Suez.
Tuyến đường biển từ Trung Quốc tới khu vực Tây Âu qua Bắc cực dài khoảng 8.100 hải lý. Tuyến đường đi qua Kênh đào Suez xa hơn khoảng 2.400 hải lý và nếu đi vòng qua Mũi Hảo vọng châu Phi sẽ xa hơn khoảng 4.000 hải lý nữa. Trong tình trạng xung đột kéo dài ở Biển Đỏ, hàng hóa vận chuyển qua lại giữa châu Âu và Đông Á theo tuyến đường biển này chắc chắn sẽ được tính đến.
Cạnh tranh chiến lược Nga-Mỹ
Cuối tháng 12/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đơn phương tuyên bố mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý, trong đó có ở vùng Bắc Cực và Biển Bering ở vùng Alaska. Việc tăng cường yêu sách đối với thềm lục địa ở Bắc Băng Dương là xu hướng chung trong chính sách biển của các nước Bắc Cực.
Nga rất chú trọng đến phát triển vùng Bắc Cực, nếu không nói là đi đầu. Là quốc gia sở hữu 53% diện tích khu vực bao quanh Bắc Cực, Nga xem vùng này là tương lai của mình. Tháng 4/2020, Tổng thống Putin đã ký ban hành chỉ thị về các nguyên tắc cơ bản trong chính sách Bắc Cực của Nga đến năm 2035, nhằm phát triển hạ tầng, cơ cấu dân cư và các hoạt động kinh tế tại khu vực này. Moscow đã tập trung ngân sách đầu tư nhiều dự án lớn tại Bắc Cực, điển hình là dự án Yamal LNG tại bán đảo Yamal phía trên Vòng Bắc Cực. Đây là một trong những dự án khí tự nhiên hóa lỏng được đánh giá là lớn nhất và phức tạp nhất thế giới.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động kinh tế tại Bắc Cực ước tính đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội và gần 90% sản lượng dầu khí của Nga. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, Bắc Cực còn có vị trí trọng yếu trong chiến lược an ninh của xứ bạch dương. Đó là hành trình ngắn nhất, theo nghĩa địa lý thông thường và hành trình tên lửa đạn đạo, nối Nga với Bắc Mỹ nên đây là tâm điểm trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Moscow và Washington.
Do tập trung sự quan tâm cũng như nguồn lực lớn và sớm. Nga đã đạt tiến bộ đáng kể trong việc tái lập sự hiện diện quân sự của mình ở Bắc Cực. Kể từ năm 2014, Nga đã xây dựng ít nhất 475 cơ sở quân sự dọc biên giới phía Bắc và bắt đầu tích cực phát triển cảng Severomorsk ở Biển Barents phía trên Vòng Bắc Cực (căn cứ chính của Hạm đội phương Bắc) và cảng Vladivostok. NATO cho rằng, Nga đã mở lại 50 căn cứ quân sự bị bỏ hoang từ Chiến tranh Lạnh, trong đó có 13 căn cứ không quân và 10 trạm radar. Nga cũng thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh và phương tiện không người lái dưới nước chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Bắc Cực. Hạm đội phương Bắc của Nga, bao gồm tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu phá băng và tàu hỗ trợ, đã được tăng cường đáng kể trong thập kỷ qua và Nga trở thành cường quốc hàng đầu ở phía Bắc.
Những nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ khu vực kinh tế và an ninh quan trọng này, khiến Washington thúc đẩy những chính sách quyết liệt hơn tại Bắc Cực. Tháng 5/2013, Mỹ công bố Chiến lược quốc gia đối với Bắc Cực, đề ra các ưu tiên chiến lược đối với khu vực này trong vòng 10 năm tiếp theo với các mục tiêu bảo vệ lợi ích an ninh, thúc đẩy vai trò quản lý của Mỹ ở Bắc Cực và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Vào tháng 10/2022, Tổng thống Joe Biden đã thông qua Chiến lược quốc gia mới của Mỹ đối với khu vực Bắc Cực, theo đó dự định tăng cường ảnh hưởng của nước này trong khu vực trong vòng 10 năm tới. Mới đây, tập đoàn RAND, một trong những nhà phát triển chiến lược quân sự chủ chốt cho chính phủ Mỹ, đã công bố một báo cáo “Khả năng ở Bắc Cực của Lực lượng vũ trang Mỹ”, dành riêng cho việc phát triển chiến lược quân sự trong khu vực của Mỹ.
