Không ít người tự hỏi liệu có quá sớm để thắc mắc về bầu cử Đức, diễn ra sau 8 tháng nữa? Câu trả lời là không hẳn. Ngày 16/1, Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen (NRW) Armin Laschet chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu nội bộ và trở thành Chủ tịch của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).
Quan trọng hơn, nếu CDU tiếp tục giành ưu thế trong bầu cử cuối tháng 9/2021, nhiều khả năng ông Laschet sẽ thay bà Merkel trở thành Thủ tướng Đức.
Tuy nhiên, nước Đức và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nhiều thách thức.
Người được chọn liệu đã đủ?. (Nguồn: Getty Images) |
Về đối nội, đầu tiên, ông Laschet cần vượt qua sự cạnh tranh trong liên minh cầm quyền, giữa các đảng phái chính trị. Đáng chú ý, đối thủ lớn của ông lại là Chủ tịch đảng chị em CSU, Markus Soder. Theo thăm dò dư luận, ông Soder thậm chí còn được cử tri mến mộ hơn ông Laschet vì chủ trương triển khai biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chặn dịch Covid-19.
Ở một nơi khác, hai chính đảng truyền thống là Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và Dân chủ Tự do Đức (FDP), sau thất bại năm 2017, đã thay máu mạnh mẽ để trở lại. Trong khi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) chưa thể thu hút thêm sự ủng hộ của công chúng, đảng Xanh và đảng Cánh tả cho thấy nỗ lực để trở thành phe đối lập đáng gờm.
Thứ hai, ngay cả khi chiến thắng, nhà lãnh đạo mới cần sớm có giải pháp kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả. Ngày 14/1, nước Đức đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch với hơn 1.300 ca, số ca nhiễm mới là 22.313 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,97 triệu. Ngay cả khi vaccine được triển khai, dịch Covid-19 dự kiến vẫn diễn biến phức tạp vào năm 2021.
Thứ ba, nhà lãnh đạo mới cần duy trì đà phục hồi kinh tế trong năm 2021. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm tới 5% năm 2020, song dự kiến sẽ tăng trưởng 3,5% năm 2021. Quan trọng hơn, sự phục hồi của nền kinh tế hàng đầu có thể tạo động lực cho phần còn lại của EU.
Thứ tư, vấn đề người nhập cư cũng là điểm nóng, khi các buổi “điều trần đại sứ” của Berlin - là cách trả tiền cho các đại sứ quán nhằm thẩm vấn người tị nạn, xác định quốc tịch của họ để tiến hành trục xuất đã gây nhiều tranh cãi.
Về đối ngoại, đó là bài toán dẫn dắt nước Đức nói chung và EU nói riêng vượt qua sóng gió mới. Đoàn kết nội khối đang bị thách thức, thể hiện rõ qua đàm phán trắc trở giữa các quốc gia thành viên EU về Brexit, ngân sách dài hạn và gói phục hồi kinh tế trước tác động của dịch Covid-19.
Quan trọng hơn, cùng với Pháp, Đức cần tiếp tục đóng vai trò định hình chính sách đối ngoại thống nhất của EU, đặc biệt là với các nước lớn. Lập trường của Washington dưới thời ông Joe Biden có thể khác, song Berlin là bên chủ động hơn. Hợp tác với Nga và Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên EU, trong đó có Đức, khiến trừng phạt của khối với hai nước này gây tranh cãi nhưng lại không có nhiều sức răn đe, thậm chí đôi lúc chẳng khác nào tự bắn vào chân mình.
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử ngày 26/9 vì thế sẽ mang lại những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau.
Một bên là sự thảnh thơi của bà Angela Merkel, người sau 15 năm cầm quyền, giờ đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho đam mê nấu ăn và làm bánh mận.
Bên còn lại là sự lo lắng của người Đức nói riêng và châu Âu nói chung về những bài toán khó nhằn trong kỷ nguyên hậu bà Merkel.
Là đồng minh thân cận cùng lập trường gần với bà Merkel, Chủ tịch CDU Armin Laschet có thể là nhân vật mà người Đức và EU cần, song chừng đó liệu đã đủ? Chỉ thời gian mới có câu trả lời.