"Lục địa già" đặc biệt quen thuộc với khái niệm nhập cư và di dân. Trên thực tế, người tị nạn luôn là vấn đề nóng ở đây.
Người tị nạn Syria từ thành phố Kobani của nước này đến đảo Kos (Hy Lạp), tháng 8/2015. (Nguồn: Reuters) |
Từ lục địa di cư…
Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy các cuộc di cư lớn của người châu Âu ra các lục địa khác. Một ví dụ khá tiêu biểu là trường hợp Argentina. Dân số nước này đã tăng từ 1,5 triệu lên 4 triệu chỉ trong vòng 30 năm (1864-1894). Đến năm 1924, số dân ở đây tăng lên 10 triệu, và năm 1954 đã là khoảng 20 triệu. Điều lý giải cho sự bùng nổ dân số ở quốc gia Nam Mỹ này chính là dòng người nhập cư từ châu Âu, phần lớn ở Italy và Tây Ban Nha - hai nước có nhiều đổi thay về kinh tế và chính trị, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, nước Mỹ được người di cư châu Âu lựa chọn là đích đến lý tưởng của họ. Những vần thơ của nữ thi sĩ Emma Lazarus khắc trên bức tượng Nữ thần tự do cũng có những lời nhắn gửi ấm áp tới người nhập cư về một vòng tay chào đón ở nước Mỹ. Từ thế kỷ XVI-XVIII đã xuất hiện làn sóng di cư lần thứ nhất của những người châu Âu nói tiếng Anh vào Mỹ, chủ yếu với lý do kinh tế và tôn giáo. Những năm 1840 và 1850 chứng kiến làn sóng di cư thứ hai vào "xứ cờ hoa" mà phần lớn là người đến từ Đức và Ireland khi họ phải đối mặt với nạn đói ở quê nhà.
Có thể thấy, trong nhiều thế kỷ, châu Âu là “lục địa di cư”. Trong đó, thế kỷ XIX được khắc họa như thế kỷ của những người di cư vì lý do kinh tế, và sang thế kỷ XX, các vấn đề chính trị, xã hội lại là nguyên nhân chính khiến người châu Âu xin tị nạn ở lục địa khác. Tuy nhiên, từ những năm 1960 trở đi, số lượng người di cư châu Âu sang châu Mỹ đã giảm dần.
Hiện nay, đang có sự "nổi loạn" trong lòng EU. Một số người không tán thành nguyên tắc đoàn kết, nhân quyền của Liên minh, và nhất quyết không tuân thủ kế hoạch tiếp nhận người tị nạn được thông qua năm 2015. |
…đến tiếp nhận
Hiện tại, những gì đã xảy ra với người châu Âu đang diễn ra ở các lục địa khác trên thế giới, đặc biệt tại Trung Đông, châu Phi và một phần châu Á. Những biến động, bất ổn chính trị, chiến tranh, xung đột tôn giáo, đói nghèo, kém phát triển… là nguyên nhân khiến một khối lượng khổng lồ người nhập cư và tị nạn tràn vào châu Âu, nơi hệ thống chính trị ổn định và kinh tế phát triển. Riêng năm 2015 đã có hơn 1,3 triệu người xin tị nạn tại các quốc gia thuộc EU.
Nhiều người châu Âu có thể hiểu những đau thương, mất mát mà người nhập cư phải chịu đựng tương tự những gì họ từng chứng kiến trong lịch sử châu lục này. Hơn nữa, nhiều người châu Âu cũng hiểu được mối liên quan giữa những biến động tại Trung Đông, châu Phi với chính sách đế quốc can thiệp của nhiều nước châu Âu trong lịch sử.
Chính vì vậy, EU đang thực thi chính sách đối với người nhập cư dựa trên cơ sở pháp luật theo điều 79 và 80 của Hiệp ước về hoạt động của Liên minh này. Theo đó, EU áp dụng chính sách đối xử bình đẳng giữa người nhập cư, đấu tranh chống lại nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn người, đồng thời khẳng định nguyên tắc đoàn kết cũng như chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên Liên minh, kể cả trách nhiệm tài chính. Nhìn chung, chính sách của EU là hạn chế và giảm nhập cư bất hợp pháp, nhưng luôn bảo đảm tôn trọng quyền con người.
