Nhỏ Bình thường Lớn

Bài toán năng lượng ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu ngày càng trầm trọng hơn, khiến “lục địa già” loay hoay tìm kiếm những giải pháp mới để tự chủ hơn trong việc đảm bảo nguồn cung.
Một trạm nén khí thuộc đường ống khí đốt Yamal-Europe gần Nesvizh, Belarus. (Nguồn: Reuters)
Một trạm nén khí thuộc đường ống khí đốt Yamal-Europe gần Nesvizh, Belarus. (Nguồn: Reuters)

Từ giữa năm 2021, châu Âu đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng đáng lo ngại do khan hiếm nguồn cung khí đốt, sản lượng điện gió suy giảm, một vài nhà máy điện hạt nhân ngừng phát điện. May thay, viễn cảnh về một “mùa Đông đen tối” đã không xảy ra và châu lục này vẫn có thể vượt qua được tình huống xấu nhất.

Tuần này, khi phương Tây hợp lực cùng Mỹ siết trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraine, EU đã phải bỏ ra khoản tiền 722 triệu USD/ngày để nhập khẩu năng lượng từ Nga, nhiều gấp ba lần so với thời điểm trước khi Nga có hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đó cũng là lý do châu Âu liên tục chứng kiến giá khí đốt phá những kỷ lục mới. Ngày 2/3, sàn giao dịch London ICE ghi nhận, giá khí đốt đạt gần 2.230 USD/1.000 m3, tăng 59,4% so với kỷ lục ghi nhận vào cuối tháng 12/2021. Nhưng sang ngày 7/3, con số này đã lên tới 3.600 USD/1.000 m3.

Thực tế này báo hiệu, châu Âu vẫn chưa thực sự thoát ra được cuộc khủng hoảng, đồng thời đòi hỏi Liên minh châu Âu (EU) phải có những biện pháp mới và quyết liệt hơn để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Sự phụ thuộc vào Nga

Thập niên 1960, châu Âu vẫn tự chủ được nguồn năng lượng nhờ các mỏ khí đốt ở Biển Bắc. Tuy nhiên, theo thời gian, các mỏ này dần cạn kiệt, khiến các quốc gia như Anh và Hà Lan buộc phải ngừng hoạt động sản xuất khí đốt. Khi đó, các nước Tây Âu chỉ nhập khẩu khoảng 6% tổng lượng dầu từ Liên Xô cũ.

Năm 1964, Liên Xô khánh thành đường ống dẫn dầu mới mang tên Druzhba. Đây được xem là một trong những đường ống dẫn dầu có quy mô lớn nhất và dài nhất thế giới, có khả năng cung cấp lên tới một triệu thùng/ngày. Tuyến dẫn dầu Druzhba có các nhánh phía Bắc để cung cấp cho Ba Lan và Đức, và phía Nam để cung cấp cho Czech, Hungary và Slovakia. Năm 1981, Liên Xô lên kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt mới, chạy từ Siberia đến Tây Âu. Đường ống này mang tên Urengoy - Pomary - Uzhgorod.

Đồng thời, EU cũng đã và đang cắt giảm phụ thuộc vào than đá để thực hiện mục tiêu khí hậu, nhằm đạt được độ trung tính carbon vào năm 2050 và cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030. Hiện nay, khoảng 20% sản lượng điện của EU là từ than. Theo Tổng cục Năng lượng EU, kể từ năm 2012, EU đã giảm sản lượng điện than khoảng 1/3.

Ngoài ra, Đức đã từ chối các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân thông qua Đạo luật Năng lượng Nguyên tử vào năm 2011, một quyết định được đưa ra do những lo ngại về thảm họa hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) có thể tái hiện ở châu Âu. Chỉ 13% năng lượng của châu Âu hiện nay là từ năng lượng hạt nhân.

Khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của EU là từ khí đốt tự nhiên. Xăng và dầu mỏ (32%), năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học (18%), và nhiên liệu hóa thạch rắn (11%) chiếm phần còn lại.

Trong quá khứ, Nga luôn hoàn thành tất cả các hợp đồng dài hạn, vì vậy, Nga là một đối tác thương mại đáng tin cậy. Ngoài ra, trong tất cả các nhà cung cấp cho châu Âu, năng lượng từ Nga là rẻ nhất và có trữ lượng lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Mỹ đã từng nhiều lần cố gắng ngăn chặn việc xây dựng các đường ống năng lượng của Liên Xô vào châu Âu bằng các lệnh cấm vận, đồng thời kêu gọi các đồng minh tại đây hưởng ứng, với lý do lo ngại Moscow sẽ sử dụng dầu khí làm “đòn bẩy” địa chính trị. Tuy nhiên, những nỗ lực của Washington đều bất thành do các dự án này mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho châu Âu.

Thách thức từ biến đổi khí hậu

Tờ DW ghi nhận, thời gian qua, châu Âu đã nhận ra được nhiều vấn đề quan trọng để duy trì nguồn cung năng lượng, trong đó có những tác động của quá trình biến đổi khí hậu.

Đối với các loại năng lượng thông thường như dầu mỏ và hạt nhân, chúng rất dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt. Ví dụ, năm 2018, khi châu Âu trải qua một mùa Hè có nhiệt độ cao kỷ lục, Pháp đã buộc phải đóng cửa bốn nhà máy điện hạt nhân, còn nhà máy điện Grohnde của Đức cũng suýt phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do nước ở các dòng sông quá ấm, không thể dùng làm mát các lõi hạt nhân.

