Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny sau khi trở về Nga từ Đức để chữa trị, đã bị bắt giữ và tuyên án hai năm rưỡi tù giam. Truyền thông Nga hôm 26/2 đưa tin, ông Navalny bị chuyển đến một trại giam hình sự.
Thời gian đầu, tên gọi và vị trí chính xác của cơ sở giam giữ này vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, sau một bài đăng trên tài khoản Instagram chính thức của mình, người ta đã biết được ông Navalny hiện đang bị giam giữ tại Trại giam Hình sự số 2 (Penal Colony No.2) ở thị trấn Pokrov, vùng Vladimir, cách Moscow 100km về phía Đông, một nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt của nước này.
Trước cửa Trại giam Hình sự số 2, nơi thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị giam giữ. (Nguồn: CNN) |
Trại giam Hình sự số 2, còn được gọi bằng tên viết tắt tiếng Nga là IK2, từ lâu đã được biết đến là một nhà tù vô cùng nghiêm ngặt, với các quy tắc cứng rắn. Các luật sư và cựu tù nhân kể lại rằng, IK2 là một cơ sở trừng phạt riêng biệt, khắc nghiệt, nơi các tù nhân không được phép hòa nhập hoặc thậm chí trò chuyện phiếm với nhau,
Ông Navalny đã đưa ra những cảm nhận ban đầu của mình. Trong bài đăng trên Instagram hôm 15/3, nhân vật này viết: “Tôi phải thừa nhận rằng hệ thống nhà tù của Nga đã làm tôi ngạc nhiên. Tôi không tưởng tượng rằng có thể thiết lập một trại tập trung thực sự cách Moscow 100 km”.
"Máy quay video ở khắp mọi nơi, mọi người đều bị theo dõi và chỉ cần một sự vi phạm nhỏ thôi là họ sẽ viết báo cáo”, ông này cho biết.
Các phóng viên của CNN đã tiếp cận IK2 và mô tả rằng, đây là một nhà tù rộng lớn nhưng khá cũ, hàng rào kim loại cao và dây thép gai bao quanh. Ngay tại cánh cổng gỉ sét của nhà tù, những người quản ngục nghiêm khắc của quân đội xua đuổi những vị khách không mời mà đến.
IK2 là một nhà tù nổi tiếng khắt khe, nằm ở thị trấn Pokrov, vùng Vladimir, cách Moscow 100km về phía Đông. (Nguồn: CNN) |
Theo New York Times, IK2 là một trong những nhà tù tập trung điển hình của Nga, được cải tiến theo mô hình của các trại gulag từ những năm 1930. Các tù nhân sống tập thể thành từng nhóm vài chục người, được gọi là "lữ đoàn" trong những tòa nhà hai tầng, xung quanh là tường và dây thép gai.
Trả lời phỏng vấn của CNN, cựu tù nhân Konstantin Kotov, người đã phải trả hai bản án tại nhà tù này (1 lần 4 tháng và 1 lần 6 tháng) vì vi phạm luật chống biểu tình của Nga cho biết, cuộc sống bên trong IK2 vô cùng căng thẳng.
Mãn hạn tù vào tháng 12/2020, mặc dù còn lo lắng về việc có thể phải quay trở lại, nhưng Kotov đã đồng ý trả lời CNN về cuộc sống bên trong nhà tù này.
“Ngay từ những phút đầu tiên bạn ở đây, bạn đã phải chịu những áp lực về tinh thần và đạo đức nặng nề. Bạn bị ép buộc phải làm những việc mà bạn chưa bao giờ làm. Bạn bị cấm nói chuyện với những người tù khác. Họ ép bạn phải học thuộc tên của quản tù. Bạn phải đứng cả ngày, từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. Bạn không được phép ngồi xuống. Họ không cho phép bạn đọc hay viết một lá thư. Điều này có thể kéo dài 2 hoặc 3 tuần”, Kotov cho biết.
Theo Kotov, các tù nhân ngủ trong phòng doanh trại trên giường tầng bằng sắt, có khoảng 50-60 người đàn ông trong cùng 1 phòng, mỗi người chỉ có một khoảng không gian sinh hoạt rất nhỏ.
