📞

Bầu cử Tổng thống Indonesia: Cuộc đua mới, đối thủ cũ

Hải Yến 16:10 | 11/04/2019
Bầu cử Tổng thống Indonesia diễn ra ngày 17/4 tới được cho là “cuộc chạm mặt lần hai” giữa hai gương mặt kỳ cựu từ đợt bầu cử năm 2014 - đương kim Tổng thống Joko Widodo và cựu tướng Prabowo Subianto.

Chỉ chưa đầy một tuần nữa, 192 triệu người dân Indonesia sẽ tham gia bỏ phiếu để bầu ra Tổng thống và Quốc hội, sau khi cuộc tranh luận cuối cùng của các ứng cử viên kết thúc vào ngày 13/4. Đây được xem là màn so tài của hai gương mặt vốn rất quen thuộc trên chính trường: đương kim Tổng thống Joko Widodo – đại diện cho đảng Đấu tranh Dân chủ Indonesia (PDIP) với đối thủ chính của ông là cựu tướng lĩnh quân đội Prabowo Subianto, người đứng đầu đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra).

Đương kim Tổng thống Indonesia Joko Widodo và cựu thủ lĩnh quân đội Prabowo Subianto tại chiến dịch tranh cử ở Jakarta. (Nguồn: Reuters)

Là một lực lượng quyết định trong cuộc bầu cử tại Jakarta với 40% số cử tri trong độ tuổi từ 17 đến 35, không khó để nhận ra cả hai “kỳ phùng địch thủ” đều mong muốn nhận được sự ủng hộ từ giới trẻ. Thêm vào đó, tại đất nước có tới 130 triệu người, đa phần là những người trẻ tuổi, thường xuyên sử dụng mạng xã hội, cả hai đã tận dụng lợi thế của các nền tảng xã hội nhằm thu hút lá phiếu cử tri. Chiến dịch “thời trang” áo phông, áo khoác, vòng tay và mũ của Tổng thống đương nhiệm Widodo đã “gây bão” trên mạng xã hội tại Indonesia, còn cựu tướng Prabowo cũng chẳng kém cạnh với việc xây dựng quan hệ với các vlogger, Youtuber và nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhằm tăng số phiếu ủng hộ.

Kết quả của cuộc khảo sát mới đây cho thấy, ông Widodo đang dẫn trước với tỉ lệ 50,9% so với 41,6% ủng hộ ông Prabowo. Trước đó, màn đối đầu năm 2014 đã chứng kiến “cú lội ngược dòng” của đương kim Tổng thống dù ban đầu ông chỉ nhận được 48,6% sự ủng hộ so với 51,4% của cựu tướng Prabowo. Giới phân tích cho rằng, mặc dù vị Tổng thống thứ 7 của Indonesia đang chiếm ưu thế, song cựu đối thủ Prabowo có thể viện dẫn những khó khăn kinh tế của Jakarta, cùng cam kết trong chiến dịch bầu cử năm 2014 mà nhà lãnh đạo Widodo chưa thực hiện được như đảm bảo tăng trưởng 7% và giảm bất bình đẳng thu nhập.

Trong bối cảnh chiến dịch thông tin giả mạo, bôi nhọ danh tiếng cùng một vài vấn đề kĩ thuật đã và đang diễn ra trước thềm tổng tuyển cử, thật khó để khẳng định đương kim Tổng thống Joko Widodo hay cựu thủ lĩnh quân đội Prabo Subianto sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Indonesia. Một vị Lãnh đạo có thể xây dựng chính phủ không tham những, củng cố vị thế quốc gia và đưa đất nước Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á này trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với tân Tổng thống dân cử của Indonesia.