📞

Bài 3 – Điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt-Mỹ

10:03 | 23/03/2019
Quân đội Mỹ rời Việt Nam nhưng còn để lại một “di sản” khổng lồ: những người thiệt mạng và bị thương tật của cả hai phía.

Theo Cơ quan tìm kiếm người nước ngoài mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA) của Bộ quốc phòng Việt Nam, trong chiến tranh Việt Nam đã có hàng triệu người dân Việt Nam thiệt mạng, thương tật, trong đó có 300.000 quân nhân mất tích và hiện còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Những bước đầu tiên

Về phía Hoa Kỳ, hơn 58.000 lính Mỹ đã chết, gần 2000 người mất tích tại Việt Nam (số liệu của Hoa Kỳ là 1973 người), hàng trăm ngàn người bị thương tật, tàn phế. Ngoài ra, con số bị mắc các chứng rối loạn tâm thần “Hội chứng Việt Nam” lên đến hàng triệu người; hàng trăm ngàn quân nhân và cố vấn Mỹ bị ung thư hoặc sinh con dị tật do tiếp xúc với chất da cam đã sử dụng ở Việt Nam.

Sau chiến tranh, trên tinh thần nhân đạo, Việt Nam đã chủ động đơn phương tìm kiếm thông tin, thu gom hài cốt trao cho phía Hoa Kỳ. Trong thời gian từ năm 1973 đến 1988, Việt Nam đã đơn phương tìm và trao cho phía Hoa Kỳ 302 bộ hài cốt.

Lễ trao trả hài cốt quân nhân Mỹ được tổ chức trang trọng tại Sân bay Đà Nẵng. (ảnh VNA)

Tháng 8/1987, trong chuyến làm việc tại Việt Nam của tướng John Vessy, đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch và tướng John Vessy đã ký thỏa thuận về hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm. Sự kiện này đánh dấu bước mở đường cho hoạt động chung hỗn hợp MIA Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 1988.

Động lực thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ

Kể từ năm 1973 đến nay, trải qua 46 năm hoạt động nhân đạo MIA, trong đó có 31 năm hoạt động hỗn hợp, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức triển khai tổng số 4000 lượt điều tra hỗn hợp trên các địa bàn (trong đó có gần 60 lượt điều tra dưới nước), khai quật hỗn hợp hơn 700 hiện trường /vụ (có trên 10 vụ dưới nước, gần 100 hiện trường phải khai quật nhiều lần). Hai bên đã tổ chức 128 cuộc giám định pháp y hỗn hợp Việt – Mỹ và 146 đợt hồi hương hài cốt cho phía Mỹ; tổng số gần 1000 hòm hài cốt (số liệu của phía Việt Nam là 955) đã được trao trả và phía Mỹ đã nhận dạng được hơn 800 trường hợp.

Song song với hoạt động hỗn hợp Việt – Mỹ, các chuyên viên của Việt Nam đã triển khai trên 100 đợt điều tra đơn phương với trên 1000 lượt/vụ trên các địa bàn.

Phía Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu tại các kho lưu trữ, bảo tàng, nhà truyền thống ở cấp trung ương và địa phương, sưu tầm nghiên cứu hàng ngàn tài liệu liên quan đến MIA, trao cho phía Mỹ hàng ngàn trang tài liệu và nhiều thông tin, di vật có liên quan đến các trường hợp MIA.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm khu xử lý chất dioxin tại sân bay Biên Hòa-Đồng Nai.

Hai bên cũng đã hợp tác với Lào, Campuchia tổ chức trên 70 đợt tìm kiếm 3 bên, tiến hành phỏng vấn và đưa hơn 200 lượt nhân chứng là cựu chiến binh từ Việt Nam sang Lào và Campuchia để xác định, tìm kiếm hiện trường và hài cốt người Mỹ.

Có thể nói, hợp tác trong lĩnh vực MIA là điểm sáng, là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chạy đua cùng thời gian

Nếu như trong giai đoạn đầu, công tác tìm kiếm quân nhân mất tích chủ yếu là những nỗ lực đơn phương từ phía Việt Nam nhằm đưa hài cốt của của người Mỹ về với gia đình thì sang giai đoạn sau, đã có một bước biến chuyển mang tính đột phá khi phía Mỹ cũng bắt đầu thu thập thông tin và cung cấp cho phía Việt Nam nhằm tìm kiếm những liệt sĩ, bộ đội Việt Nam còn mất tích. Nhiều trường hợp các kỷ vật, di vật của bộ đội Việt Nam do các quân nhân Mỹ lưu giữ trong thời gian chiến tranh đã tìm về được với gia đình của bộ đội Việt Nam, để lại những câu chuyện cảm động về sự hợp tác chưa từng có giữa hai quốc gia từng đối đầu nhau trong thời chiến tranh.

Để tiếp tục quá trình tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong thời gian chiến tranh, phía Việt Nam đã đề nghị phía Hoa Kỳ bố trí cơ quan thu thập thông tin, nghiên cứu hồ sơ và vận động các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội cựu chiến binh, các cá nhân cung cấp cho Việt Nam những thông tin liên quan đến bộ đội Việt Nam còn mất tích.

Trong thời gian tới, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện tìm kiếm khoảng 200.000 liệt sĩ, bộ đội Việt Nam và các quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Công việc cực kỳ khó khăn do thời gian quá lâu, nhiều trường hợp đã trên 50 năm, lại tập trung ở những địa bàn khó khăn như trên núi cao, trong rừng rậm, biển sâu hoặc chưa xác định được hiện trường.

Thời gian quá lâu cũng khiến cho các nhân chứng giảm, hiện trường bị thay đổi do tác động của thiên nhiên, con người, hài cốt bị tiêu hủy...Do vậy, cả hai phía đều hiểu rằng cần tăng cường các nguồn lực để chạy đua với thời gian để thúc đẩy hoạt động nhân đạo này. Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa trong tìm kiếm MIA, hài cốt, tăng cường nhân lực, thậm chí tiếp tục các hoạt động đơn phương ở những địa bàn khó khăn.

Đối với Việt Nam, tìm kiếm MIA đã và vẫn luôn là hoạt động nhân đạo nhằm mang lại sự thanh thản cho những gia đình Mỹ có con em bị mất tích trong thời gian chiến tranh, hàn gắn vết thương mà chiến tranh để lại trong lòng nước Mỹ. 

Hai cuộc hội thảo quốc tế do Ban chỉ đạo 701 phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức là những tiếng nói từ nước Mỹ, phản ánh những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là vai trò của Hoa Kỳ, nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực vì hòa bình và phát triền bền vững, đồng thời đẩy nhanh quá trình hòa giải, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quá trình này chưa dừng lại mà sẽ còn tiếp tục trong những năm trước mắt, hứa hẹn giúp giảm bớt nỗi đau của các nạn nhân, đồng thời góp phần tăng cường hợp tác quốc tế, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.  

(Từ Washington DC)