📞

Bức thông điệp của Nam Phương Hoàng Hậu gửi phụ nữ thế giới

08:00 | 08/10/2016
Nhân dịp sắp tới ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam (20/10), TG&VN xin giới thiệu bức thông điệp mà Nam Phương Hoàng Hậu đã gửi phụ nữ thế giới, kêu gọi chống thực dân Pháp.

Sáng ngày 7/8/1945 trong lúc chờ đợi để trao ấn kiếm của Vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn (đã thoái vị ngày 30/8/1945) cho chính quyền Cách mạng, Hoàng Hậu Nam Phương đã tự nguyện sai người mang chiếc mũ Cửu Phượng có đính 9 con phượng bằng vàng của Hoàng Hậu ra nhờ ông Phạm Khắc Hoè giao nộp cho chính quyền Cách mạng. (1)

Hoàng Hậu Nam Phương trong triều phục, 1934. (Nguồn: Wikipedia)

Sau thời gian đó, bà Nam Phương được tin quân đội Pháp trở lại khôi phục chế độ thuộc địa ở nước ta, bà rất đau lòng. Với tư cách một cựu Hoàng Hậu, một phụ nữ của nước Việt Nam độc lập, bà đã viết một thông điệp gửi bạn bè phụ nữ trên thế giới, kêu gọi đấu tranh chống thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ. Toàn văn bản thông điệp như sau:

“Nước Việt Nam đã được giải phóng khỏi ách nô lệ của Đế quốc Pháp và Nhật Bản”.

Khi thoái vị, chồng tôi, Cựu hoàng Bảo Đại, đã tuyên bố: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Bản thân tôi, cũng đã từ bỏ không thương tiếc những đặc quyền của một bà hoàng hậu, đoàn kết cùng chị em phụ nữ để giúp gìn giữ nền độc lập thiêng liêng của nước nhà.

Trong giờ phút này máu đang chảy trên đất Nam bộ, cái nôi thời thơ ấu của tôi. Biết bao sinh linh đã bị thiêu đốt bởi lòng tham đầy tội ác của một số thực dân Pháp được hậu thuẫn bởi một số quân Anh hành động đi ngược lại huấn thị của đồng minh.

Tôi kêu gọi tất cả những ai đã đau khổ vì những tội ác gây nên bởi cuộc Đại chiến mới rồi hãy hành động để chấm dứt sự hung bạo không có tên gọi đang hoành hành trên đất nước tôi.

Thay mặt cho mười ba triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả những thân hữu của tôi, bạn bè của nước Việt Nam, hãy bênh vực cho tự do.

Đòi hỏi các chính phủ của quý vị can thiệp nhằm thiết lập một nền hoà bình chân chính công minh, là quý vị đã tuân theo các trách nhiệm khẩn cấp của con người, và đón nhận lòng biết ơn toàn vẹn của tất cả đồng bào chúng tôi.

Bà Vĩnh Thụy - Cựu Hoàng Hậu Nam Phương". (2)

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, để lo liệu kinh phí cho rất nhiều nhu cầu, nhất là cuộc kháng chiến Nam bộ, Nhà nước ta đã công khai tổ chức những tuần lễ vàng, Tuần lễ bạc, Tuần lễ đồng và kêu gọi toàn dân thực hiện hũ gạo đồng tâm.

Và, ngày 17/9/1945, tại bờ Nam sông Hương đã tổ chức khai mạc Tuần lễ vàng. Nam Phương Hoàng Hậu được mời tới dự. Bà là người đầu tiên được dược sĩ Phạm Doãn Điềm (trưởng ban Tài chính tỉnh Thừa Thiên) mời góp vàng để nuôi quân và mua súng đạn. Bà đã bỏ tất cả số vàng đang trang sức đặt trước mặt viên thư ký. Bà được viên thư ký trao tờ biên lai do chính dược sĩ Phạm Doãn Điềm ký. Bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng. Tuần lễ vàng kéo dài đến ngày 24/9/1945. Noi gương bà người dân Huế đi hiến vàng rất đông. Dân Huế đã góp được 925 lượng vàng. (3)

Trong bài “Cuộc đổi đời của dân tộc ta” của ông Trường Chinh cũng ghi lại một mẩu chuyện về bà Nam Phương:…“Nam Phương, vợ Bảo Đại, cũng có một cử chỉ đẹp khi một tên phản động đến khuyên (bà) tham gia chống Chính phủ Cách mạng. Bà không trả lời mà đi đến chiếc đàn Piano để ở góc nhà dạo khúc nhạc đầu bài Tiến quân ca”.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), bà Nam Phương cùng các con rời Huế đi Pháp. Tuy bà ra đi, nhưng chúng ta tin rằng, những kỷ niệm của thời cách mạng mới thành công vẫn không phai mờ trong ký ức của Hoàng Hậu Nam Phương.

  1. Theo Phạm Khắc Hòe, từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc.
  1. Ho-Chi-Minh Abd-El-Krim của Jean Renaud do Guy Baussac xuất bản năm 1949 tại Paris (tr.234 đến 235) (Theo tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân).
  1. Theo báo Quyết Chiến.
Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu