Haiti rơi vào vòng xoáy bất ổn với những cuộc biểu tình không hồi kết. (Nguồn: AFP) |
Haiti hay trước đó là Saint Domingue được biết đến sau khi nhà thám hiểm Christopher Columbus (1451-1506) đặt chân lên vùng đất ngày nay gọi là Hispaniola, hòn đảo lớn thứ 22 thế giới và thứ hai khu vực Caribbean ngày 5/12/1492. Kể từ đó, vùng đất giàu tài nguyên này luôn là thuộc địa hoặc chịu chi phối của các thế lực bên ngoài, bắt đầu là Tây Ban Nha đến Pháp rồi Mỹ...
Giành được độc lập từ Pháp vào năm 1804 rồi lập nên thể chế cộng hòa đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, nhưng Haiti vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người năm 2023 theo ước tính của Ngân hàng thế giới chỉ vào khoảng 1.800 USD. Với diện tích 27.650km2 và dân số gần 12 triệu người, Haiti được Liên hợp quốc xếp thứ 163 trên 191 quốc gia về chỉ số phát triển con người vào năm 2022.
Đảo chính triền miên
Năm 1915, Mỹ bắt đầu đưa quân đến đồn trú tại Haiti với lý do hỗ trợ nước này ổn định tình hình sau vụ Tổng thống Jean Vilbrun Guillaume Sam bị ám sát. Sau đó, Mỹ rút quân năm 1943 nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính và ảnh hưởng chính trị tại đây trong nhiều thập kỷ tiếp theo.
Năm 1957, ông Francoise Duvalier, với chủ trương dân túy và dân tộc chủ nghĩa, đắc cử Tổng thống với sự hậu thuẫn của Mỹ. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền và đặc biệt, sau vụ ngăn chặn thành công cuộc đảo chính quân sự năm 1958, chế độ Francoise Duvalier nhanh chóng trở nên chuyên quyền. Tổng thống Duvalier giải tán các đảng phái đối lập, sửa đổi Hiến pháp để giữ ghế trọn đời. Khi ông qua đời vào năm 1967, con trai ông là Jean Claude Duvalier lên thay nhưng sự đàn áp vẫn gia tăng khiến hàng ngàn người Haiti phải vượt biển tìm đường tới Mỹ, nhiều người bỏ mạng trên đường đi.
Đến 1986, cánh quân sự đầy thế lực ở Haiti lật đổ Jean Claude Duvalier, buộc ông phải lưu vong ở Pháp. Phía quân đội đưa Trung tướng Henri Namphy lên thay. Hai năm sau, Tướng Prosper Avril lại đảo chính hạ bệ Henri Namphy và lên nắm quyền. Dưới áp lực quốc tế và sự phản đối của dân chúng, Tướng Avril đã phải từ chức năm 1990, chấp nhận tổ chức tổng tuyển cử. Trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên này, cựu linh mục Jean-Bertrand Aristide, một nhà đấu tranh cánh tả cho người nghèo đã giành chiến thắng. Thế nhưng, Tổng thống Aristide lại bị phế truất trong một cuộc đảo chính khác chỉ một năm sau.
Trước tình trạng các phe phái nổi lên tranh giành quyền lực, với danh nghĩa gìn giữ hòa bình và “duy trì dân chủ", năm 1994 Mỹ đưa quân trở lại Haiti và đưa Aristide trở lại nắm quyền. Nhưng bất chấp sự hậu thuẫn của Mỹ, đầu năm 2004, một lần nữa Tổng thống Aristide bị quân đội lật đổ, buộc phải chạy khỏi đất nước. Haiti lại rơi vào vòng xoáy bạo lực, cùng với dịch tả bùng phát và trận động đất thảm khốc năm 2010 khiến gần 300 nghìn người thiệt mạng, càng khiến cho các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước này chìm sâu vào khủng hoảng.
