📞

Biểu tình chống chính phủ nhìn từ Ukraine, Thái Lan và Venezuela

09:05 | 07/03/2014
"Cho dù các cuộc khởi nghĩa của tầng lớp trung lưu có nhiều điểm chung thì một số trong những cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết dễ dàng hơn những cuộc khủng hoảng khác" - nhận định của Joshua Kurlantzick, Nghiên cứu viên Cao cấp tại Hội đồng Đối ngoại (Mỹ) về các cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra gần đây trên thế giới.
Người biểu tình ở Ukraine chủ yếu là những người "bài Nga" và "thân châu Âu".

Biểu tình chống chính phủ đã diễn ra âm ỉ ở Thái Lan, Venezuela hay Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối năm 2013 nhưng cho đến khi căng thẳng tại Ukraine bùng phát trở nên khó kiểm soát thì các nhà quan sát và phân tích quốc tế mới tập trung nghiên cứu, xâu chuỗi các hiện tượng nêu trên. Mặc dù có những khác biệt do nhiều yếu tố khác nhau chi phối nhưng nhìn chung các cuộc biểu tình chống chính phủ đều có một số điểm chung đáng lưu ý.

Nguyên nhân từ bên trong

Đầu tiên phải kể đến vai trò ngày càng trở nên lung lay và mất dần chỗ đứng trong người dân của lãnh đạo các quốc gia này. Tại Thái Lan, Thủ tướng Yingluck vẫn luôn bị coi là người thực hiện những chính sách mà anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin, "giật dây". Tại Ukraine, Tổng thống Yanukovych bị cáo buộc làm Ukraine ngày càng phụ thuộc vào Nga. Còn ở Venezuela, Tổng thống Maduro vẫn chưa thể vượt qua cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm Hugo Chavez và bị phe đối lập cáo buộc làm nền kinh tế Venezuela suy thoái trầm trọng từ khi nắm quyền.

Thứ hai, tuy đều gặp khó khăn về kinh tế trong bối cảnh suy thoái chung của kinh tế toàn cầu nhưng mức sống người dân suy giảm trong khi nền kinh tế phục hồi chậm cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ. Việc ông Yanukovych phá bỏ một thoả thuận kinh tế với Liên minh châu Âu để ký với Nga một thỏa thuận về năng lượng trị giá 15 tỷ USD thực sự làm người dân Ukraine nổi giận.

Tại Venezuela, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho đời sống người dân thiếu hụt, giá dầu tăng, đồng tiền mất giá, tỷ lệ lạm phát tăng cao đến gần 60% cũng khiến người dân phải xuống đường.

Thứ ba, trong bối cảnh các phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh trên khắp thế giới thì những quốc gia thuộc nhóm nước thu nhập từ thấp đến trung bình như Ukraine, Thái Lan hay Venezuela là những nước dễ bị tác động nhất, đặc biệt từ bên trong khi đời sống người dân không được bảo đảm.

Điểm đáng chú ý là đa số người biểu tình chống chính phủ có nguồn gốc thành thị và thuộc tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Thái Lan được nhiều nhà quan sát cho rằng còn có sự hậu thuẫn từ giới tinh hoa và giàu có.

Các tác nhân bên ngoài

Hậu quả và tác động của các cuộc biểu tình chống chính phủ tại các quốc gia nói trên có thể đã không nghiêm trọng như hiện nay nếu như không có tác động từ các nhân tố bên ngoài.

Thứ nhất, có thể thấy khá rõ ảnh hưởng của phương Tây đến các quốc gia có biểu tình chống chính phủ gần đây. Trong khi người biểu tình ở Ukraine chủ yếu là những người "bài Nga" và "thân châu Âu" thì tại Venezuela người biểu tình có xu hướng gắn các khó khăn nội tại hiện nay với xu hướng bài Mỹ và phương Tây của chính quyền từ thời Hugo Chavez.

Thứ hai, có thể thấy, sự cạnh tranh lợi ích, ảnh hưởng và đấu tranh trong tập hợp lực lượng giữa các nước lớn là một nguyên nhân quan trọng đưa đến các diễn biến hiện nay. Các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây đều diễn ra tại các quốc gia láng giềng của các nước lớn như Ukraine là láng giềng của Nga trong khi Venezuela gần Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Jerry thậm chí đã không ngần ngại khi cho rằng Nga sẽ mắc phải "sai lầm chết người" nếu can thiệp vào tình hình Ukraine.

Thứ ba, cách thức can thiệp từ bên ngoài của phương Tây cũng đã có những thay đổi đáng kể, thay vì chủ yếu sử dụng các công cụ "cứng" như can thiệp quân sự, các công cụ "mềm" như việc đề cao giá trị dân chủ, nhân quyền, tự do cá nhân, bầu cử tự do… kết hợp với việc sử dụng các lệnh cấm vận, trừng phạt để buộc nhiều chính quyền tự tiến hành thay đổi và tạo diễn biến từ bên trong ngày càng được coi trọng.

Nhìn chung, cho dù có thể không hình thành trào lưu mới khi các cuộc biểu tình sẽ có kết cục khác nhau nhưng việc quản lý tốt nền kinh tế, mạnh tay với tham nhũng, duy trì đời sống và phúc lợi của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đấu tranh chống lại các bất công xã hội luôn là các biện pháp hàng đầu để ổn định đất nước.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần xây dựng chính sách phát triển đất nước phù hợp, vừa tránh gây mất ổn định từ bên trong cũng như tránh tạo cớ can thiệp từ bên ngoài và bài học từ Mùa xuân Ảrập vẫn còn nguyên giá trị đến nay.

Lại Anh Tú(Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao)