Những địa điểm nổi tiếng ở thủ đô London, như quảng trường Trafalgar hay ga Waterloo, đều được đặt theo tên những chiến thắng của người Anh ở châu Âu lục địa như Tây Ban Nha và Pháp. Ngược lại, Đức Quốc Xã cũng từng dội mưa bom London trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Chỉ khi chiến tranh kết thúc, nhu cầu xây dựng một châu Âu hòa bình và thống nhất mới được thực hiện với sự ra đời của Cộng đồng Than thép châu Âu (ECSC), tiền thân của EU ngày nay. Tuy nhiên, trên thực tế EU mang ý nghĩa của một liên minh chính trị - kinh tế hơn là tình cảm. Người Anh vẫn xem thường dân châu Âu bảo thủ và rắc rối, trong khi châu Âu lục địa cũng không ưa những người Anglo Saxon ngạo mạn.
Rõ ràng, dù ở trong cùng liên minh song cộng đồng và văn hóa dân tộc thì khó có thể phai nhòa. Những nét riêng biệt của văn hóa không thể giao thoa để hình thành nên một dạng “liên minh dân tộc” ở châu Âu. Có thể những quyền lợi về kinh tế khiến cho cuộc sống của người dân các quốc gia thuộc EU được sung túc hơn, nhưng nguy cơ dân tộc không chủ quyền, văn hóa không bản sắc… khiến cho niềm tự hào dân tộc có thể bị triệt tiêu.
Nụ hôn thể hiện thông điệp ủng hộ Anh ở lại EU. (Nguồn: AFP) |
Chính vì thế, nước Anh chưa bao giờ “toàn tâm toàn ý” với EU, với minh chứng rõ nhất là việc đảo quốc này không tham gia khối visa chung Schengen và đồng tiền chung Euro. Dù vậy, khi hứa cho người dân quyền lựa chọn mối quan hệ giữa Anh và EU trong đợt tổng tuyển cử năm ngoái, Thủ tướng David Cameron có lẽ cũng nghĩ rằng, người dân nước mình vẫn không muốn rời “ngôi nhà chung” châu Âu.
Lợi ích của việc ở lại EU là quá rõ ràng đối với Anh. Vương quốc này vẫn sẽ nằm trong thị trường chung lớn nhất thế giới, dễ dàng thu hút được nguồn đầu tư lớn từ châu Âu, cũng như có vị thế tốt hơn khi đàm phán các hiệp định thương mại.
Thế nhưng, giữ lời hứa của mình, ông Cameron đã trao chìa khóa mở “chiếc hộp Pandora” (*) cho cảm tính đám đông. Khóa đã mở khi gần 52% số người tham gia trưng cầu dân ý lịch sử hôm 23/6 chọn “Brexit”, sau cuộc dân vận xuất sắc của Đảng Độc lập Anh quốc (UKIP) và Boris Johnson - cựu Thị trưởng London. Như trong thần thoại Hy Lạp, “chiếc hộp Pandora” Brexit sẽ có những tác động khôn lường đến mọi mặt của nước Anh và cả châu Âu.
Đối với nước Anh, Brexit có thể để lại đống đổ nát mà người Anh sẽ mất nhiều năm để giải quyết. Theo nhận định của The Independent, các quốc gia thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh (United Kingdom) có thể sử dụng kết quả trưng cầu dân ý ngày 23/6 để đòi độc lập.
Cuộc bỏ phiếu vừa qua cho thấy Bắc Ireland và Scotland - những khu vực rất muốn ly khai - lựa chọn ở lại EU, trong khi phần còn lại của vương quốc - gồm Anh (England) và xứ Wales - quyết định ra đi. Đây sẽ là lý do quan trọng để Scotland và Bắc Ireland cho rằng Chính quyền London không đại diện cho quyền lợi kinh tế và chính trị của họ.
Với châu lục, việc một thành viên chủ chốt như Anh rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng rất lớn đến liên minh, nhất là khi EU đang phải “vật lộn” với hàng loạt thách thức lớn như khủng hoảng nhập cư, tình trạng suy giảm kinh tế, mối đe dọa khủng bố… Có lẽ Jean Monnet và Robert Schumann – hai chính khách Pháp và là kiến trúc sư cho việc hình thành ECSC, cũng không ngờ rằng có ngày thành quả của các ông lại bị đặt vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc thế này.
Đáng lo nhất, kịch bản Brexit có thể kích hoạt hàng loạt quốc gia khác tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý tương tự, dẫn đến sự tan rã của EU. Trong bối cảnh đó, việc nước Anh ra đi cũng chính là lúc lãnh đạo EU cần xem lại những hợp lý và bất cập trong cơ chế của liên minh, từ đó đưa ra những thay đổi phù hợp cho sự tồn tại lâu dài của mình.
Cho đến nay, Anh vẫn không tham gia hệ thống visa chung Schengen của EU. Ảnh chụp tại sân bay Heathrow, London. (Nguồn: Reuters) |
Theo phân tích của Global Counsel, ngoài những ảnh hưởng nói trên, Brexit đã phản ánh được những hạn chế của việc khu vực hóa kinh tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa thương mại bị bế tắc ở các vòng đàm phán WTO nhiều năm liền. Đó cũng là bài học lớn cho các liên minh khu vực khác, như ASEAN, lựa chọn con đường liên kết phù hợp và bền vững hơn.
40 năm trước, “xứ sở sương mù” cũng đã cân nhắc việc có rời Cộng đồng châu Âu (EC) hay không. Sau ngần ấy năm, trong cơn khủng hoảng triền miên của EU, người Anh đã quyết định ra ở riêng. Cho đến thời điểm này, mọi nhận định, đánh giá đều là khập khiễng. Để đánh giá liệu Brexit là quyết định sai lầm hay đúng đắn, có lẽ thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời.
---
(*) Chiếc hộp Pandora: theo thần thoại Hy Lạp, đó là chiếc hộp mà nàng Pandora - người phụ nữ đầu tiên mang đến thế giới loài người. Thần Zeus đã dặn kỹ nàng Pandora không được mở chiếc hộp đó ra. Tuy nhiên, với tính tò mò của mình, Pandora đã mở và chiếc hộp kỳ bí đã khiến những điều bất hạnh như thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… tràn ngập khắp thế gian.