Nhân viên cứu hộ đưa một bé gái lên bờ từ chiếc thuyền chở người tị nạn ở vùng biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đảo Lesbos (Hy Lạp), tháng 2/2016. (Nguồn: Reuters). |
…và những bất đồng
Tuy nhiên, chính sách trên không được sự ủng hộ của tất cả các thành viên Liên minh. Nếu như Đức, nước đã mở cửa đón nhận một số lượng lớn người tị nạn, đề nghị EU thực thi chương trình phân bổ người tị nạn cho các quốc gia thành viên, thì Anh và các nước Đông Âu như Ba Lan, Czech, Hungary và Slovakia lại cực lực phản đối kế hoạch này. Nhiều người đánh giá quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng: "nếu châu Âu thất bại với vấn đề tị nạn, lý tưởng về quyền dân sự toàn cầu sẽ hoàn toàn bị tiêu hủy" là không thực tế.
Sự phản kháng mạnh mẽ nhất đến từ Ba Lan và Hungary – hai nước không chấp nhận bất cứ người tị nạn nào vào lãnh thổ, dù đã có một chương trình được EU đề ra từ năm 2015 nhằm tái định cư 160 nghìn người xin tị nạn ở Hy Lạp và Italy vốn đang bị quá tải do dòng người từ Trung Đông và châu Phi đổ vào. Hungary kiên quyết bảo vệ quyết định không nhận người tị nạn vì cho rằng chương trình của EU “không hiệu quả”, đồng thời cáo buộc EC đang “tống tiền Hungary”. Riêng Czech, quốc gia từ năm 2015 đến nay chỉ đón nhận 15 người tị nạn, gần đây cũng tuyên bố sẽ không nhận thêm bất cứ người nào.
Người châu Âu không lạ gì với vấn đề di dân bởi bản thân họ đã từng là nạn nhân của bất ổn kinh tế, xã hội, chính trị, và phải di cư đến các châu lục khác vào thế kỷ XIX và XX. |
Sự cứng rắn của một số thành viên EU không khó hiểu. Một mặt, các nước giải thích rằng nguy cơ khủng bố hiện nay không cho phép họ nhận người tị nạn, trong đó có số lượng lớn người Hồi giáo. Mặt khác, những nước này còn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế và có tỉ lệ thất nghiệp cao.
Tuy nhiên, EU không có ý định "tha thứ" cho các quốc gia thành viên mà không tôn trọng nguyên tắc đảm bảo các quyền cơ bản của con người cũng như sự "đoàn kết" nội khối. Vì vậy, Đức, Pháp và 21 nước thành viên khác đã tuyên bố sẽ đưa ra sự lựa chọn cho các nước "cứng đầu" này: đón nhận số lượng người nhập cư theo định mức hay là rời khỏi EU.
Cũng nhằm gây sức ép cho Hungary, Ba Lan và Czech, EC – cơ quan hành pháp đứng đầu EU đã quyết định đưa ba thành viên này ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Trên thực tế, trong số 160 nghìn người tị nạn, đến giờ mới có hơn 20 nghìn người được tái định cư, và Liên minh có quyền phạt tài chính các thành viên không tuân thủ, tính trên nền tảng mỗi người tị nạn không được giúp đỡ định cư.
Hiện nay, dòng người tị nạn Syria dọc theo con đường Balkan đã giảm đi, nhưng số lượng người nhập cư bất hợp pháp từ Libya băng qua biển Địa Trung Hải vào châu Âu tiếp tục tăng lên, gây thêm áp lực cho các nước châu Âu, đặc biệt là Italy - điểm đến đầu tiên của người nhập cư.
Rõ ràng, người nhập cư đang là vấn đề hàng đầu cần giải quyết cho nhiều quốc gia EU. Châu Âu đang bị giằng xé giữa sứ mệnh giúp đỡ, hỗ trợ nhân đạo với các vấn đề nội tại như kinh tế trì trệ, an ninh bất ổn. Bởi vậy, đối với EU, việc giải được bài toán này rất khó. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để EU thể hiện vai trò to lớn trong sự phát triển chung của thế giới hướng tới hòa bình và phát triển.