Những năm gần đây, các tàu của Hải quân Mỹ và các quốc gia khác trong khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường thực hiện các chuyến đi đơn lẻ và theo nhóm ở Bắc cực, đồng thời liên minh duy trì sự hiện diện thường xuyên của các tàu ngầm hạt nhân trong khu vực. Các nước NATO cũng tích cực cải tiến phương pháp triển khai quân đội của mình trong điều kiện khí hậu băng tuyết khắc nghiệt và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng hải quân ở Bắc Băng Dương.
Sự mở rộng của NATO với việc kết nạp Phần Lan gần đây và có thể là Thụy Điển sắp tới sẽ khiến tương quan tại Bắc cực có sự thay đổi theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ, vì Nga hiện là nước duy nhất trong vành đai Bắc Cực không phải là thành viên hoặc đồng minh của NATO.
Hợp tác đa phương
Cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực trở nên quyết liệt hơn giữa Nga-NATO, nhưng khu vực này cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa các quốc gia thuộc khu vực này cũng như ngoài khu vực. Tuyên bố Ottawa thành lập Hội đồng Bắc Cực được ký kết vào năm 1996 giữa tám quốc gia Bắc Cực gồm Canada, Mỹ, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển. Trong hơn một phần tư thế kỷ, các quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực đã hợp tác chặt chẽ về các vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vào tháng 3/2022, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, bảy quốc gia phương Tây trong Hội đồng Bắc Cực đã tạm dừng hoạt động của Nga trong Hội đồng.
Tại khu vực châu Âu, Hội đồng khu vực biển Barents và châu Âu - Bắc Cực (BEAC) gồm EU, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Nga, với mục tiêu thúc đẩy ổn định và phát triển bền vững ở khu vực biển Barents được thành lập năm 1993. Trong 30 năm qua, BEAC đã giúp duy trì hòa bình và ổn định ở vùng cực Bắc, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, tăng cường văn hóa, mối quan hệ nhân đạo và giao lưu nhân dân, trong đó có đại diện của các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2023, Nga đã thông báo rút khỏi BEAC với lý do Phần Lan chưa tuyên bố sẵn sàng chuyển giao quyền chủ tịch luân phiên BEAC cho Nga vào tháng 10/2023.
Sau quyết định của các nước Tây Bắc cực hạn chế sự hợp tác với Nga trong hội đồng, Moscow đã điều chỉnh lại một phần cách tiếp cận hợp tác Bắc Cực của mình. Trong phần sửa đổi “Những nguyên tắc cơ bản trong chính sách của Liên bang Nga ở Bắc cực trong giai đoạn đến năm 2035”, vào tháng 2/2023 và Học thuyết Chính sách đối ngoại mới của Liên bang Nga sau đó, Nga sẵn sàng hợp tác với các cường quốc ngoài khu vực Bắc Cực’. Vào tháng Tư, nước này đã ký một bản ghi nhớ hợp tác về bảo vệ bờ biển với Trung Quốc, sau đó hai nước tiến hành các cuộc tập trận liên quan ở Bắc Cực. Ngoài ra, Nga còn mời Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi - các nước BRICS - tham gia các dự án nghiên cứu của mình tại quần đảo Svalbard tại khu vực Bắc Cực.
Mặc dù không có lãnh thổ ở Bắc Cực, nhưng Trung Quốc đã là quan sát viên chính thức của Hội đồng Bắc Cực từ năm 2013 và tự xác định là một quốc gia cận Bắc Cực. Trung Quốc cho rằng, Bắc Cực có tầm quan trọng đối với nước này trên nhiều phương diện, nhất là lợi ích kinh tế. Hiện các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc có tổng cộng 20% cổ phần tại dự án Arctic LNG-2 cùng với Novatek, Total và Japan Arctic LNG. Ngoài ra, Trung Quốc tích cực theo đuổi hợp tác song phương với các quốc gia Bắc Cực, đặc biệt là các nước Bắc Âu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhằm duy trì sự hiện diện lớn hơn tại đây. Trung Quốc hiện có hai trạm nghiên cứu cố định ở Bắc Cực, một ở quần đảo Svalbard của Na Uy và một ở Iceland.
Với vị trí chiến lược và tài nguyên phong phú, Bắc Cực đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, khiến khu vực này ngày càng “nóng”, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh, tuy nhiên khu vực hoang sơ này cũng mở ra cơ hội hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu về nghiên cứu khoa học, khí hậu và vận tải biển.