Dư luận cho rằng, các hành động của Tổng thống Sisirena đã đi ngược lại với Hiến pháp Sri Lanka – Thủ tướng chỉ có thể bị bãi nhiệm nếu thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội.
Tình trạng hỗn loạn và bạo lực tại thủ đô Colombo đã khiến ít nhất một người chết và hàng chục người bị thương. (Nguồn: SCMP) |
Động thái này đã khơi mào cho cuộc chiến giữa quyền hạn của Tổng thống và quyền hạn của Quốc hội, khiến căng thẳng chính trị bùng phát thành bạo lực. Một người chết và nhiều người đã bị thương sau khi cảnh vệ của Bộ trưởng dầu mỏ Arjuna Ranatunga, thành viên nội các của Thủ tướng Wickremesinghe, bắn vào đám đông biểu tình quá khích. Ấn Độ, Mỹ và EU đã yêu cầu Tổng thống Sisirena tuân thủ Hiến pháp và đảo ngược quyết định.
Song tâm điểm của giới quan sát lại nằm ở hành động của Trung Quốc. Bắc Kinh chúc mừng ông Rajakpasa nhậm chức, song phủ nhận mọi liên quan đến diễn biến tại Sri Lanka. Tuy nhiên, tờ Bloomberg nhận định, biến động ở Sri Lanka là một bước đi khác của Bắc Kinh để tranh giành ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương, vốn là “sân nhà” của New Delhi.
Trong một thập kỷ cầm quyền (2005 – 2015), ông Rajakpasa đã xây dựng mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Trợ giúp về vũ khí và thiết bị quốc phòng của Bắc Kinh đã giúp Colombo trấn áp thành công cuộc nổi dậy của lực lượng Những Con hổ Giải phóng Tamil (LTTE) tại phía Đông và phía Bắc Sri Lanka. Đổi lại, ông Rajapaksa đã cung cấp cho Trung Quốc nhiều quyền lợi trong xây dựng cơ sở hạ tầng và quân sự, cho thuê cảng Magampura Mahinda Rajapaksa 99 năm. Bước ngoặt xảy ra khi Trung Quốc đưa tàu ngầm hiện diện tại cảng Colombo vào năm 2014, thách thức Ấn Độ ngay tại “sân nhà”. Nhiều nhà quan sát cho rằng New Delhi có vai trò lớn trong thúc đẩy liên minh bất đắc dĩ giữa ông Sisirena và ông Wickremesinghe, đánh bại ông Rajapaksa vào năm 2015 nhằm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Colombo.
Song với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược giữa hai nước tại Sri Lanka vẫn âm ỉ. Bắc Kinh đã tìm cách khai thác mối quan hệ bất hòa giữa hai nhà lãnh đạo của Sri Lanka để đưa ông Rajakpasa, trở lại chính trường. Dưới thời ông Rajapaksa, Sri Lanka là thành viên then chốt trong dự án Vành đai Con đường, vay nhiều tỷ USD từ Trung Quốc cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết những dự án này được đánh giá là thiếu hiệu quả và chỉ nằm trên giấy tờ, còn Sri Lanka vẫn tiếp tục lún sâu trong nợ nần, với các khoản cần trả năm 2019 lên đến 4,28 tỷ USD, tương đương với 5% GDP.
Nếu như không có biện pháp kịp thời, một chính trường chia năm sẻ bảy, bị chi phối bởi các cường quốc, cùng nền kinh tế rệu rã sẽ tiếp tục đeo đuổi Sri Lanka trong thời gian tới.