"Bạn phải thức dậy lúc 6 giờ sáng, đi ra sân sinh hoạt để nghe quốc ca Nga. Bạn không thể viết, cũng không thể đọc. Ví dụ như tôi, tôi đã phải xem TV gần như cả ngày, và chỉ được xem các kênh truyền hình của nhà nước”.
Bên cạnh đó, các quản ngục sẽ luôn có “sự chấn chỉnh” kịp thời đối với bất kỳ tù nhân nào có hành động sai trái.
"Tôi đã bị khiển trách chỉ vì không chào một nhân viên hay không cài nút áo trên cùng của mình", Kotov nói.
Kotov cho biết ngay cả những vi phạm nhỏ nhất cũng có thể khiến một tù nhân bị biệt giam, đôi khi lên tới vài tháng.
Trật tự ở đây luôn được duy trì bởi cả cai ngục và các tù nhân có vai trò là "hộ lý". Mặc dù những kẻ hộ lý này cũng là tù nhân nhưng họ sống dựa vào việc báo cáo với quản ngục về những người không tuân theo quy định.
Một nhà thờ nằm trong khuôn viên nhà tù. (Nguồn: CNN) |
Truyền thông cho hay, trong các nhà tù Nga thường xuyên xảy ra bạo lực. Tờ báo điều tra Novaya Gazeta của Nga từng đăng tải một đoạn video làm xôn xao dư luận, cho thấy các tù nhân bị lính canh đánh đập tại một nhà giam hình sự ở Yaroslavl, cạnh nơi ông Navalny bị giam giữ.
Kotov nói mình từng nhìn thấy tù nhân bị đánh đập ở IK2. Chia sẻ với CNN, Kotov khẳng định lính canh thường tháo một chân ghế và đánh vào gót chân tù nhân. Cách làm này gây đau đớn cho tù nhân nhưng người ngoài rất khó phát hiện.
Tuy nhiên, trong bài đăng trên Instagram của mình, nhân vật đối lập Navalny lại nói rằng chưa từng tận mắt trông thấy bất kỳ hành động bạo lực nào, nhưng ông có thể chứng kiến nỗi sợ hãi trên khuôn mặt những bạn tù.
Điều duy nhất làm phiền ông chính là việc bị bảo vệ đánh thức mỗi giờ để kiểm tra xem ông còn ở đấy hay không.
Chuyên gia về quyền lợi của tù nhân Pyotr Kuryanov thuộc Quỹ Bảo vệ quyền tù nhân cho biết, bên trong những dãy phòng giam hai tầng, các tù nhân có thể bị yêu cầu lau sàn bằng bàn chải đánh răng.
Ông Kuryanov nêu quan điểm: “Thật khó khi ở đó và có thể bình tĩnh, cũng như không phản ứng lại với những yêu cầu khắt khe. Điều này là cực kỳ khó khăn về mặt tâm lý”.
Alexei Navalny, 44 tuổi là một nhà lãnh đạo đối lập người Nga, nổi tiếng với các cuộc điều tra về tham nhũng. Năm 2014, Alexei Navalny bị kết tội biển thủ 30 triệu Rouble (400.000 USD) từ hai công ty, trong một vụ án mà ông ta cho là có động cơ chính trị. Navalny nhận án treo trong 5 năm, sau đó được gia hạn thêm 1 năm. Bản án này đáng ra hết hạn vào ngày 30/12 năm ngoái. Tuy nhiên, một vài ngày trước khi bản án kết thúc, Navalny bị Cơ quan Thực thi hình phạt Liên bang Nga (FSIN) triệu tập. Ông ta không xuất hiện vì không ở trong nước, và do đó bị tuyên bố là một người bị truy nã. Vào thời điểm đó, Navalny đang ở Đức, dưỡng bệnh sau một vụ nghi đầu độc ở Siberia vào tháng 8. Theo các bác sĩ Đức, Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Điện Kremlin phủ nhận thông tin này. Navalny trở về Moscow vào ngày 17/1, gần 5 tháng sau khi đến Đức trong tình trạng hôn mê và ngay lập tức bị bắt. |