Ngày 18/10, Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel Alon Ushpiz và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al-Zayani, đã ký 8 thỏa thuận song phương, trong đó có Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ ngoại giao, hòa bình và hữu nghị, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin. Các thỏa thuận này mở đường cho hợp tác đa lĩnh vực giữa Israel và Bahrain, trong đó có thương mại, nông nghiệp và công nghệ. Phía Israel cũng đã trao cho Bahrain văn kiện chính thức đề nghị mở Đại sứ quán tại Bahrain. Hai bên cam kết không có hành động thù địch và chống lại hành động thù địch từ bên thứ ba.
Ngoại trưởng Bahrain al-Zayani đánh giá “thỏa thuận là một bước đi mang tính lịch sử”, bày tỏ hy vọng về “hợp tác song phương hiệu quả trên mọi lĩnh vực” và hòa bình khu vực, trong đó có giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel-Palestine. Cố vấn An ninh quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat ca ngợi các thỏa thuận là bước đi đầu tiên trong nền hòa bình giữa Israel và Bahrain.
Sau các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain là quốc gia mới nhất, song có thể không phải là quốc gia cuối cùng bình thường hóa quan hệ với Israel trong năm nay.
Mới đây, ngày 18/10, kênh truyền hình Al-Hadath (UAE) cho hay Hội đồng Chủ quyền cầm quyền tại Sudan đã thảo luận về thúc đẩy kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel. Động thái này được coi là thỏa thuận giữa Washington và Khartoum, theo đó Mỹ sẽ rút Sudan khỏi danh sách quốc gia tài trợ khủng bố, đổi lại Sudan phải bồi thường 355 triệu USD cho nạn nhân Mỹ thiệt mạng và khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Israel sau chuyến thăm Khartoum của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 18/10.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdock trong chuyến thăm Khartoum ngày 25/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Đây rõ ràng là cuộc trao đổi đáng cân nhắc, khi nó có thể mang lại lợi ích cần thiết cho cả hai bên.
Với Sudan, đó có thể là cú hích để tăng cường ổn định chính trị, vực dậy nền kinh tế. Sau khi cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ tháng 4/2019, Hội đồng Chủ quyền cần củng cố tính chính danh và còn gì tốt hơn việc đưa Sudan thoát cấm vận nặng nề kéo dài gần ba thập kỷ qua?
Về mặt kinh tế, cấm vận của Mỹ đã cản trở nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế của Sudan. Rất ít nhà đầu tư nước ngoài lớn nào sẵn lòng đi ngược luật pháp Mỹ. Việc Nam Sudan tuyên bố độc lập năm 2011, kéo theo ¾ trữ lượng dầu mỏ của Sudan càng đặt Khartoum vào tình thế khó khăn. Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Sudan, lạm phát tháng 9 (212,29%) đã tăng mạnh so với tháng 8 (166,83%). Đồng pound Sudan đã mất 50% giá trị chỉ trong hai tháng.
Bất ổn chính trị, nền kinh tế suy thoái, thiếu vắng đồng tiền mạnh đẩy người dân Sudan vào thế túng quẫn. Cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ có thể là tia sáng cuối đường hầm mà họ cần hơn bao giờ hết, dù khoản bồi thường 355 triệu USD cho các nạn nhân Mỹ thiệt mạng là không nhỏ.
Cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ có thể là tia sáng cuối đường hầm mà Sudan cần hơn bao giờ hết, dù khoản bồi thường 355 triệu USD cho các nạn nhân Mỹ thiệt mạng là không nhỏ. |
Đối với Washington, động thái này có thể củng cố vị thế của ông Donald Trump trong bầu cử Tổng thống diễn ra hai tuần tới. Chính sách xuyên suốt các đời Tổng thống Mỹ sau Thế chiến II là thắt chặt quan hệ với Nhà nước Do Thái.
Thành công trong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Arab Hồi giáo có thể khiến ông Trump giành thêm thiện cảm của cộng đồng gốc Do Thái đầy ảnh hưởng tại Mỹ.
Thêm vào đó, nó sẽ củng cố nỗ lực của ông Trump trong xây dựng hình ảnh một Tổng thống “vì hòa bình”, với nỗ lực đàm phán, cải thiện quan hệ với các quốc gia “đối thủ” như Triều Tiên hay Nga, thể hiện năng lực lãnh đạo cần thiết để dẫn dắt xứ cờ hoa qua cơn bĩ cực.
Câu chuyện của Sudan và quyết định về thỏa thuận với Mỹ, bình thường hóa quan hệ với Israel vì thế sẽ tiếp tục được theo dõi sát sao những ngày tới.