Ứng cử viên Tổng thống tiềm năng Jokowi (giữa) đại diện cho một “làn gió mới” trên chính trường Indonesia. |
Cuộc đua tới mốc 25%
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội Indonesia vào ngày 9/4 có những yếu tố đã được dự báo trước xen lẫn những bất ngờ.
Với hơn 96% số phiếu bầu được kiểm, số liệu ban đầu cho thấy Đảng PDI-P giành được 19,08% số phiếu. Đảng Golkar xếp thứ hai với 14,6% số phiếu, tiếp đó là Đảng Gerindra của ứng cử viên Tổng thống Prabowo Subianto với 11,9%. Đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Susilo Yudhoyuno Bambang chỉ được chưa đầy 10% số phiếu. Với những bê bối vào cuối năm 2012 của Đảng Dân chủ, thất bại của Đảng này là hoàn toàn đã được báo trước, còn số phiếu bầu cho PDI-P được dự đoán ban đầu cao hơn nhiều so với số phiếu họ giành được.
Sự chú ý của giới phân tích Indonesia và quốc tế đều tập trung vào Đảng PDI-P, vốn là đảng của cựu Tổng thống Megawati. Ứng cử viên Tổng thống mới của Đảng này, ông Joko Widodo, thường được gọi một cách trìu mến là Jokowi, là một nhân vật rất có uy tín và được lòng dân. Ông Jokowi đã nắm cương vị Thị trưởng Surakarta và Thống đốc Jakarta, và trong thời kỳ này đã được đánh giá rất cao về các cải cách mang tính đột phá của mình. Fortune xếp ông đứng thứ 37 trong 50 nhà lãnh đạo thế giới xuất sắc nhất hiện nay.
Mặc dù giành được ưu thế so với các đảng khác, đảng PDI-P chưa giành được số phiếu cần thiết để có thể đưa ra ứng cử viên tranh cử Tổng thống cho cuộc bầu cử vào giữa năm nay. Điều này được giới phân tích cho là PDI-P đã không sớm bộc lộ ý định để ông Jokowi làm ứng cử viên Tổng thống của Đảng. Hơn nữa, các đảng phái khác có xu hướng liên minh với nhau để hạn chế khả năng thắng cử của ông Jokowi.
Khó khăn này của Đảng PDI-P đã được giải quyết phần nào bằng việc liên minh với đảng Nasdem của ông trùm truyền thông Surya Paloh. Đảng Nasdem đã giành được 6% số phiếu sau cuộc kiểm phiếu sơ bộ. Như vậy, liên minh PDI-P và Nasdem sẽ có số phiếu tương ứng vừa đủ để liên minh này có thể đưa ra ứng cử viên Tổng thống của mình.
Jokowi - Làn gió mới hay ngòi nổ chính trị?
Cuộc bầu cử năm nay được báo giới Indonesia cũng như quốc tế cho rằng sẽ đóng vai trò bản lề cho tiến trình dân chủ hóa tại quốc gia đạo Hồi đông dân nhất thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, với việc chính thức đứng ra ứng cử, ông Jokowi sẽ có nhiều khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Theo một cuộc thăm dò dư luận của hãng Ray Morgan, 45% số người được hỏi cho biết sẽ bầu cho ông Jokowi trong cuộc bầu cử sắp tới, vượt xa đối thủ đứng thứ hai là ông Prabowo Subianto tới 30%.
Vậy quần chúng mong đợi gì ở ông Jokowi? Có thể nói, ứng cử viên này đại diện cho một “làn gió mới” trên chính trường Indonesia. Với những vụ bê bối tham nhũng của đảng cầm quyền dưới thời Tổng thống Yudhoyuno Bambang cũng như nhiều vấn đề nổi cộm khác trên chính trường Indonesia, một cá nhân thỏa mãn được mong muốn cải cách và thay đổi như ông Jokowi sẽ giành được sự ủng hộ của người dân.
Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử được công bố, ông Jokowi đã tuyên bố rằng "chúng tôi sẽ không lặp lại sai lầm của chính phủ tiền nhiệm và để mình bị ép buộc phải nhường ghế bộ trưởng hay những ưu đãi cho các đảng khác để đổi lấy sự ủng hộ". Hiện nay còn quá sớm để nhận định về tính đáng tin cậy của tuyên bố trên nhưng thái độ này sẽ gây khó khăn cho việc đảng PDI-P liên minh với các chính đảng thiểu số khác.
Giả sử ông Jokowi giành được thắng lợi, nếu ông và đảng PDI-P tiếp tục giữ thái độ này, chính trường Indonesia sẽ còn có nhiều sóng gió. Với một đất nước có nền chính trị tương đối phức tạp với nhiều phe phái như Indonesia, khả năng ông Jokowi có thể tạo ra những đột phá về chính trị trên thực tế sẽ gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, với việc nắm thiểu số trong Hạ viện, khả năng chính phủ mới của ông - nếu trúng cử - sẽ gặp rất nhiều khó khăn tại Quốc hội là có thật.
Trong bất cứ trường hợp nào, việc Liên minh mới xác lập giữa đảng PDI-P và đảng Nasdem mới chỉ nắm khoảng một phần tư số ghế tại cả hai viện, và điều này sẽ đòi hỏi phải mở rộng liên minh với các đảng khác để thành lập một chính phủ liên hiệp. Đây sẽ là yếu tố có thể gây ra nhiều diễn biến phức tạp trên chính trường Indonesia trong những năm sắp tới.
Câu hỏi được đặt ra là: Liệu một chính quyền của một đảng nắm thiểu số trong hai viện có thể đưa ra được những cải cách cần thiết cho một đất nước Indonesia đang trên đà phát triển hay không? Khó có thể nói trước, nhưng có một điều chắc chắn là nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của Indonesia sẽ là một nhiệm kỳ không hề đơn giản, cho dù bất kể đảng nào hay ứng cử viên nào lên ngôi.
Nguyễn Tuấn LinhViện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao