Trong khi phân tách hoàn toàn Trung - Mỹ là điều không ai muốn và khó có thể xảy ra, phân tách từng phần là điều khó tránh khỏi và trên thực tế đã đang diễn ra. |
Theo tờ SCMP, từ đầu năm 2020, do những tính toán chính trị của Nhà Trắng về thương mại, quan hệ với Trung Quốc và trong bối cảnh chiến dịch tái cử của Tổng thống Donald Trump, chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc thể hiện khá rõ ba bước.
Từ chiến lược hoàn hảo…
Thứ nhất, tập trung mô tả Trung Quốc là nước phá vỡ luật lệ thương mại trong nhiều thập kỷ, trục lợi từ sự ngây thơ của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm nhằm đạt được sự vươn lên về kinh tế chưa từng có tiền lệ.
Thứ hai, sau một thời gian thực thi chính sách “cứng rắn” bao gồm việc áp thuế trừng phạt cao đã hoàn thành thỏa thuận thương mại giai đoạn một buộc Trung Quốc có trách nhiệm mua khối lượng lớn hàng hóa của Mỹ.
Thứ ba, khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng lên trong thời gian gần sát cuộc bầu cử, tiếp tục mô tả quan hệ Mỹ-Trung Quốc là một “vấn đề” và đã được Tổng thống Trump giải quyết xong từ đó gặt hái thành tựu chính trị.
Đó là chiến lược hoàn hảo xét từ góc độ thuần túy chính trị. Nhưng đại dịch đã phá hỏng nó hoàn toàn và buộc Mỹ phải điều chỉnh vội vã.
…đến thực tế năm bầu cử
Suy giảm kinh tế toàn cầu gây ra bởi đại dịch làm Trung Quốc khó có thể hoàn thành các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn một. Yêu cầu tăng mua sản phẩm Mỹ lên 76,7 tỷ USD trong năm nay so với mốc năm 2017 là một mục tiêu tham vọng ngay cả trong tình hình thuận lợi nhất.
Điều này đòi hỏi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc phải tăng 41% trong khi dữ liệu trong quý I/2020 cho thấy xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc giảm 10%. Ngoài xung đột thương mại, đại dịch đe dọa làm tổn hại đến nhiều chiều cạnh khác trong quan hệ song phương giữa hai nước.
Sự cáo buộc lẫn nhau ngày càng tăng lên khi số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng cao ở Mỹ. Quan điểm chỉ trích Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump rõ ràng cũng được cử tri Mỹ ủng hộ. Trong thăm dò ý kiến do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành, 2/3 số người dân Mỹ được hỏi có thái độ không thiện chí với Trung Quốc. Trung Quốc hiện trở thành trung tâm nổi bật của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro thậm chí còn mô tả cuộc bầu cử như cuộc “trưng cầu dân ý về nhiều mặt khác nhau của Trung Quốc”.
Bàn cờ chính trị hiện nay
Thỏa thuận thương mại không còn được khuyếch chương là một câu chuyện thành công. Một thỏa thuận “thất bại” với Trung Quốc sẽ làm cho Tổng thống dường như mắc lỗi về sự quá cả tin như Tổng thống đã từng cáo buộc chính phủ tiền nhiệm và do đó là một cục nợ chính trị không thể chấp nhận được. Tình thế này sẽ có những hàm ý chính sách. Tổng thống Trump đã úp mở về khả năng dùng đòn áp thuế trừng phạt với Trung Quốc, thậm chí chấm dứt hoàn toàn thỏa thuận nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua hàng hóa của Mỹ.
Tình thế chính trị sôi động đang dịch chuyển mạnh mẽ khiến cho việc thủ tiêu thỏa thuận, quay trở lại cách tiếp cận đối đầu với kẻ thù chiến lược là một ý tưởng hấp dẫn xét từ góc độ chính trị. Đại dịch cũng lấy đi tài sản chính trị lớn nhất giúp Tổng thống có thể tái đắc cử đó là thành tích về phát triển năng động của nền kinh tế Mỹ. Với việc Mỹ đang có khả năng lâm vào cuộc suy thoái sâu nhất kể từ sau cuộc Đại Khủng hoảng, nhu cầu chính trị tìm ra một kẻ thù ở bên ngoài để đổ lỗi ngày càng lớn hơn. Trung Quốc là lựa chọn phù hợp.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử, đã tấn công ông Trump với cáo buộc “nói thì lớn, nhưng hành động thì yếu” đối với Trung Quốc. Tổng thống Trump đáp lại bằng việc mô tả ông Joe Biden là “Biden Trung Quốc”, cáo buộc ông này đã phản đối quyết định từ sớm của chính quyền trong việc dừng các chuyến bay từ Trung Quốc. Kết quả cuối cùng là hai ứng cử viên đang nỗ lực chiến thắng đối thủ của mình bằng việc tỏ lập trường “cứng rắn” đối với Trung Quốc.
Phân tách khó tránh khỏi
Những tính toán chính trị, sự lo sợ về y tế công cộng, suy thoái kinh tế, lòng tin bị phá vỡ và sự phản kháng mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng là hợp chất gây nổ không giúp tạo ra những quyết định chính sách sáng suốt. Thế giới vì thế bị đẩy vào một tình cảnh hết sức nguy hiểm, bất ổn và vào một thời điểm không còn có thể tệ hơn. Mức độ liên kết kinh tế sâu sắc được tạo dựng trong hai thập kỷ qua giữa Mỹ và Trung Quốc không còn được duy trì. Với sự nhận thức muộn mằn, tâm lý lạc quan từ việc Trung Quốc gia nhập WTO dường như là không thực tế.
Sự khác biệt sâu sắc giữa nền kinh tế thị trường của Mỹ và mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc đã dẫn đến những xung đột khó kiểm soát đặc biệt trong một số lĩnh vực chiến lược và khó tìm ra giải pháp. Trong khi phân tách hoàn toàn Trung - Mỹ là điều không ai muốn và khó có thể xảy ra, phân tách từng phần là điều khó tránh khỏi và trên thực tế đã đang diễn ra. Thách thức nằm ở chỗ làm sao có thể kiểm soát thành công sự phân tách từng phần này để bảo đảm giảm thiểu xáo trộn trong khi vẫn cho phép duy trì mức độ nhất định mối liên kết kinh tế và chiến lược ổn định giữa hai nước.
Trước những thực tiễn chính trị hiện nay, khó có thể kỳ vọng chứng kiến sự đối thoại mang tính xây dựng giữa hai nước cho đến khi chính quyền mới ở Mỹ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2021. Khoảng thời gian từ nay cho đến đó chứa đựng rủi ro lớn nhất của sự xuống cấp quan hệ song phương Trung - Mỹ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, điều lớn nhất có thể được kỳ vọng là cục diện kiềm chế để không xảy ra thêm những tổn thất mới. Washington và Bắc Kinh cần những cái đầu lạnh hơn để ngồi lại với nhau, thoát ly khỏi những “nhiễu sóng” về chính trị để ngăn chặn việc sử dụng chính sách cực đoan và tập trung ưu tiên kiểm soát thành công sự phân tách từng phần đầy thách thức nhưng cần thiết giữa hai nước.