Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani (phải) và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah. (Nguồn: Reuters) |
Như lần trước, cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ tư kể từ khi Taliban sụp đổ năm 2001 vẫn là cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan (tương đương Thủ tướng) Abdullah Abdullah.
Năm năm trước, ông Ghani đã có chiến thắng “thiếu thuyết phục” trước ông Abdullah khi vướng vào bê bối gian lận phiếu bầu. Kết quả này đã tạo ra một tranh giành quyền lực chính trị ác liệt và buộc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải can thiệp, thuyết phục hai nhà lãnh đạo chia sẻ quyền lực.
Ở lần này, kịch bản cũ đang lặp lại, khi căng thẳng giữa hai ứng cứ viên sáng giá một lần nữa nóng lên. Ông Abdullah nhiều lần cáo buộc ông Ghani lợi dụng quyền lực và tiền để mua phiếu bầu, thao túng kết quả bầu cử, trong khi đương kim Tổng thống thì liên tục gạt bỏ các cáo buộc và tự nhận mình trong sạch.
Hiện khoảng 2.430 trong tổng số 7.366 điểm bỏ phiếu ở Afghanistan đã phải đóng cửa, bởi Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan (IEC) lo rằng chúng có thể bị Taliban tấn công và lực lượng an ninh không thể bảo đảm an toàn cho người dân. Song theo phe đối lập, hầu hết các điểm bỏ phiếu bị đóng cửa nằm ở phía Bắc và đều an toàn còn động thái của IEC chủ yếu nhằm ngăn người dân bỏ phiếu cho ông Abdullah.
Ngoài ra, thời gian gần đây, sự phụ thuộc của Kabul vào Washington đang trở thành tâm điểm của sự chỉ trích mạnh mẽ đến từ chính quyền Trump. Điều này có thể là lợi thế cho ông Abdullah và khiến bầu cử diễn ra cân bằng hơn. Dù vậy, hầu hết các nhà quan sát đều có nhận định rằng, ông Ghani sẽ chiến thắng dễ dàng và tiếp tục giữ chức vụ Tổng thống trong năm năm tới.
Tuy vậy, với nhiều người dân Afghanistan, kết quả không còn quan trọng. Thời gian qua, phiến quân Taliban đã tấn công một số điểm bỏ phiếu để phản đối và đe dọa cử tri, khiến nhiều người thương vong. Ngoài ra, Taliban nhiều lần phản đối chính quyền “bù nhìn” thân Mỹ của Tổng thống Ghani và từ chối đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận hòa bình mà không có sự tham dự của Washington.
Trong tình cảnh bạo lực bao trùm, tính mạng người dân bị đe dọa hàng ngày, mâu thuẫn trong nước phải nhờ nước ngoài giải quyết thì dù ai lên nắm quyền, Afghanistan vẫn chưa thể thoát khỏi viễn cảnh bi quan trước mắt. Theo cựu Tổng thống Hamid Karzai, tổ chức cuộc bầu cử ở thời điểm hiện tại chẳng khác nào yêu cầu một bệnh nhân tim phải chạy marathon, bởi có thể chọc giận Taliban và khiến tình hình bất ổn trở nên nghiêm trọng.
Hiện tại, con đường tốt nhất dành cho người dân Afghanistan là nối lại đàm phán hòa bình. Nếu đối thoại giữa Mỹ và Taliban đã thực sự “chết” thì tân lãnh đạo Afghanistan, dù là ông Ghani hay ông Abdullah, cần vào cuộc quyết liệt, tìm kiếm thỏa thuận để vãn hồi hòa bình sau 18 năm tranh đấu.