Trưởng đoàn Xuân Thủy trả lời phỏng vấn các nhà báo, năm 1968 tại Paris, Pháp. |
Ông Nguyễn Trọng Yêm, con trai nhà cách mạng Xuân Thủy kể rằng, trong suốt thời gian ở Paris làm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968-1973), bố ông thường ký tên Trường Xuân trên tất cả các thư gửi cho người thân.
Chi tiết này khiến tôi bất giác nghĩ đến cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt huyết của ông. Dù ở cương vị nào, ông cũng tận hiến, tận tụy phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ông được đánh giá là người chiến sĩ cách mạng trung kiên, chính khách tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ với nhiều tác phẩm có giá trị.
Trong một lần nhắc về ông Xuân Thủy, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói: “Anh Xuân Thủy có phong cách rất Bác Hồ… Ở anh Xuân Thủy người ta thấy có sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”.
Linh hồn của Đoàn đàm phán
Dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp ngoại giao của ông Xuân Thủy là thời kỳ từ năm 1968-1973, với tư cách Bộ trưởng, Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam.
Nói về lý do tại sao Bác Hồ và Bộ Chính trị chọn ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, ông Phạm Ngạc, thành viên đoàn đàm phán, cho rằng đó là “sự lựa chọn tinh tường” và giải thích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn dự Hội nghị Paris là có cơ sở vững chắc. Ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông Xuân Thủy đã đi theo Cụ Hồ đàm phán với các tướng của Tưởng Giới Thạch và được cử đi thương lượng với các Đảng để họ tham gia Chính phủ. Ông đảm nhiệm xuất sắc công tác đối ngoại trong nhiều năm. Về ngoại giao Nhà nước, ông cũng từng làm Phó Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Geneva về Lào và Bộ trưởng Ngoại giao trong những năm mâu thuẫn Xô - Trung gay gắt tác động vào đường lối đối ngoại của Việt Nam”.
Ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị và là thư ký riêng của Trưởng đoàn Xuân Thủy, cho rằng, ở ông Xuân Thủy có “tư chất hội tụ đầy đủ tri thức Đông - Tây, có bản lĩnh của một nhà cách mạng đã trải qua lao tù thực dân, tư chất của một nhà báo, nhà thơ”. Nên cũng dễ hiểu tại sao ông Xuân Thủy lại được Bác Hồ và Bộ Chính trị “chọn mặt gửi vàng” cử làm Trưởng đoàn như vậy.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhớ lại, không chỉ có phong thái ung dung, trí tuệ trên bàn đàm phán, Trưởng đoàn Xuân Thủy còn khéo léo tranh thủ hai người bạn Liên Xô và Trung Quốc (lúc đó đang có mâu thuẫn với nhau). Trước và sau những diễn biến quan trọng của cuộc đàm phán, ông đều thông báo tình hình cho các bạn, nghe ý kiến các bạn nhưng vẫn giữ vững tính độc lập tự chủ của mình.
Trong khi đó, ông Phạm Ngạc nhận định: “Ông là linh hồn của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam. Với phong thái chững chạc, phát biểu mạch lạc, đối đáp sắc sảo, nụ cười tươi tắn, ông là hình ảnh của các sứ thần Việt Nam xưa, đầy đủ bản lĩnh đối phó và đề cao tự tôn dân tộc”.
Mới đây, tại Tọa đàm “Xuân Thủy - Nhà Ngoại giao tài năng, nhà lãnh đạo xuất sắc”, một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông (02/09/1912-02/09/2022), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định đồng chí Xuân Thủy luôn thể hiện phẩm chất của một nhà ngoại giao sắc sảo, trí tuệ, bản lĩnh, luôn kiên định về đường lối và nguyên tắc, đồng thời linh hoạt, khéo léo về sách lược, cùng phong thái cởi mở, điềm đạm và vững vàng. Đồng chí đã góp phần quan trọng hàng đầu vào thành công vang dội trên mặt trận ngoại giao là Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây chính là mốc son chói lọi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trưởng đoàn Xuân Thủy tươi cười vẫy tay chào khi rời cuộc gặp với Phái đoàn Hoa Kỳ. |
Một con người rất lạ
Hội nghị Paris về Việt Nam diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber kéo dài gần năm năm.
Trong các cuộc họp công khai 4 bên, Cố vấn Lê Đức Thọ thường không tham dự. Vai trò “nhạc trưởng” được giao cho Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy. Giữa lúc phía Mỹ liên tục thay đổi các Trưởng đoàn thì ông Xuân Thủy luôn tỏ rõ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, sắc sảo và không thể thay thế.
Nhắc đến vị Trưởng đoàn đặc biệt này, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao, cho rằng, đây là một con người rất lạ. Lạ vì ông từng đảm nhiệm rất nhiều vị trí, từ Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội đến làm thơ, viết báo, chủ nhiệm báo, từ ngoại giao nhân dân đến ngoại giao Nhà nước, rồi bước vào bàn đàm phán... “Nhưng ấn tượng nhất vẫn là phong thái của ông. Ông Xuân Thủy tính tình rất điềm đạm, lúc nào cũng tỉnh táo. Trong lúc đấu tranh căng thẳng, cả bàn đàm phán cãi tay đôi quyết liệt, đập bàn đập ghế, ông ấy lại điềm tĩnh ngồi viết mấy câu thơ tặng cho bà Nguyễn Thị Bình”, ông Huỳnh cho hay.
Còn ông Hà Đăng - Người phát ngôn của Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris vẫn nhớ mãi phong thái thân thiện, lịch thiệp của nhà ngoại giao Xuân Thủy. “Trước kia nhiều người cứ nghĩ cộng sản cứng nhắc thế này thế nọ. Nhưng khi gặp ông Xuân Thủy rồi thì họ phải thay đổi cái nhìn. Đặc biệt, nụ cười thân thiện của ông đã trở thành một “thương hiệu” không thể nào quên với những ai từng tham dự Hội nghị Paris. Nụ cười ấy dường như không còn của riêng ông nữa mà đã trở thành nụ cười tiêu biểu của nhân dân Việt Nam”.
Trí tuệ cũng như tài đối đáp sắc sảo, bản lĩnh, uyên thâm của Trưởng đoàn Xuân Thủy trong các cuộc họp hội nghị công khai, đấu tranh trước dư luận, báo chí, trong những cuộc tiếp xúc ngoại giao cũng trở thành những ấn tượng, giai thoại đặc sắc.
Trong bài thơ Mừng Xuân thắng lợi, Bộ trưởng Xuân Thủy viết: “Ta đánh giặc bằng gươm, bằng súng, Vừa bằng lời, bằng bút sắc hơn dao Trước bàn tròn chính nghĩa đã nêu cao Trên dư luận lại dạt dào tình lý”. |
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh kể: “Trong một cuộc họp, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Averell Harriman nói: ‘Tôi không bàn chuyện hai bên rút quân, không rút quân nữa. Tôi xin hỏi Bộ trưởng (Xuân Thủy) một câu thôi, có quân miền Bắc ở miền Nam không? Bộ trưởng cho tôi một chữ có hay không?”.
Ông Xuân Thủy không trả lời có hay không mà trả lời thế này: ‘Bảo vệ đất nước là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam. Người dân Việt Nam có quyền chiến đấu ở bất kỳ nơi nào trên đất nước mình’”.
Trưởng đoàn Xuân Thủy nổi tiếng là mềm mỏng, khéo léo nhưng cũng rất thẳng thừng và quyết liệt khi cần trong đàm phán. Như ở những phiên họp công khai đầu tiên, đồng chí Xuân Thủy đã chỉ thẳng mặt Trưởng đoàn Mỹ Harriman mà mắng là quân xâm lược. Trong phiên họp ngày 20/09/1968 bàn về việc để chính quyền Sài Gòn tham gia đàm phán, Trưởng đoàn Mỹ Harriman nói, đây là điều kiện để Mỹ quyết định chấm dứt ném bom miền Bắc và bắt đầu nói chuyện nghiêm chỉnh.
Đồng chí Xuân Thủy đã chất vấn lại rằng, đây có phải là điều kiện mới và duy nhất không. Harriman đã không giữ được bình tĩnh nói: “Chúng tôi muốn nói chuyện nghiêm chỉnh thì phải có đại diện của Việt Nam Cộng hòa. Nhưng các ông bác đi như vậy thì chiến tranh lại tiếp tục, bom lại rơi trên đầu các ông”. Phiên họp này có cả đồng chí Lê Đức Thọ tham gia. Cả Trưởng đoàn Xuân Thủy và đồng chí Lê Đức Thọ đã bình tĩnh nhưng nghiêm khắc phê phán thái độ hiếu chiến của Harriman. Cuối cùng, Harriman đã phải xin rút lại câu “bom lại rơi trên đầu các ông”.
Sự thẳng thắn, sắc sảo của Trưởng đoàn Xuân Thủy được ông Phạm Ngạc minh chứng bằng câu chuyện sau: Tại Hội nghị 4 bên (bắt đầu ngày 25/01/1969), trong khi đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng trình bày lập trường 5 điểm giải quyết vấn đề Việt Nam và đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu lập trường 4 điểm, đoàn chính quyền Sài Gòn lại phát biểu kéo dài 2 giờ 30 phút tập trung vu cáo miền Bắc xâm lược, bênh vực việc Mỹ can thiệp, khoe chế độ Sài Gòn dân chủ, tốt đẹp, đòi Mặt trận Dân tộc Giải phóng quy thuận Sài Gòn.
Trong phiên họp công khai sau đó, đoàn Sài Gòn lại tiếp tục vu cáo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tự ca ngợi “chính nghĩa quốc gia”. Bộ trưởng Xuân Thủy nói: “Người ta khoe khoang chế độ Sài Gòn tốt đẹp, nhưng Thượng nghị sĩ Mỹ Edward Kennedy ngày 21/08/1968 lại nói: ‘Họ (chính quyền Sài Gòn) không muốn đáp ứng nhu cầu của nhân dân, mà chỉ đòi nhiều tiền hơn, nhiều sinh mạng hơn để sa vào vũng lầy thất bại’”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy và Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris, năm 1973. |
Sức mạnh vận động dư luận
Nền ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã được Bộ trưởng Xuân Thủy tiếp thu hết sức nhuần nhuyễn với tâm niệm: “Làm ngoại giao không cần đao to búa lớn, mà cần sự thuyết phục bằng lý lẽ, bằng tình cảm và bằng thực tế”.
Hiểu rõ vai trò của báo chí tuyên truyền đối ngoại và ngoại giao nhân dân, kết hợp với ngoại giao Nhà nước thành sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh ngoại giao, đồng chí Xuân Thủy đã sử dụng những vũ khí sắc bén này một cách tài tình. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Xuân Thủy đã đề nghị và tuyển chọn được một đội ngũ nhà báo giỏi ngoại ngữ, thành thạo nghiệp vụ tham gia phái đoàn như Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Thành Lê, Lý Văn Sáu, Hồng Hà, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phong, Lê Bình, Xuân Oanh và nhiều nhà báo tài năng khác.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Dương Huân cho biết, về phía Việt Nam có đến gần 500 cuộc họp báo của hai đoàn, hàng nghìn cuộc tiếp xúc với bạn bè Pháp, bạn bè quốc tế và đồng bào từ miền Nam sang… Ông Xuân Thủy thường chủ trì các cuộc họp báo lớn và thông cáo báo chí thứ Năm hằng tuần sau phiên họp công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Paris.
Ông trực tiếp trả lời phỏng vấn của các báo, các hãng thông tấn phương Tây, của các nước xã hội chủ nghĩa và báo chí Mỹ. Những câu trả lời của ông rất sâu sắc nhưng rất dễ hiểu, lại dí dỏm. Với sự tự tin, chững chạc, nụ cười tươi tắn, phát biểu mạch lạc đôi lúc pha thêm chút hài hước, ông Bộ trưởng đã làm giới báo chí phương Tây bất ngờ, thú vị và vô tình trở thành phương tiện tuyên truyền cho hình ảnh và lập trưởng chính nghĩa của Việt Nam.
Những hoạt động báo chí và vận động dư luận này đã góp phần đáng kể tạo ra “mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới” rộng lớn chưa từng có, một phong trào phản chiến rầm rộ ngay trong lòng nước Mỹ.
Hơn một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Xuân Thuỷ vẫn còn mãi giữa lòng dân tộc, như câu đối: “Xuân khứ, Xuân lai, Xuân bất tận/ Thủy lưu, Thủy chuyển, Thủy trường tồn”. Và ông cũng vẫn là Trường Xuân, xanh mãi…