📞

Brexit – Sự kết thúc của toàn cầu hóa?

17:03 | 04/07/2016
Với sự kiện Brexit, đã đến lúc xem lại cái giá của toàn cầu hóa đối với không chỉ các quốc gia mà còn với các cá nhân.

Vẫn còn chưa rõ ràng Anh sẽ tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) như thế nào. Tuy nhiên, việc người dân Anh bỏ phiếu rời liên minh châu Âu (Brexit) đã là một trở ngại cho những người ủng hộ tự do thương mại. Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người ở các nước nghèo nhất thế giới.

Những lý do để Anh bỏ phiếu rời khỏi EU rất đa dạng, từ bất mãn với sự quan liêu của Brussels đến nỗi sợ hãi về dòng người người nhập cư. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, rõ ràng Brexit đánh dấu sự rút lui đầu tiên khỏi toàn cầu hóa kể từ Thế chiến thứ hai.

Kharas: "Chúng ta cần toàn cầu hóa tốt hơn". (Nguồn: DW)

Homi Kharas, Phó Giám đốc Chương trình Kinh tế toàn cầu và Phát triển tại Viện Brookings, một cơ quan nghiên cứu chiến lược có trụ sở ở Washington cho rằng: "Lần đầu tiên, một nền kinh tế lớn lên tiếng: Chúng ta sẽ tự làm những việc của mình tốt hơn và đưa ra quyết định của riêng của chúng tôi". "Đó là một cú sốc đối với hệ thống (ám chỉ EU)", ông Homi Kharas nói.

70 năm qua, toàn cầu hóa được xem như là câu trả lời cho các vấn đề của thế giới. Thương mại quốc tế, các dòng vốn và sự di chuyển qua biên giới của người dân tăng đều đặn.

Có một sự đồng thuận rằng toàn cầu hóa tốt cho tất cả các nước - giàu cũng như nghèo. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều đó. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ dường như cũng chứng minh quan điểm đó. Và EU, với mô hình thị trường duy nhất và sự di chuyển tự do của người dân là "tấm gương sáng" của xu hướng này, ông Kharas lưu ý.

Không phải tốt cho tất cả mọi người

Nhưng những người ủng hộ toàn cầu hóa có xu hướng tập trung vào bức tranh lớn, không phải trên phương diện cá nhân và nhìn nhận của họ. "Các nhà kinh tế luôn nói rằng, các quốc gia hưởng lợi từ toàn cầu hóa", Kharas nói. "Và họ đã luôn luôn giả định rằng các quá trình chính trị trong mỗi nước sau đó sẽ tìm ra một cách để phân phối những lợi ích".

Vì vậy, nếu một nghiên cứu cho thấy các hộ gia đình ở Mỹ kiếm được hơn 10.000 USD mỗi năm do hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, nó không đề cập đến cách thức của cải được phân phối. Bởi vì trong bức tranh lớn hơn, dường như nhiều người chưa quan tâm đúng mức đến hậu quả của việc các nhà máy phải đóng cửa ở một quốc gia  bởi vì có thể một nhà máy sẽ được khai trương ở một quốc gia khác với nhiều việc làm hơn và công việc tốt hơn cho những người khác.

Chính phủ có thể cố gắng bù đắp những tác động tiêu cực của việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, tình trạng thất nghiệp và thiếu giáo dục, thông qua tăng cường đầu tư, các chương trình đào tạo, các loại thuế cùng các biện pháp khác.

Nỗi sợ nhập cư

Bất bình đẳng ngày càng tăng dẫn đến sự bất mãn. Thêm vào đó là một nỗi sợ hãi ngày càng tăng về ảnh hưởng của những người nhập cư, đặc biệt là trong số những người  trình độ kém. Kharas gọi điều này là "con dao thứ hai thâm nhập toàn cầu hóa."

Tuy nhiên, Kharas không tin rằng chính sách tị nạn tự do của chính phủ Đức đã ảnh hưởng đến việc người Anh bỏ phiếu rời khởi EU. Ông lập luận: Nhập cư là một vấn đề ở Vương quốc Anh trong một thời gian rất dài. "Tôi đã ở Anh vào cuối những năm 1960. Năm mươi năm trước đây, nó đã là một vấn đề. Sự khác biệt duy nhất là trước đó những người nhập cư đến chủ yếu từ Nam Á và Tây Ấn, trong khi hiện tại một tỷ lệ đáng kể trong số đó là từ Đông Âu”.

“Chiến thắng của Brexit đánh dấu việc lần đầu tiên một nền kinh tế tiên tiến thời hậu Thế chiến thứ hai rút khỏi một khu vực tự do thương mại chứ không phải chuyển sang gia nhập một tổ chức khác tốt hơn. Việc Anh bỏ phiếu rời EU sẽ đẩy nhanh quá trình trỗi dậy của quan điểm chính trị dân túy, phản đối tự do thương mại tại các nước châu Âu cũng như trên thế giới”. (Wall Street Journal)

Dù vậy, cuộc bỏ phiếu Brexit đã là một tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh chống toàn cầu hóa đang tăng lên, theo như Gary Clyde Hufbauer, thành viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế quốc tế.

Trong một bài báo gần đây, Hufbauer cho rằng "Ngay cả trước khi Brexit, Vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới đã chết, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải đối mặt với rào cản chính trị, và các biện pháp bảo hộ mọc lên như bồ công anh mùa hè".

Tại châu Âu, Hiệp định thương mại tự do với Mỹ - Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Thái Bình Dương (TTIP) - và  ở Canada - Hiệp định toàn diện Kinh tế và Thương mại (CETA)  - đang gây nhiều tranh cãi.

Toàn cầu hóa chậm lại

Theo Kharas, nếu xu hướng này tiếp tục, các nước nghèo sẽ thiệt thòi nhất. "Các nước đang phát triển đã được hưởng lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa", Kharas nhận định và liệt kê các ví dụ như công việc tốt hơn, đầu tư nhiều hơn và tập trung lớn về tầm quan trọng của sức khỏe và giáo dục.

Truyền thông Anh viết về Brexit. (Nguồn: DW)

Nếu kết quả Brexit dẫn đến xu hướng toàn cầu hóa chậm hơn trên toàn thế giới thì nó sẽ là một vấn đề đối với các nước đang phát triển và người dân nghèo ở các nước đang phát triển",  Kharas nhấn mạnh.

Đối với Kharas, giải pháp nằm ở việc quản lý toàn cầu, trong đó duy trì sự ủng hộ của đa số người dân ở các nước giàu. "Chúng ta không cần toàn cầu hóa nhanh hơn hoặc chậm hơn. Chúng ta cần toàn cầu hóa tốt hơn".

Toàn cầu tốt hóa hơn cũng có nghĩa là một hệ phân phối lại lợi ích tốt hơn. Điều trớ trêu là phần lớn bộ máy của EU tại Brussels cho rằng họ đang làm chính xác điều đó, với sự giúp đỡ của các chương trình quy mô lớn về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp và giáo dục.

(theo DW)