Các nhà máy thủy điện cũng bị thiệt hại nghiệm trọng và không thể hoạt động được khi gặp hạn hán. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Năng lượng tại Đại học Cologne (EWI), năm 2021, việc thiếu hụt sản lượng thủy điện từ Mỹ Latinh khiến Mỹ phải mua nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn bình thường, khiến châu Âu không thể tiếp cận được nguồn cung.

Tương tự, khi các quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Australia, Mỹ trải qua các hiện tượng khí hậu cực đoan như mưa lớn, lũ lụt, bão... thì lượng than được khai thác cũng bị giảm. Những vấn đề này đã góp phần khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh trong năm qua.

Đa dạng hóa nguồn năng lượng

Trước bối cảnh này, EU đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm nỗ lực tự chủ hơn và không bị phụ thuộc quá nhiều vào Nga. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đơn giản.

Theo Euronews, châu Âu hiện có nhiều lựa chọn. Đầu tiên, với nhu cầu nhập khẩu năng lượng cao, châu Âu có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác trong khu vực ngoài Nga, cụ thể là Na Uy hay Azerbaijan.

Ngoài ra, khu vực này có thể chuyển hướng sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, Qatar. Mặc dù LNG được coi là ít gây ô nhiễm nhất trong số các nhiên liệu hóa thạch nhưng nó vẫn gây tác động xấu tới môi trường.

Dù LNG có thể lấp đầy khoảng trống khí đốt của châu Âu trong ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng sẽ không có đủ LNG để đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng ở khu vực này. Mỹ đang cố gắng mua khí đốt tự nhiên từ những nơi khác trên thế giới thay vì từ Nga.

Bài toán năng lượng ở châu Âu
Mỹ và châu Âu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, theo đuổi các mục tiêu khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. (Nguồn: Reuters)

Đức đang tìm cách nhập khẩu LNG của Qatar và mua khí đốt từ các nước châu Âu khác. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng có thể xây dựng hai cơ sở LNG trong nước nhưng phải mất ít nhất ba năm mới có thể hoàn tất các cơ sở này.

Hơn thế, LNG có mức giá cao hơn nhiều so với khí đốt của Nga, khiến kinh tế châu Âu sẽ gặp phải khó khăn. Nếu mùa Đông tới chuyển sang sử dụng hoàn toàn LNG, châu Âu sẽ phải bỏ ra khoản tiền trên 70 tỷ Euro (79 tỉ USD) , tăng mạnh so với 12 tỷ Euro (13,5 tỷ USD) nếu dùng khí đốt Nga.

Bên cạnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu cắt giảm khí thải, châu Âu sẽ phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Đức đang đặt mục tiêu tăng tốc phát triển năng lượng mặt trời cùng với các dự án điện gió trên đất liền và ngoài khơi.

Năng lượng tái tạo vốn không gây hại tới môi trường, linh hoạt và bền vững hơn khi phải đối mặt với tình trạng khí hậu khắc nghiệt. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, việc phát triển năng lượng tái tạo nhanh hơn là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc của Berlin vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow.

Từ lâu, châu Âu đã phụ thuộc phần lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Số liệu do tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ) cung cấp cho thấy, khoảng 40% khí đốt nhập khẩu và 25% dầu thô của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, con số này là khoảng 50%. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60% khí đốt tự nhiên từ Nga.

Thế nhưng, việc chuyển đổi sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa, nên không thể xóa bỏ ngay sự lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng của nước ngoài. Điều đó một phần là do cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu không được thiết lập để xử lý khả năng gián đoạn năng lượng tái tạo, khó tích trữ năng lượng từ các nguồn tái tạo trong những thời điểm không có ánh nắng mặt trời và không có gió. Một số giải pháp đang được đưa ra để giải quyết vấn đề này bao gồm pin quy mô lớn, hydro xanh, nhưng các giải pháp đó vẫn nhỏ lẻ, chưa được triển khai ở quy mô lớn.

Cuối cùng, trong bối cảnh cần phải bổ sung năng lượng gấp, châu Âu có thể chuyển sang một loại năng lượng truyền thống hơn, đó là than đá. Ông Habeck từng nhận định: “Trong ngắn hạn, có thể để đề phòng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, chúng ta phải để các nhà máy than ở chế độ sẵn sàng và thậm chí phải để chúng hoạt động”. Tuy nhiên, phương án này chỉ được cân nhắc trong trường hợp xấu nhất, do nó đi ngược lại với các cam kết về chống biến đổi khí hậu của khu vực.

Châu Âu đang đứng trước rất nhiều thách thức để có thể đảm bảo được nguồn cung năng lượng. Dù vậy, đây cũng chính là lúc để “lục địa già” có những bước đi quyết liệt hơn, nhằm hiện thực hóa các tuyên bố về đa dạng hóa nguồn năng lượng, vốn đã được nêu lên trong nhiều năm qua nhưng thiếu đi các bước dịch chuyển đáng kể.

Thêm nhiều nước châu Âu quyết định giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga

Thêm nhiều nước châu Âu quyết định giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga

Theo hãng thông tấn Czech (ČTK), các Thủ tướng nhóm Visegrad nhất trí với người đồng cấp Anh Boris Johnson về sự cần thiết phải ...

Bài toán năng lượng: Quyết 'dứt tình' với Nga, Italy tìm đến Qatar

Bài toán năng lượng: Quyết 'dứt tình' với Nga, Italy tìm đến Qatar

Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đã đến Qatar từ ngày 5/3 để thảo luận về sự hợp tác năng lượng giữa hai nước.

(tổng hợp)