📞

Bất ổn chính trị: Pháp chưa qua, Italy đã tới

15:09 | 03/05/2017
Chủ nghĩa dân túy ở Pháp vẫn chưa lắng xuống, đồng thời lại có xu hướng phát triển mạnh ở đất nước láng giềng Italy.

Bất chấp việc ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang giành được ưu thế và nhiều khả năng sẽ đắc cử, việc ăn mừng một giai đoạn ổn định mới ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dường như còn quá sớm. “Cơn bão” chính trị ở Paris vừa tan thì một “cơn bão” khác ở Rome mới chỉ bắt đầu.

Mối đe dọa "Itexit"

Các vấn đề kinh tế của Italy dường như còn nghiêm trọng hơn của Pháp. Nợ công của Italy hiện đứng ở mức gần 133% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi tại Pháp, tỷ lệ này là 96% GDP. Lần gần đây nhất nền kinh tế Italy tăng trưởng nhanh hơn của Pháp là vào năm 1995. Cả hai nước đều phải vật lộn nhằm duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong lúc hiệu năng sản xuất của Pháp đã tăng khoảng 15% kể từ năm 2001 thì Italy lại rơi vào tình trạng sụt giảm.

Trong khi đó, nền chính trị của Italy cũng đang trở nên tồi tệ hơn. Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) - một lực lượng dân túy, theo chủ nghĩa bài EU, đang dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Đảng này dự định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italy trong Eurozone.

Những rắc rối về kinh tế và chính trị của Italy dự kiến sẽ kéo dài và có nguy cơ đe dọa Eurozone. (Nguồn: Caixin)

Trong cuộc tổng tuyển cử ở Italy dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2018, khó có đảng nào sẽ giành được thắng lợi áp đảo. Tuy nhiên, nếu M5S giành đủ số phiếu cần thiết và liên minh với đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc (LN), rất có khả năng Italy sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của một chính phủ bài EU. 

Những người Italy có quan điểm ủng hộ châu Âu hiện đang trông chờ vào sự xuất hiện của một nhân vật giống Macron - một người có thể đưa ra “phương thuốc chữa trị” cho những vấn đề kinh tế của Italy, đồng thời có khả năng đấu tranh nhằm ngăn chặn mối đe dọa "Itexit" (việc Italy rời Eurozone).

Quan trọng hơn cả, vào mùa Thu năm nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ giảm bớt việc mua lại nợ của các chính phủ. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị ở Italy có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại, làm dấy lên những nghi ngờ về tính bền vững đối với nợ công của Italy. 

Ngăn cơn sóng dữ

Trong chừng mực nào đó, cựu Thủ tướng Matteo Renzi, người đã từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp hồi tháng 12/2016, có thể là cứu cánh mà nhiều cử tri đang mong chờ.

Ở tuổi 42, ông Renzi chỉ hơn ông Macron 3 tuổi. Ông Renzi cũng đã từng tìm cách để hiện đại hóa phe cánh tả, cho dù ông đã thực hiện điều này ngay trong nội bộ hàng ngũ của đảng Dân chủ, chứ không phải thành lập một đảng mới như ông Macron đã làm. 

Thủ tướng Italy Matteo Renzi. (Nguồn: Politico)

Tuy nhiên, dường như ảnh hưởng của ông Renzi không còn được như trước. Mặc dù ông Renzi vừa tái đắc cử chức lãnh đạo đảng Dân chủ nhưng nhiều người Italy đang nghi ngờ các cam kết của ông. Thông điệp của ông Renzi về các chính sách của mình cũng khá mơ hồ. Ông tuyên bố sẽ ủng hộ EU nhưng lại thường xuyên chỉ trích Brussels khi tổ chức này áp đặt các biện pháp tài khóa khắc khổ đối với Italy. Đó cũng là lý do nhiều cử tri có thể quay lưng với Renzi và quan điểm hoài nghi châu Âu nửa vời của ông. 

May mắn thay, gần một năm nữa mới tới bầu cử và khoảng thời gian này có thể sẽ khiến người dân Italy nghĩ tới việc lựa chọn ông Renzi như một giải pháp an toàn hơn. Thêm vào đó, nếu ông Macron đắc cử, làn sóng dân túy sẽ chững lại, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Renzi và đảng của mình trong cuộc tranh giành quyền lực sắp tới.

(theo TTXVN)