Bà Kamala Harris trong bài phát biểu tại Wilmington, Delaware (Mỹ) tối ngày 12/8. (Nguồn: AP) |
Xét vào những gì bà Harris đã và đang làm được, thành viên đảng Dân chủ có lý do để vững tin.
Quan hệ cá nhân
Thứ nhất, bà Kamala Harris có quan hệ cá nhân tốt với ông Joe Biden. Đành rằng hai người đã đối đầu trong cuộc tranh luận nội bộ giữa các ứng cử viên đảng Dân chủ: Bà Harris xoáy vào cáo buộc tình dục của cựu Phó Tổng thống, còn ông Biden khẳng định mình sẽ là người bảo vệ công chúng tốt hơn một cựu công tố viên chỉ giỏi công kích người khác.
Tuy nhiên, đó cũng là lần duy nhất hai bên đối đầu và họ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng nhất định, thể hiện rõ thông qua việc ông Biden lựa chọn bà Harris làm ứng cử viên Phó Tổng thống. Đáp lại, Thượng nghị sỹ bang California cũng ngay lập tức tweet cảm ơn, sánh vai ông Joe Biden và có bài phát biểu trong một sự kiện vận động tranh cử tại Wilmington, Delaware tối ngày 12/8.
Những cái “đầu tiên”
Thứ hai, việc lựa chọn bà Harris làm ứng cử viên Phó Tổng thống tạo ra nhiều cột mốc mới trên chính trường Mỹ. Có cha là người Jamaica và mẹ là người Ấn Độ, bà Harris sẽ là phụ nữ da màu và người Mỹ gốc Á đầu tiên được lựa chọn để trở thành ứng cử viên cho bầu cử Tổng thống Mỹ.
Bà cũng là ứng cử viên Phó Tổng thống đầu tiên đến từ khu vực phía Tây Texas, vốn là “lãnh địa” của đảng Cộng hòa, đồng thời là người phụ nữ thứ tư, sau bà Geraldine Ferraro, Sarah Palin và Hillary Clinton, xuất hiện trong danh sách ứng cử viên cuối cùng của hai chính đảng lớn.
Đột phá trong khuôn khổ
Thứ ba, sự lựa chọn của ông Biden, dù có nét mới, song đã được dự báo trước. Kể từ khi ông Biden bày tỏ mong muốn có một nữ phó tướng, bà Harris luôn nằm trong danh sách được ưa thích, bởi bà có ít điểm yếu nhất. Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren không có sức trẻ cần thiết và có thể khiến đảng Dân chủ đánh mất ghế đại diện quan trọng tại Massachussetts, trong khi cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice lại không được nhiều người ưa thích.
Quan trọng hơn, bà Harris là một chính trị gia có tài. Bà đã chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử từng tham gia. Thất bại trên cương vị ứng cử viên Tổng thống vừa qua chỉ là bước sảy chân đáng tiếc do một chiến dịch tranh cử chưa bài bản trước ứng cử viên quá nặng ký như ông Biden.
Trở lại với vai trò Thượng nghị sỹ, bà đã giúp xây dựng Đạo luật Công lý Cảnh sát, thiết lập tiêu chuẩn liên quan đến sử dụng vũ lực của cảnh sát, cấm các hành vi bắt giữ mà không thông báo trước đối với các vụ án ma túy và mở rộng quyền lực điều tra của các công tố viên, qua đó hạn chế những vụ việc đau lòng như trường hợp tử vong của ông George Floyd, vốn khơi mào cho bạo động kéo dài trên khắp nước Mỹ.
Bà Kamala Harris, ông Joe Biden và gia đình trước khi tiến hành vận động tranh cử tại Wilmington, Delaware (Mỹ) tối ngày 12/8. (Nguồn: AP) |
Bổ sung cần thiết
Thứ tư, bà Harris là sự bổ sung cần thiết cho ông Biden. Cựu Phó Tổng thống giành được đề cử của đảng Dân chủ dựa vào sự ủng hộ từ cử tri Mỹ gốc Phi, nhưng ông cần thêm lá phiếu đến từ các bộ phận cử tri khác như trong cuộc bầu cử năm 2012, đặc biệt là tại các bang như Pennsylvania, Wisconsin, Michigan hay Florida.
Thêm vào đó, bà Harris, với tư cách là một cựu công tố viên, thích hợp hơn ông Biden trong “ăn miếng trả miếng” công kích chính trị từ đảng Cộng hòa. Trên thực tế, bà Harris còn được các thành viên đảng Cộng hòa ưa thích hơn ông Biden. Theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos tiến hành ngày 10-11/8, ngay trước khi bà trở thành liên danh tranh cử, 21% số cử tri đăng ký ủng hộ đảng Cộng hòa có thiện cảm với bà Harris trong khi con số tương tự với ông Biden chỉ là 13%.
Như vậy, rõ ràng việc lựa chọn bà Kamala Harris trở thành liên danh của ông Joe Biden là có cơ sở. Tuy nhiên, trong một nước Mỹ biến động phức tạp trước thềm bầu cử, quyết định này có làm nên sự khác biệt cần thiết, mang đến chiến thắng cho ông Biden hay không, vẫn là điều khó đoán.