Ảnh minh họa. (Nguồn: Istock) |
Theo The Guardian, Thủ tướng Anh Boris Johnson gần như đã đạt được thỏa thuận Brexit sau khi nhiều lần thay đổi quyết định. Để theo kịp kế hoạch của mình, ông dường như đã chấp nhận nhượng bộ đối với yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) về biên giới Ireland. Sáng ngày 16/10, các nhà đàm phán Brexit tiếp tục họp để hoàn thành nốt những khúc mắc trong kế hoạch Brexit của ông Johnson.
Theo đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã thông báo với các thành viên rằng một văn bản pháp lý sẽ được đưa ra thảo luận, xem liệu có được ký kết tại thượng đỉnh EU diễn ra vào 17 và 18/10, kịp cho phiên họp đặc biệt của Quốc hội Anh vào ngày 19/10 hay không.
Điều này có nghĩa những sắp xếp về hải quan và an ninh tại biên giới giữa quốc gia thành viên của EU là Ireland và Bắc Ireland của Anh đã cơ bản được giải quyết. Hai bên đã đồng ý với việc đặt một biên giới hải quan dọc theo biển Ireland.
Bản đề xuất mới nhất của Anh tập trung thực hiện một hình thức đối tác hải quan. Về mặt hình thức, Anh sẽ để Bắc Ireland thuộc liên minh hải quan với mình, song về bản chất, khu vực này lại hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ của liên minh hải quan EU. Thế nhưng, hệ thống hải quan này sẽ khó triển khai hiệu quả và EU lo rằng nó có thể đe dọa tính thống nhất của thị trường chung EU.
Cửa ải Quốc hội Anh
Qua được ải EU, Thủ tướng Johnson vẫn còn một cửa ải khó khăn khác cần phải vượt qua. Đó là Quốc hội Anh, bao gồm Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) và những nghị sĩ thuộc Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG), nhóm chống đối chính sách thân châu Âu trong đảng Bảo thủ Anh, trên cơ sở rằng dù thỏa thuận có như nào chăng nữa, Bắc Ireland vẫn tiếp tục thuộc lãnh thổ hải quan của Vương quốc Anh.
Điều đáng nói ở đây là thỏa thuận tương tự như của ông Johnson từng bị người tiền nhiệm Theresa May “gạch bỏ”, gọi đó là thỏa thuận mà không Thủ tướng Anh nào có thể chấp nhận. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt hiệu lực nếu trong tương lai, hai bên có thể đạt được một thỏa thuận khác về vấn đề biên giới cứng tại Ireland.
Giờ đây, tất cả chờ đợi vào liệu xem ông Johnson có thuyết phục được những nghị sĩ “bất tuân” từ chính đảng Bảo thủ và đảng DUP để thông qua bản kế hoạch ngày 16/10 hay không. Đến thời điểm hiện tại, phía DUP và ERG chưa có lời phàn nàn hay chống đối kế hoạch của ông Johnson, mặc dù trước đó, hai nhóm này đã cực kỳ nặng nề với kế hoạch tương tự của bà May. Đối với họ, bất kỳ thỏa thuận nào có khả năng tạo ra ranh giới thuế quan giữa Anh và Bắc Ireland đều khó chấp nhận.
Giấc mơ người hùng
Từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10/2019. (Ảnh: Reuters) |
Hiện tại chưa có gì là chắc chắn. Nếu không thể có được một thỏa thuận “ly hôn” với EU để trình Quốc hội ngày 19/10 tới, ông Johnson sẽ phải ngậm ngùi xin gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020 theo dự luật mà Hạ viện Anh đã thông qua. Đây được xem là nỗ lực nhằm ngăn chặn Brexit “cứng” không thỏa thuận.
Nếu mọi thứ bế tắc trong tuần này, nhiều khả năng ông Johnson sẽ thuyết phục EU mở một thượng đỉnh nữa vào cuối tháng Mười, với bản thỏa thuận hoàn chỉnh và được sự chấp nhận của 27 thành viên EU. Từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10/2019, dù có thỏa thuận hay không.
Thậm chí, kể cả khi nước Anh phải chịu một Brexit “cứng” thì ông Johnson vẫn cam lòng thực hiện. Giống những người dân Anh khác, ông đã quá mệt mỏi với cái “mê cung không lối thoát” suốt ba năm rưỡi qua mà không có một kết quả gì. Thậm chí, ông đã sử dụng lại kế hoạch cũ của bà May, người tiền nhiệm mà ông đã không ngừng chỉ trích, chỉ để đạt được đúng thời hạn.
Đó không chỉ là bản tính cá nhân, mà còn mang theo những tính toán nhất định. Ông Johnson muốn thể hiện rằng mình nói được làm được và sẵn sàng là người hùng hứng chịu mũi dùi dư luận để chấm dứt Brexit. Đồng thời, Thủ tướng Anh nhắm đến là tiếp tục tại vị, mở rộng ảnh hưởng, chuẩn bị cho tổng tuyển cử sắp tới.
Mọi dấu hiệu trong những ngày vừa qua đều cho thấy sự tích cực. Brexit có thể sẽ được hoàn tất vào cuối tuần này. Mọi thứ dường như đang trở nên có lợi cho ông Johnson sau thời gian dài tranh đấu. Đây cũng là phần quà xứng đáng cho nỗ lực suốt sáu tháng qua của Thủ tướng Anh. Chỉ với một chút cố gắng nữa, “mùa quả ngọt trái” sẽ chín, London sẽ “ly hôn” trong êm đẹp với Brussels, còn ông Johnson sẽ lần đầu được sắm vai “người hùng” sau thời gian dài bị chỉ trích.