📞

Brexit: Chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” của bà May có thể gặp nguy hiểm

18:04 | 15/02/2019
Thủ tướng Anh Theresa May lại hứng chịu một thất bại mới đối với chiến lược Brexit của mình khi các nghị sĩ nước này ngày 14/2 đã bác lại chiến lược Brexit của bà. Reuters bình luận điều này đã làm suy yếu sức mạnh đàm phán cũng như cam kết của bà May đối với lãnh đạo Liên mi châu Âu (EU).

Đảng Bảo thủ ra thêm đòn

Trong một động thái nhằm thể hiện lập trường cứng rắn, những nghị sĩ ủng hộ Brexit trong nội bộ đảng Bảo thủ Anh đã quyết định bỏ phiếu chống, từ chối động thái đề nghị họ tái khẳng định sự ủng hộ đối với kế hoạch của bà nhằm tìm kiếm những thay đổi đối với thỏa thuận Brexit.

Với 303 phiếu chống và 258 phiếu thuận, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cho rằng cuộc bỏ phiếu này có thể chỉ mang tính tượng trưng song muốn nhấn mạnh rằng, chính phủ không thể bỏ qua yêu cầu của những người ủng hộ Brexit. Nữ Thủ tướng lại một lần nữa rơi vào tình thế “sa sẩm mặt mày”, như một thất bại mang tính biểu tượng trong bối cảnh bà nỗ lực tái thương lượng thỏa thuận Brexit với Brussels.

Thủ tướng Anh Theresa May lại hứng chịu một thất bại mới đối với chiến lược Brexit của mình khi các nghị sĩ nước này ngày 14/2 đã bác lại chiến lược Brexit của bà. (Nguồn: PA)

Mặc dù việc các nghị sĩ bỏ phiếu chống như vậy sẽ không ngăn cản bà tiếp tục nỗ lực đạt được những thay đổi đối với vấn đề gây tranh cãi nhất của thỏa thuận là vấn đề “chốt chặn”, song lại bộc lộ thực tế rằng, những nghị sĩ ủng hộ Brexit là cản trở chính đối với bất kỳ nỗ lực thông qua thỏa thuận Brexit nào.

Bà May đã không có mặt tại cuộc thảo luận và kết quả cuộc bỏ phiếu nói trên. Điều này càng làm lộ rõ sự rạn nứt chính trị về việc Anh rời EU như thế nào sau hơn 2 năm cử tri Anh trưng cầu dân ý lựa chọn con đường này     

Thỏa thuận hay không thỏa thuận

Diễn biến mới nhất trong cuộc đàm phán kéo dài 2 năm nhằm rời EU đã lộ rõ sự rạn nứt trong Quốc hội Anh về việc Anh rời khối này như thế nào và liệu điều này có xảy ra hay không, một sự thay đổi chính sách chính trị và thương mại lớn nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Những nút thắt trong chính trường Anh làm tăng nguy cơ nước này rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, một viễn cảnh ác mộng đối với giới kinh doanh, hoặc làm gia tăng viễn cảnh quá trình Brexit bị trì hoãn hoặc không bao giờ xảy ra.

Các nghị sĩ bỏ phiếu trắng nói trên nhấn mạnh rằng, London cần tiếp tục thương lượng với EU về điều khoản liên quan biên giới giữa xứ Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland. Nhiều thành viên ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ cầm quyền đã lên kế hoạch bỏ phiếu trắng vì lo ngại về việc bà May có thái độ mềm mỏng hơn đối với kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Trong khi đó, lãnh đạo EU tái khẳng định lập trường không thể có bất kỳ thay đổi đáng kể nào đối với thỏa thuận Brexit mà họ đã nhất trí với Thủ tướng May, trong đó có vấn đề chốt chặn, một đảm bảo không có sự kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Hãng tin AFP bình luận rằng, EU ngày càng lo ngại về chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” về Brexit của bà May trong bối cảnh chỉ còn vài chục ngày nữa là Anh sẽ rời khối theo dự kiến. Lãnh đạo EU cho rằng, nữ Thủ tướng đang chơi trò thách đố, thực hiện một nỗ lực lớn khi tái đàm phán với Brussels đồng thời "câu giờ" cho đến khi quá trình “ly hôn” không thỏa thuận trở nên hiện hữu. Sau đó, với những hậu quả kinh tế mà Brexit không thỏa thuận gây ra đe dọa không chỉ Anh mà còn các đối tác của nước này thì lãnh đạo EU hy vọng bà May sẽ thúc đẩy các nghị sĩ hoài nghi EU ủng hộ một thỏa thuận được sửa đổi một phần. Trong trường hợp này, đây có lẽ là một chiến lược liều lĩnh của bà May khi kế hoạch Brexit ban đầu của bà bị chính nghị sĩ trong đảng của bà bác bỏ.

Ở Brussels, giới ngoại giao và quan chức cho rằng, quan điểm “không làm gì” của bà May là một chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” có chủ ý, một nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh của bà để xử lý cả cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ cũng như trong các cuộc đàm phán với EU.

“Chiến lược của bà ấy là đợi cho đến sát thời hạn chót và lợi dụng nỗi lo sợ về Brexit không thỏa thuận để buộc các nghị sĩ quốc hội chấp thuận một thỏa thuận sửa đổi”, một quan chức EU giấu tên bình luận. “Song đây là một chiến thuật nguy hiểm”, một quan chức ngoại giao cấp cao của EU chia sẻ với AFP.

Hãng tin AFP bình luận rằng, EU ngày càng lo ngại về chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” về Brexit của bà May trong bối cảnh chỉ còn vài chục ngày nữa là Anh sẽ rời khối theo dự kiến. (Nguồn: BBC)

Ireland trước sức ép về biên giới

Trong khi đó, một bản tin khác của Reuters cho biết, Cộng hòa Ireland đang chịu sức ép về lựa chọn các kế hoạch biên giới trong trường hợp Brexit không thỏa thuận xảy ra. Hãng này dẫn các nguồn tin từ Brussels cho biết, EU sẽ tạo cho Ireland một vài lối thoát để thiết lập những dàn xếp mới về vấn đề biên giới với Bắc Ireland trong trường hợp xảy ra Brexit không thỏa thuận.

“Ireland có thể có được những giai đoạn chuyển giao hoặc một số hoạt động độc lập tạm thời về biên giới trong kịch bản xấu nhất”, một quan chức ngoại giao cấp cao của EU chia sẻ. Quan chức này thừa nhận rằng, Ireland sẽ sớm phải đối mặt với thực tế rằng, tồn tại một biên giới trên Ireland hoặc một biên giới giữa Ireland và phần còn lại của EU. Vì vậy, vấn đề “chốt chặn” là giải pháp cuối cùng để ngăn cản sự kiểm soát biên giới đầy đủ đối với hàng hóa vận chuyển giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.

Tuy nhiên, một quan chức EU nói rằng, trong trường hợp Brexit không thỏa thuận thì Ireland sẽ phải lựa chọn giữa việc lập một biên giới cứng với Bắc Ireland và trên thực tế rời khỏi thị trường chung EU.

(theo TTXVN)