Trong bối cảnh đó, với sự hỗ trợ quốc tế, ông Michel Martelly được bầu làm Tổng thống vào năm 2011. Nhưng chính phủ của ông Martelly lại phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối và yêu cầu Tổng thống từ chức. Đến năm 2016, ông Jovenel Moise vốn là một nhà xuất khẩu chuối đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Thế nhưng, ông Jovenel Moise lại bị ám sát ngay tại nhà riêng vào ngày 7/7/2021.
Cho đến nay, Haiti vẫn chưa tổ chức tổng tuyển cử và hiện Thủ tướng Ariel Henry là Tổng thống tạm quyền. Tuy nhiên, nhiều người dân Haiti lại xem ông là một gương mặt tiếp nối của hệ thống cũ và gây áp lực đòi ông từ chức. Chính Thủ tướng Ariel Henry đã bị ám sát hụt trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Haiti ngày 1/1/2022.
Theo thỏa thuận giữa các bên sau vụ ám sát ông Moise, Haiti sẽ tổ chức bầu cử và Thủ tướng Henry phải chuyển giao quyền lực cho người được bầu trước ngày 7/2/2024. Tuy nhiên, ông Henry đã hoãn vô thời hạn với lý do trận động đất nghiêm trọng hồi tháng 8/2021 và ảnh hưởng ngày càng tăng của các băng nhóm tội phạm. Tại Thượng đỉnh Cộng đồng Caribbean (CARICOM) ở Guyana ngày 28/2, Thủ tướng Henry cam kết tổ chức tổng tuyển cử trước ngày 31/8/2025.
Mảnh đất của băng nhóm
Sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise, hơn 200 băng nhóm bắt đầu tràn vào Port-au-Prince. Trong số đó, có những băng khét tiếng như 400 Mawozo do Mawozo cầm đầu, nhóm G-9 do cựu cảnh sát Jimmy “Bar Grill” Chérizier làm thủ lĩnh và nhóm G-Pep do Gabriel Jean chỉ huy… Mỗi nhóm đều có vài nghìn tay súng và sở hữu nhiều loại vũ khí hiện đại như của quân đội chính quy.
Mới đây, vào đêm 3/3, các băng nhóm tấn công nhà tù quốc gia Haiti làm hàng chục người thiệt mạng và giải thoát gần 4.000 tội phạm đang bị giam giữ. Cuộc tấn công và giải cứu tù nhân là một cú sốc cho người dân Haiti và các nước khu vực. Thủ tướng Ariel Henry đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi không thể trở về nước sau khi đến Kenya gặp các lãnh đạo CARICOM kêu gọi hỗ trợ.
Theo một báo cáo của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc, giữa khoảng trống quyền lực, các băng nhóm ở Haiti có thể tự do hành động mà không sợ bị luật pháp trừng trị. Những kẻ cầm đầu đang gia tăng quyền kiểm soát các khu dân cư trước khi cuộc bầu cử tổng thống được ấn định vào năm tới, ép người dân bỏ phiếu cho ứng viên của họ.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Haiti tuy có sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (MINUSTAH) nhưng đã không thể triệt phá các băng nhóm cho dù họ được tài trợ hàng chục triệu USD từ cộng đồng quốc tế. Theo Latin America Today, sau vụ Tổng thống Moise bị ám sát, cảnh sát Haiti đã bắt giữ hơn 40 nghi phạm nhưng không ai trong số đó bị đưa ra xét xử. Hồi tháng 5/2023, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Haiti thừa nhận, hơn 1.000 sĩ quan đã bỏ việc vì đời sống bấp bênh.
Thực trạng báo động
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, trong năm 2023 các băng nhóm đã kiểm soát khoảng 80% diện tích thủ đô Haiti, gây ra 83% số vụ giết người với hàng trăm nạn nhân, thực hiện gần 300 vụ bắt cóc trẻ vị thành niên và phụ nữ… Bạo lực gia tăng khiến khoảng 128.000 người phải rời bỏ nhà cửa từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, chỉ riêng ở thủ đô Port-au-Prince đã có nửa triệu trẻ em không thể đến trường, 1.700 trường học phải đóng cửa, trong đó có hơn 500 trường biến thành nơi đóng quân của các băng nhóm. Không ít học sinh bị ép gia nhập các băng nhóm tội phạm dù có người chỉ mới 13 tuổi.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 5,2 triệu người, gần một nửa dân số Haiti đang phải sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo, trong đó có gần 3 triệu trẻ vị thành niên đang bị suy dinh dưỡng. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, khoảng 100.000 người Haiti không được hỗ trợ lương thực trong nửa cuối năm 2023 do thiếu kinh phí. Người đứng đầu Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), bà Amy Pope nhấn mạnh, người dân Haiti “không có nơi nào để đi" và cho biết, khoảng 362.000 người, trong đó hơn một nửa là trẻ em hiện đang phải tìm nơi trú ẩn. Con số này đã tăng 15% kể từ đầu năm nay.
Hiện tại, Haiti đã cạn kiệt về lương thực, thực phẩm và xăng dầu bởi cảng chính ở thủ đô đã bị các băng nhóm phong tỏa. Thủ tướng Ariel Henry đang nỗ lực kêu gọi quốc tế đưa quân vào giúp giải tỏa cảng này. Tuy nhiên, người dân nước này lại hoài nghi về nỗ lực của chính phủ và cộng đồng quốc tế, bởi những chuyện xảy ra trong quá khứ đã chứng minh rằng, các lực lượng nước ngoài “mang lại nhiều vấn đề hơn là giải pháp”.
Phản ứng quốc tế
Rối loạn chính trị như một căn bệnh mãn tính tại Haiti và vụ tấn công vào nhà tù quốc gia mới đây khiến quốc tế lo lắng. Nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đã phải đóng cửa, sơ tán công dân như Mỹ, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Đức, EU... Nhiều chuyến bay cũng bị hủy bay tới Haiti hoặc đến thủ đô Port-au-Prince, bao gồm các hãng hàng không chủ chốt của khu vực như American Airlines, JetBlue và Spirit Airlines..
Trước nguy cơ bạo động, lật đổ chính phủ, ngày 4/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi quốc tế đẩy nhanh hỗ trợ, cung cấp tài chính cho sứ mệnh an ninh đa quốc gia do Liên hợp quốc bảo trợ tại Haiti. Cùng ngày, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) ra tuyên bố về tình hình an ninh, kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực hợp tác để khôi phục lại trật tự tại Haiti.
Ngày 11/3, CARICOM đã triệu tập khẩn cuộc họp khẩn tại Jamaica, mời đại diện Mỹ, Pháp, Canada và Liên hợp quốc tới dự để tìm giải pháp. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố bổ sung 100 triệu USD tài trợ triển khai lực lượng đa quốc gia tới Haiti và 33 triệu USD viện trợ nhân đạo. Mỹ đồng thời đưa ra đề xuất được các lãnh đạo Caribbean và các bên liên quan nhất trí nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị và “các bước cụ thể” để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Cùng ngày, Thủ tướng Ariel Henry tuyên bố qua video (do bị mắc kẹt ở Puerto Rico không thể về nước sau khi đến Kenya từ cuối tháng 2 để thúc đẩy sứ mệnh an ninh do Liên hợp quốc hậu thuẫn) đã chấp nhận từ chức. Ông Henry phát biểu: “Chính phủ mà tôi đang lãnh đạo sẽ từ chức ngay sau khi thành lập hội đồng chuyển tiếp” và “yêu cầu tất cả người dân Haiti bình tĩnh, làm mọi thứ có thể để hòa bình và ổn định trở lại nhanh nhất có thể”.
Việc các lãnh đạo CARICOM thống nhất được giải pháp chuyển đổi chính trị và Thủ tướng Henry chấp nhận từ chức, cùng với nỗ lực của cộng đồng quốc tế được kỳ vọng mở đường cho tiến trình hòa bình, mang lại ổn định cho đất nước và người dân Haiti vốn đang phải vật lộn với bạo lực và đói nghèo.