Khác với lần gặp mặt đầu tiên tại Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái, ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đã không còn xa lạ với nhau. Bên cạnh những cử chỉ giao thiệp, trò chuyện trong khu vườn đầy nắng, hai nhà lãnh đạo cũng đã tiến hành trao đổi thư từ.
Bước vào Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần tới vào cuối tháng Hai, nhiều khả năng hai bên có thể cởi mở hơn và đi thẳng vào giải quyết các bất đồng còn tồn tại liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, những tín hiệu rối loạn từ cả Washington và Bình Nhưỡng trước thềm Thượng đỉnh khiến nhiều người đặt câu hỏi về hiệu quả cuộc gặp sắp tới.
Câu chuyện lòng tin
Thời gian qua, quan chức cấp cao hai bên đã có nhiều chuyến thăm và chuẩn bị cho lần giáp mặt thứ hai. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục có các cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho, nổi bật là chuyến công du tới Bình Nhưỡng và gặp gỡ ông Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong Thượng đỉnh tháng 6/2018 tại Sentosa, Singapore. (Nguồn: AP) |
Ngày 19/1, Phó Chủ tịch Đảng Lao Động Triều Tiên Kim Yong-chol, cánh tay phải của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đã hội kiến và trao tận tay Tổng thống Mỹ Donald Trump bức thư từ Bình Nhưỡng. Hai bên cũng đã xác định được thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp và dự kiến sẽ công bố trong thời gian thích hợp.
Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy nhiều căn cứ chứa tên lửa bí mật của Triều Tiên. Một trong số đó là Sino-ri, nơi Bình Nhưỡng cất giữ tên lửa tầm trung Nodong. CSIS nhận định sự tồn tại của Sino-Ri và tên lửa Nodong phù hợp với chiến lược hạt nhân quân sự của Triều Tiên.
Một động thái nữa khiến giới quan sát hoài nghi về thành ý của Triều Tiên là việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ có chuyến thăm ngắn ngày (8 - 9/1) đến Trung Quốc, gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Động thái này cho thấy Bắc Kinh mong muốn sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để “dễ thở” hơn trong đàm phán thương mại với Washington. Trong khi đó, Triều Tiên muốn dựa vào Trung Quốc để giảm thiểu áp lực từ nghị quyết trừng phạt và cho Mỹ những “phương án khác” của mình.
Lần hai sẽ khác?
Triết gia Hy Lạp Heraclitus từng nói: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Cùng là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều để thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, với bối cảnh đã thay đổi, diễn biến của Thượng đỉnh lần này có thể sẽ rất khác.
Đầu tiên, Mỹ và Triều Tiên có thể tìm kiếm đồng thuận về định nghĩa của “phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên” - điều chưa được thống nhất trong cuộc gặp lần trước. Theo Washington, Triều Tiên cần đơn phương phá hủy tất cả cơ sở tên lửa và vũ khí hạt nhân, dưới sự thanh tra và giám sát của các quan sát viên từ Liên hợp quốc và Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Trong khi đó, tháng 12/2018, Bình Nhưỡng giải thích rằng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bao gồm “loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ”, kêu gọi Washington rút vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc trước khi thực hiện điều tương tự. Đây là yêu cầu Mỹ khó có thể đồng ý. Do đó, tìm kiếm tiếng nói chung về cụm từ này sẽ không đơn giản, khi nó gắn chặt với lợi ích quốc gia của cả hai bên.
Thứ hai, các bên có thể tiến tới xây dựng lộ trình triển khai thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước. Triều Tiên, cũng như Nga và Trung Quốc, cho rằng phi hạt nhân hóa cần được tiến hành theo từng giai đoạn và theo cách thức đồng thời, hướng tới xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cần diễn ra đơn phương, ngay lập tức và khẳng định sẽ chỉ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khi nào Bình Nhưỡng hoàn thành tiến trình này. Đây không phải là điều Triều Tiên mong muốn và việc tiếp tục phát triển tên lửa tại căn cứ bí mật, cải thiện quan hệ với Trung Quốc là minh chứng rõ ràng nhất.
Người ta thường nói: “Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Trong trường hợp này, Tổng thống Mỹ Trump cần cân nhắc phối hợp chặt chẽ hơn với người đồng cấp Hàn Quốc, chung tay thực hiện nỗ lực phi hạt nhân hóa, thay vì đưa ra tuyên bố kích động như kêu gọi Seoul “đóng thuế” cho lực lượng đồn trú của Washington. Tận dụng mối quan hệ ấm lên giữa lãnh đạo hai miền có thể là cách để Mỹ thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên.
Sau cùng, Mỹ cần làm Triều Tiên hiểu rằng phi hạt nhân hóa là cách duy nhất để nước này phát triển, song điều này đòi hỏi Washington ít nhiều thỏa thuận với Bắc Kinh, đồng minh quan trọng của Bình Nhưỡng để có thể tác động tới chính sách của Triều Tiên. Quan trọng hơn, Bắc Kinh có thể sử dụng cơ hội này để buộc Washington nhượng bộ trong đàm phán thương mại đang diễn ra và Nhà Trắng chưa cho thấy dấu hiệu thỏa hiệp.
Quả bóng đang nằm ở chân của ông Trump và xử lý ra sao để “ghi bàn” trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới sẽ là nhiệm vụ khó khăn của nhà lãnh đạo này.