Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện, song từng đó liệu có đủ để ông rảnh tay thực hiện nghị trình của mình? (Nguồn: Nikkei Asian Review) |
Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 22/7 diễn ra trong bối cảnh vị thế của Nhật Bản đang có nhiều thay đổi.
Trong nước, nền kinh tế sau một thời gian dài ảm đạm đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, song còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới, đặc biệt là già hóa dân số độ tuổi lao động. Tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường: Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gay gắt, còn Nhật Bản thì vướng vào căng thẳng chính trị - thương mại với Hàn Quốc ngày một trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản là bài thử thách không hề dễ dàng dành cho Chính phủ đương nhiệm. Song một lần nữa, đương kim Thủ tướng Shinzo Abe là người chiến thắng – liên minh đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Komeito (Công Minh) giành được 71/120 ghế trống. Kết hợp với 70 ghế trước đó, hai đảng này hiện có tổng cộng 141/245 ghế tại Thượng viện, hơn 20 ghế so với quá bán, tiếp tục nắm đa số tại Hạ viện. Theo sau LDP là các đảng Dân chủ Hiến pháp Nhật Bản (32 ghế), đảng Duy tân (16 ghế) và đảng Dân chủ vì Nhân dân (21 ghế).
Con số biết nói
Nhìn từ bên ngoài, tưởng chừng nhà lãnh đạo Nhật Bản đã vượt ải thành công. Bản thân ông Shinzo Abe cũng hoan nghênh kết quả cuối cùng, cho rằng nó phản ánh sự ủng hộ của dân chúng dành cho Chính phủ. Tuy nhiên, thông số về cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản lần này lại phản ánh một thực tế khác.
Đầu tiên, theo Bộ Nội vụ Nhật Bản, tỷ lệ người tham gia bỏ phiếu đạt mức thấp thứ hai kể từ sau Chiến tranh Thế giới II (48.8%), chỉ cao hơn cuộc bầu cử tương tự năm 1995. Điều này cho thấy cả liên minh cầm quyền và đảng đối lập đã thất bại trong việc thu hút sự quan tâm của cử tri. Một bộ phận không nhỏ người dân không còn mặn mà với chính trị sau sự áp đảo của LDP trong các cuộc bầu cử gần day.
Thứ hai, mặc dù chiến thắng, song liên minh đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản và đảng Công Minh đã không giành đủ số ghế cần thiết để chiếm siêu đa số (2/3) trên Thượng viện. Thiếu vắng quyền làm chủ tuyệt đối tại cơ quan này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, qua đó “cởi trói” cho Lực lượng Phòng vệ Nhật bản (JSDF), tự do hơn khi triển khai lực lượng tham chiến tại nước ngoài. Quan trọng hơn, ông sẽ không thể kêu gọi mở trưng cầu ý dân về thay đổi Hiến pháp, vốn được phe chủ nghĩa dân tộc coi là áp đặt “đáng xấu hổ” sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945.
(Tăng cường sự tự do trong các hoạt động quân sự của JSDF tại nước ngoài đang là mục tiêu hàng đầu trong nghị trình của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: EPA) |
Nghiêm trọng hơn, tờ The Japan Times (Nhật Bản) còn cho rằng kết quả cuộc bầu cư có thể khiến Thủ tướng Shinzo Abe sẽ rơi vào vị thế “vịt què”, khi mất đi động lực để thực hiện mục tiêu chính trị then chốt, yếu tố đã lôi kéo sự ủng hộ của những cử tri bảo thủ và định hình sự nghiệp chính trị của ông.
Thứ ba, đề xuất thay đổi điều 9 Hiến pháp của LDP đang phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt đến từ đảng liên minh Công Minh. “Đánh rắn động cỏ”, thúc đẩy đề xuất này khi đó là vô cùng mạo hiểm và có thể phá vỡ liên minh cầm quyền, buộc Chính phủ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới, ảnh hưởng tiêu cực với sự nghiệp chính trị của ông Shinzo Abe.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng “lối thoát” dành cho ông Abe có thể là bắt tay với đảng đối lập Dân chủ vì Nhân dân (DPP), khi đảng chính trị này tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong Thượng viện, có 21 ghế (so với 28 ghế của Công Minh) và lập trường tương đối linh hoạt về các chính sách của Chính phủ.
Bốn bề gặp khó
Ngoài ra, để tránh rơi vào vị thế “vịt què”, các chuyên gia cho rằng ông Shinzo Abe có thể tạm thời gác lại mục tiêu thay đổi Hiến pháp và tập trung vào các nhiệm vụ thiết thực hơn, mang lại kết quả dễ thấy hơn, tạo đà sớm cho các chiến dịch vận động tái cử vào tháng 9/2021.
Tuy nhiên, những mục tiêu then chốt còn lại của đương kim Thủ tướng cũng đều khó nhằn: Đàm phán giữa Nhật Bản và Nga về chủ quyền của quần đảo Kuril không có bước đột phá; Bình Nhưỡng chưa cho thấy thiện chí liên quan đến giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970, 1980.
Song vấn đề cấp bách mà ông Abe cần phải giải quyết trước mắt chính là căng thẳng trong quan hệ chính trị - thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Động thái của Nhật Bản, được triển khai ngày 1/7, qua đó hạn chế xuất khẩu nguyên liệu then chốt cho sản xuất bán dẫn và màn hình điện thoại thông minh sang Hàn Quốc, đã mang tới nhiều hệ lụy. Nó đã thổi bùng ngọn lửa bài Nhật của người Hàn, vốn chưa thôi âm ỉ kể từ sau Chiến tranh Thế giới II.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại G20 Osaka vào cuối tháng 6 vừa qua. (Nguồn: Getty Images) |
Lời thanh minh của Tokyo, cho rằng đây là quyết định nhằm tránh công nghệ Nhật Bản rơi vào tay Triều Tiên chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa, bởi điều đó chẳng khác nào nói rằng Seoul đang “thông đồng” với Bình Nhưỡng. Mỹ, nhân tố đóng vai trò giảm căng thẳng Hàn – Nhật trong những năm vừa qua, lại đang chậm trễ trong việc can thiệp. Trong bối cảnh đó, căng thẳng Hàn – Nhật nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang thời gian tới, ảnh hưởng tiêu cực tới việc đạt được các mục tiêu đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe, từ Trung Quốc, Hàn Quốc tới Triều Tiên.
Bởi vậy, hạ nhiệt quan hệ với Seoul cần phải là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Tokyo ở thời điểm hiện tại, bên cạnh những thay đổi Hiến pháp, chủ quyền quần đảo Kuril hay vấn đề Triều Tiên. Cuộc bầu cử Thượng viện ngày 22/7 khi ấy chỉ là bước đầu tiên trên con đường chông gai trước mắt của đương kim Thủ tướng. Vạn sự khởi đầu nan là vậy, song gian nan có bắt đầu nản hay không thì chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác.