Cơ chế siêu quốc gia “có lỗi”
Thế giới đang dõi theo quyết định của người Anh về số phận của đất nước mình trong Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6. Quyết định ấy không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của liên minh 28 nước thành viên này mà còn tác động đối với các liên minh nước ngoài.
Đã có những suy đoán cho rằng cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ góp phần tạo ra biến động ngắn hạn trong thị trường tiền tệ. Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan) gần đây nhận định, nếu nước Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit), đồng Baht có thể bị suy yếu so với USD để phản ứng với sự mất giá dự kiến của Bảng Anh.
Tuy nhiên, tác động của việc này đến thương mại và đầu tư Thái Lan không đáng kể, bởi xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm 2% tổng lượng xuất khẩu. Theo báo cáo mới công bố của Siam, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Thái Lan ở Anh cũng chỉ chiếm 4,4% tổng vốn FDI của Thái Lan.
Câu hỏi liệu Anh sẽ đi hay ở lại EU sắp có câu trả lời. (Nguồn: Telegraph) |
Việc Anh rời khỏi EU cũng sẽ gây nên sự hoài nghi cho các nước châu Âu về mô hình EU khác, tạo đà cho những cuộc thoát ly tương tự. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này cũng sẽ mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc đối với ASEAN, khu vực mà trong quá trình hội nhập đã ít nhiều được truyền cảm hứng bởi mô hình EU.
Do Anh đã phải trải qua một thời gian dài kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao nên người dân nước này phải hoài nghi về vị trí của đất nước trong EU. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người ủng hộ cho việc ở lại và ra đi gần như là ngang bằng nhau.
Đối với ASEAN, sự hình thành một khu vực đồng tiền chung trong tương lai gần như là điều khó xảy ra. Nhưng tương tự EU, các nước ASEAN thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) trong những năm đầu thập niên 1990, AFTA tạo điều kiện để các nước thành viên hưởng lợi từ thương mại và đầu tư nội khối. Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đầu năm nay cũng đánh dấu một nỗ lực thúc đẩy sự tự do hóa thương mại và dịch vụ trong Hiệp hội.
Trong giai đoạn quá trình hội nhập diễn ra suôn sẻ, khái niệm hội nhập khu vực đã trở nên phổ biến ở cả châu Âu lẫn Đông Nam Á và thu hút các thành viên mới háo hức tham gia. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, các vấn đề mới nổi như di cư đã khiến người dân bắt đầu đổ lỗi cho cơ chế siêu quốc gia.
Cựu thị trưởng London Boris Johnson, người đứng đầu chiến dịch vận động ủng hộ "Brexit" cho rằng nước Anh sẽ không có lợi khi ở lại EU. Ông nói: "Những rủi ro của việc ở lại trong cái cỗ máy quá tập trung, lạm dụng điều tiết và đánh mất việc làm này ngày càng trở nên rõ ràng hơn".
Kết quả thăm dò của hãng IG ngày 21/6 cho thấy 45% cử tri ủng hộ Anh ở lại EU, trong khi tỷ lệ Brexit là 44%. (Nguồn: AP) |
Hiệp hội vì lợi ích cộng đồng
Đối với các nhà lãnh đạo ASEAN đang cố gắng để Hiệp hội tiến lên phía trước, "Brexit" có thể đem đến một số bài học.
Trước hết, bởi các nhà lãnh đạo đang thúc đẩy hợp tác khu vực theo chiều từ trên xuống. Do đó, việc tích cực truyền bá những lợi ích và chứng minh cho sự tồn tại của ASEAN ở cấp cơ sở có vai trò sống còn đối với Hiệp hội.
Thay vì chỉ đơn thuần là một diễn đàn để “nói chuyện”, ASEAN phải cho công dân của mình biết vai trò Hiệp hội thông qua giải quyết các vấn đề chung, điều tiết kinh tế khu vực và đảm bảo quyền lợi của người dân. ASEAN cũng có thể đóng vai trò lớn trong việc giúp đỡ các nước đối phó với vấn đề xuyên biên giới, chẳng hạn như di cư, nạn buôn bán người hoặc an ninh hàng hải.
Tuy nhiên cho đến nay, tính thống nhất trong ASEAN còn tương đối lỏng lẻo, cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc hồi tuần trước có thể là một ví dụ điển hình. Các Bộ trưởng ASEAN đã quyết định rút lại tuyên bố chung có thể giúp xây dựng trật tự khu vực ở Biển Đông. Thực tế này dấy lên câu hỏi về vai trò của ASEAN trong giải quyết các vấn đề cấp khu vực. Chắc chắn, các quốc gia sẽ chỉ muốn tham gia một tổ chức khu vực khi họ cảm thấy tổ chức đó có giá trị thực tế và có ý nghĩa.