📞

Bảy điểm nhấn trong dự thảo về đàm phán Brexit

16:53 | 03/04/2017
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk mới đây đã gửi bản thảo đường lối đàm phán về Brexit tới lãnh đạo của 27 nước đối tác EU của Anh.

Ông hy vọng từ nay đến ngày 29/4, tất cả sẽ đạt được sự đồng thuận để các cuộc đàm phán về Brexit có thể được kích hoạt. Hãng tin Reuters đã liệt kê 7 điểm chính trong bản dự thảo dài 8 trang này: 

Cách tiếp cận “từng giai đoạn” 

Theo bản thảo trên, nếu như “một tiến trình đầy đủ” hướng tới sự đồng thuận về các điều khoản của sự “rút khỏi có trật tự” vào ngày 29/3/2019 được thực hiện trong giai đoạn đầu tiên của các cuộc thảo luận bắt đầu vào đầu tháng 6 tới thì 27 nước EU còn lại có thể sẽ khởi động các cuộc đối thoại về phương cách vận hành mối quan hệ tự do thương mại trong dài hạn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: Daily Mail)

Điều này thể hiện một sự thỏa hiệp giữa quan điểm của những người có đường lối cứng rắn trong EU, vốn không muốn có các cuộc đàm phán về thương mại chừng nào còn chưa đạt được một thỏa thuận toàn diện về Brexit, và những người Anh đang kêu gọi một sự bắt đầu ngay lập tức. Phát biểu với báo giới, ông Tusk cho biết, EU sẽ sớm ra quyết định trong mùa Thu này nếu như có một “tiến trình đầy đủ”.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tiến trình này sẽ được kích hoạt như thế nào với những ý kiến như trên. Nếu các lãnh đạo cần có sự nhất trí, một số sẽ phản đối các cuộc đàm phán thương mại. Các nhà nước Đông Âu với nhiều công dân sống xa xứ ở Anh có thể mong muốn các quyền của họ được đảm bảo hơn, trong khi các cường quốc phương Tây lại sốt sắng với các cuộc thảo luận về thương mại. 

Sự chuẩn bị cho thời kỳ chuyển giao 

Anh sẽ có khoảng vài năm sau mốc tháng 3/2019 để chưa cần phải từ bỏ tất cả các lợi ích thành viên EU của mình và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người dân và giới doanh nhân thích nghi với sự thay đổi.

Tuy nhiên trong bối cảnh này, Anh cũng cần phải tuân thủ các điều khoản của EU, chẳng hạn như vấn đề tự do đi lại, đồng thời phải chấp nhận sự giám sát của Tòa án Công lý châu Âu và các thể chế khác của EU. Bản dự thảo có nêu: “Bất cứ sự chuẩn bị nào cho quá trình chuyển tiếp đều phải được vạch rõ phương hướng cụ thể, có sự giới hạn về thời gian, và phải tùy thuộc vào các cơ chế áp đặt hiệu quả”. 

Brexit. (Nguồn: The Guardian)

Sự nhất trí chung 

27 nước EU còn lại sẽ cùng nhau chống lại các nỗ lực chia rẽ và chế ngự của Anh, đồng thời sẵn sàng đáp trả lời đe dọa sẽ rút khỏi EU mà không cần có thỏa thuận nào của Thủ tướng Anh Theresa May. Brussels cho rằng, người Anh cần một thỏa thuận hơn là EU cần: “Liên minh châu Âu sẽ hành động một cách thống nhất. Tất cả sẽ làm việc có tính xây dựng và sẽ đấu tranh để đạt được một sự nhất trí. Đây là lợi ích tốt nhất cho cả đôi bên. EU sẽ tích cực làm việc để đạt được kết quả đó, song vẫn sẵn sàng để giải quyết vấn đề trong tình huống các cuộc đàm phán bị thất bại”. 

Chính sách “không phá hoại” 

Tự do thương mại sẽ là một kết quả tích cực, song Anh không nên kỳ vọng sẽ đạt được kết quả này nếu họ tìm kiếm những lợi ích cạnh tranh cho các công ty của mình bằng sự bao cấp của nhà nước hay bằng cách phá vỡ môi trường hay những tiêu chuẩn lao động của EU, hoặc tự biến mình thành một thiên đường thuế. Văn bản dự thảo viết: “Bất cứ thỏa thuận tự do thương mại nào đều phải cân đối, tham vọng và có quy mô lớn”.

Tuy nhiên, thỏa thuận này không thể bao gồm việc tham gia vào Thị trường chung hay một phần nào đó của thị trường chung, bởi điều đó có thể làm suy yếu tính toàn vẹn và quy tắc hoạt động riêng của thị trường này. Thỏa thuận cần đảm bảo một sự công bằng trong cạnh tranh cũng như trong sự hỗ trợ của nhà nước, và phải bao gồm các sự đảm bảo chống lại các lợi ích cạnh tranh không công bằng, chưa kể các vấn đề khác cần đảm bảo như thuế khóa, xã hội, môi trường. 

Các quyền và lợi ích 

Anh không thể có một thỏa thuận tốt hơn khi ở bên ngoài EU. Điều đó có thể là lời răn đe cho bất kỳ nước nào có ý định rời khỏi EU. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quan điểm của bà May rằng bà không thể “lựa chọn” là thành viên của thị trường chung mà không chấp thuận sự tự do di chuyển cho người lao động EU, song cũng phản đối đề xuất của bà rằng Brussels nên tiến hành các cuộc đàm phán chuyên biệt về thương mại trong từng lĩnh vực cụ thể.

Thủ tướng Anh Theresa May kí bức thư lịch sử kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh bắt đầu rời EU. (Nguồn: AFP)

Bản thảo nêu: “Việc gìn giữ tính toàn vẹn của Thị trường chung không bao gồm sự tham gia thị trường dựa trên một cách tiếp cận theo từng lĩnh vực. Một nước không phải thành viên của EU, vốn không tuân theo những quy tắc bắt buộc như các thành viên EU khác, không thể có các quyền và không được hưởng các lợi ích như các nước thành viên được”. 

“Hóa đơn Brexit” 

Ngoài các điều khoản khác, Anh cần phải chi trả hết các khoản mà họ có thể bị thua lỗ từ những cam kết mà EU đưa ra. Cho đến khi Anh rời khỏi EU, dự luật hiện hành vẫn chưa thể được coi là chính xác hoàn toàn. Điều quan trọng đối với EU là phải nhất trí về một “phương pháp luận” trong năm nay.

Dự thảo viết: “Một sự chuyển giao về tài chính cần đảm bảo được rằng cả EU và Anh đều tôn trọng các nghĩa vụ đã cam kết từ trước ngày Anh rút khỏi EU. Sự chuyển giao này cần bao gồm tất cả các bổn phận về tài chính và pháp lý, cũng như các khoản nợ, bao gồm các khoản đột xuất”. 

Vấn đề biên giới 

EU không muốn làm tổn hại sự yên bình ở Bắc Ireland, nơi sẽ có một vùng biên giới EU mới. EU cũng quan tâm đến các căn cứ quân sự của Anh ở Cyprus và đang trao cho Tây Ban Nha “tiếng nói đặc biệt” về số phận của lãnh thổ hải ngoại Gibraltar của Anh. Dự thảo nêu: “Xét về các điều kiện đặc biệt trên hòn đảo Ireland, sẽ cần có các giải pháp mở và linh hoạt, nhưng vẫn phải tôn trọng sự toàn vẹn của trật tự pháp lý của liên minh”. 

(theo Reuters, TTXVN)