Chưa đầy một năm trước, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã xuất hiện tại thượng đỉnh ở Brussels chỉ với một trái táo và cuốn tiểu sử về nhạc sỹ Frederic Chopin. Lúc đó, Liên minh châu Âu (EU) đang kẹt trong đàm phán căng thẳng về ngân sách tương lai hậu Brexit và Covid-19.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte là người hóm hỉnh, nhưng cũng đầy quyết đoán. (Nguồn: Getty Images) |
Lúc ấy, Hà Lan đang dẫn dắt một nhóm nước Bắc Âu phản đối đề xuất hỗ trợ tài chính cho các quốc gia khác, đồng thời muốn cắt giảm ngân sách EU.
Phát biểu tại Brussels, nhà lãnh đạo 54 tuổi khẳng định: “Lập trường của chúng tôi đã rõ ràng, và chẳng có điều gì để đàm phán cả”.
Nói là làm, ông đã dành buổi tối tại đây để thưởng thức trái táo và nghiền ngẫm về tiểu sử của nhạc sỹ người Ba Lan, thay vì suy nghĩ về ngân sách tương lai của EU.
Phải một thời gian sau, khi đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế châu Âu suy yếu nghiêm trọng, Hà Lan mới đồng ý mở rộng ngân sách EU và quỹ phục hồi, với điều kiện có thể “phanh khẩn cấp” phân bổ ngân sách khi có khiếu nại.
Dù vậy, hành động lạ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã ít nhiều khẳng định sự quyết đoán của ông trong các vấn đề then chốt tới lợi ích quốc gia. Đây là thực tế lãnh đạo một số quốc gia thành viên của EU không lấy làm thích thú, nhưng cử tri xứ sở hoa tulip thì khác.
Thái độ thận trọng với EU, sự quyết đoán, sẵn sàng nói “không” với số đông quốc gia nhằm đảm bảo lợi ích của Hà Lan, vai trò ngày một lớn của Amsterdam trong “bộ tứ căn cơ” về ngân sách EU, cùng khả năng đối thoại với cả cánh tả và cánh hữu có thể sẽ giúp ông Rutte chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 15-17/3.
Nếu có nhiệm kỳ thứ tư, ông Rutte sẽ trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu thứ hai tại EU sau Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một khi bà Angela Merkel từ giã Berlin.
Dù vậy, hành động lạ của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ít nhiều khẳng định sự quyết đoán của ông trong các vấn đề then chốt tới lợi ích quốc gia. Đây là thực tế lãnh đạo một số quốc gia thành viên của EU không lấy làm thích thú, nhưng cử tri xứ sở hoa tulip thì khác. |
Song mọi chuyện chẳng dễ dàng như vậy. Tại Hà Lan, 834.000 người đã mắc Covid-19 với 12.000 người tử vong, trong khi quá trình tiêm chủng vaccine sẽ ít nhiều bị chậm lại khi Amsterdam đã ra quyết định tạm hoãn tiêm vaccine Astra Zeneca dù mua tới 12 triệu liều.
Trên chính trường, Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ (VVD) đang đối mặt với sự trỗi dậy của Đảng vì Tự do (PVV) của ông Geert Wilder, hiện đang cố gắng chuyển mình từ một đảng cực hữu sang trung hữu để thu hút thêm cử tri, cùng đảng Diễn đàn Dân chủ (FVD) với tư tưởng bài châu Âu.
Quan trọng hơn, dư âm từ scandal cáo buộc sai hàng nghìn người “lửa đảo tiền trợ cấp chăm sóc trẻ em” khiến nội các trước của chính Thủ tướng Mark Rutte từ chức ngày 15/1 vẫn chưa tan.
Trong bối cảnh đó, chiến thắng của ông Mark Rutte có thể rõ ràng, nhưng chẳng dễ dàng. Cuộc bầu cử Quốc hội tại Hà Lan ngày 15-17/3 có thể ít gay gắt, nhưng không vì thế mà kém thú vị.