📞

Brexit đe dọa trật tự thế giới hiện đại

10:41 | 27/06/2016
Brexit hé mở khả năng sắp diễn ra một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và các hệ tư tưởng trên toàn thế giới. 

The New York Times (Mỹ) ngày 26/6 có bài viết nhận định việc nước Anh quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ đe dọa làm tan rã khối này mà còn đặt ra một nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là trật tự thế giới hậu năm 1945 do Mỹ và các đồng minh của Mỹ đề ra có thể cũng sẽ bị tan rã. 

Tranh biếm họa về xu thế rời bỏ EU hậu Brexit. (Nguồn: The Guardian)

Khởi đầu cho sự suy yếu

Theo tác giả nhận định, sự kiện Brexit sẽ chỉ là một trong nhiều diễn biến có liên quan đến nhau hé mở khả năng sắp diễn ra một cuộc sắp xếp lại quyền lực, các mối quan hệ kinh tế, các đường biên giới và các hệ tư tưởng trên toàn thế giới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm xói mòn lòng tin vào những học thuyết kinh tế tự do. Chủ nghĩa dân túy trở nên phổ biến trên khắp phương Tây. Các đường biên giới ở Trung Đông bị xói mòn do sự nổi lên của những cuộc xung đột phe phái. Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán còn nước Nga thì hành xử phiêu lưu hơn. Những dòng người tị nạn đông kỷ lục từ những vùng đất nghèo và bị chiến tranh tàn phá vượt đất liền và biển để đến những vùng đất hứa mà họ biết đến thông qua những phương tiện thông tin hiện đại. Tất cả những điều này đặt ra thách thức chưa từng có đối với những thể chế và những liên minh phương Tây được hình thành sau Chiến tranh thế giới Hai và gần như thống trị thế giới từ đó đến nay.

Nước Anh là một trụ cột cũng như là một bên hưởng lợi trong trật tự đó. Quốc gia này có một vị trí quan trọng tại Liên hợp quốc (LHQ), đóng một vai trò trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Giờ đây, nước Anh tượng trưng cho những rạn vỡ của nền móng hậu chiến. Việc quốc gia này rút khỏi EU làm suy yếu vị thế của một liên minh sở hữu thị trường chung lớn nhất thế giới cũng như là một mỏ neo của nền dân chủ toàn cầu. Sự kiện này cũng làm suy yếu sự thống nhất thời hậu chiến mà các quốc gia đồng minh cần đến để duy trì sự ổn định cũng như làm dịu bớt chủ nghĩa dân tộc từng đẩy châu Âu vào một cuộc xung đột đẫm máu- đúng vào lúc chủ nghĩa dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Ảnh chụp tượng Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill - người dẫn dắt nước Anh trong Thế chiến II, và Tháp đồng hồ Big Ben tại trung tâm thủ đô London. (Nguồn: Reuters)

"Tứ cường" đã làm gì ?

Một động thái đáng chú ý là sáng 25/6, hai ngày sau khi nước Anh tiến hành trưng cầu dân ý về Brexit, ngân hàng phát triển quốc tế mới của Trung Quốc tổ chức cuộc họp đầu tiên của 57 quốc gia thành viên. Thể chế mới có tên Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) có sứ mệnh tạo cho Trung Quốc cơ hội để giành ảnh hưởng từ WB và IMF. "Trong lịch sử chưa bao giờ có đế chế nào có thể cai trị thế giới vĩnh viễn", tân Chủ tịch của ngân hàng này, ông Kim Lập Quần, đã từng viết về Mỹ và các đồng minh phương Tây của Washington như vậy.

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 25/6 tiến hành một loạt cuộc hội đàm để cân nhắc phản ứng trước sự ra đi của nước Anh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nghênh đón Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm ngắn cấp nhà nước tới Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, Nga đã có nhiều chiến lược cạnh tranh với châu Âu. Theo giới phân tích, cuộc bỏ phiếu của nước Anh là món quà bất ngờ cho ông Putin. 

Sự chấm dứt của "nền hòa bình Mỹ" không phải là chủ đề mới. Những dự đoán về sự sa sút của nước Mỹ đã rộ lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 và 2008, và song song với đó là những dự đoán về bình minh của một thế kỷ Trung Quốc mới. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã dần phục hồi trong khi Trung Quốc khiến các quốc gia châu Á láng giềng quan ngại do chính sách đối ngoại quyết liệt mới. Trung Quốc đã khiến Mỹ tái can dự vào châu Á thông qua chiến lược mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là xoay trục về châu Á. 

Vậy liệu có phải chính sách xoay trục dẫn đến hậu quả là nước Mỹ lơ là sự quan tâm vào các vấn đề của châu Âu và góp phần gây ra những vấn đề hiện nay của khu vực?Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa của chính sách này là nhằm khiến Mỹ thoát ra khỏi hàng thập niên can dự đầy tốn kém vào Trung Đông đúng vào lúc khu vực này đang rối ren. Những cuộc xung đột tại Trung Đông đã dẫn đến làn sóng người di cư khổng lồ từ khu vực này tràn sang châu Âu. Các quốc gia châu Âu đã dựng lên những hàng rào biên giới. Các đảng dân túy phản đối người nhập cư. Nước Anh tương đối được cách ly, song những chính khách Anh chủ trương rời khỏi EU đã mô tả là hòn đảo này đang bị bao vây giữa dòng người nhập cư tràn vào các quốc gia EU. Chính tâm lý chống người nhập cư cùng với những lo lắng về kinh tế đã khiến nhiều người Anh muốn rút khỏi EU. 

Brexit không chỉ là câu chuyện của riêng châu Âu mà còn là của toàn thế giới. (Nguồn: Press for Truth)

Liên minh sa sút

Sau sự lựa chọn của nước Anh, châu Âu đang phải đối diện với thách thức vừa duy trì sự đoàn kết vừa duy trì ảnh hưởng trên thế giới. NATO đã tìm lại được mục đích của mình sau cuộc can thiệp của Nga vào Ukraine. Tuy nhiên, các nước vùng Baltic vẫn lo ngại việc liệu liên minh quân sự này có thực sự bảo vệ họ nếu như họ bị Nga xâm lược hay không và liên minh này đang gặp rắc rối trong việc xác định vai trò của họ trong cuộc chiến chống khủng bố hay xử lý dòng người nhập cư. 

Nước Anh là một thành viên quan trọng của NATO, song nếu như nền kinh tế của họ bị suy yếu do quyết định rút khỏi EU, các nhà lãnh đạo có thể bị dân chúng gây áp lực đòi cắt giảm chi tiêu quân sự. Trong khi đó, Donald Trump, người gần như chắc chắn sẽ được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đã đặt câu hỏi liệu NATO có còn cần thiết như trước đây hay không. 

Không khó tìm ra những dấu hiệu về sự sa sút của châu Âu. Tổ chức tư vấn Boston (Mỹ) năm ngoái cho biết lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, châu Á có nhiều tài sản tư nhân hơn so với châu Âu và Trung Quốc sẽ chiếm 70% tăng trưởng của châu Á trong khoảng từ nay đến năm 2019. Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore, từng ví EU như một đám rước hỗn tạp cố gắng diễu hành theo một điệu trống chung. Ông đã dự đoán rằng khối này sẽ tan rã.

(theo The New York Times)