📞

Bầu cử tại Nigeria: Dấu hiệu của nền dân chủ

12:14 | 02/04/2015
Ngày 31/3, đám đông reo hò ăn mừng trên các đường phố Nigeria khi kết quả cuộc bầu cử được công bố: ông Muhammadu Buhari, một cựu lãnh đạo quân đội tại Nigeria trong những năm 1980 đã dẫn đầu đảng đối lập lần đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này.

Tổng thống đương nhiệm Goodluck Jonathan đã thừa nhận thất bại, và kết thúc sự lãnh đạo liên tục của Đảng Dân chủ Nhân dân kể từ khi chính quyền quân sự nhường chỗ cho chính quyền dân sự vào năm 1999. Giới quan sát nhận định, đây được coi là bước ngoặt đối với quốc gia đông dân nhất châu Phi, đồng thời mở ra hy vọng cho sự phát triển của dân chủ trên khắp lục địa.

Ông Muhammadu Buhari là một người Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria, người đã lãnh đạo cuộc đảo chính năm 1983 song lại thất bại trong ba cuộc bầu cử sau đó. Nhưng lần này, ông đã giành chiến thắng ở tất cả các bang miền Bắc, và một số bang miền Nam và Trung, qua đó giúp ông dễ dàng bỏ xa đối thủ của mình để giành chiến thắng.

Có thể thấy, ông Buhari đang giành được sự ủng hộ rất lớn từ người dân Nigeria. Lối sống thanh đạm của ông gây được cảm tình của người dân nghèo, bộ phận chiếm đa số ở Nigeria. Tại bang miền Bắc Kano, khoảng hai triệu người đã xếp hàng để chờ bỏ phiếu cho ông Buhari. Nhiều người tin rằng ông Buhari sẽ có thể nhổ tận gốc nạn tham nhũng tràn lan ở các cấp lãnh đạo quân sự và đánh bại những thành phần tôn giáo cực đoan.

Tuy nhiên, những gì ông Buhari phải đối mặt sẽ rất khó khăn khi mà nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Ngân sách nhà nước sẽ bị thâm hụt một khi giá dầu giảm. Dù cho ông Buhari nói rằng sẽ tạo nên sự khác biệt bằng cách cắt giảm chi tiêu, không lãng phí và chống tham nhũng, song một số lãnh đạo cấp cao trong đảng của ông cho rằng chính sách này không dễ triển khai.

Hơn nữa, là một người Hồi giáo ở miền Bắc, ông Buhari sẽ khó kiểm soát được bạo lực xảy ra tại đồng bằng sông Niger phía Nam. Lực lượng nổi dậy ở khu vực sản xuất dầu mỏ từ bỏ vũ khí năm 2009 nhằm thu được lợi ích béo bở từ chính quyền và các hiệp ước hòa bình, cảnh báo sẽ hoành hành trở lại nếu ông Buhari, vốn là người chủ trương cắt bỏ các hiệp ước hòa bình đắt tiền này, giành chiến thắng.

Trên thực tế, chính phủ đương nhiệm ở Nigeria còn hai tháng cầm quyền. Việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình diễn ra vào tháng Năm sẽ là một tín hiệu tích cực mà Nigeria muốn gửi đến các nhà lãnh đạo ở những nơi khác của châu Phi rằng việc tôn trọng Hiến pháp là điều quan trọng.

Nguyễn Hương (theo The Economist)