Ra đời năm 2001, SCO là một tổ chức an ninh và kinh tế khu vực gồm 6 thành viên Nga, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Năm 2005, SCO thông qua việc cấp quy chế quan sát viên cho các nước gồm Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ. Sri Lanka, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ là các đối tác đối thoại.
SCO được thành lập với mục tiêu tạo một nhóm an ninh phi phương Tây nhằm đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dưới sự dẫn dắt của Nga và Trung Quốc, SCO thường được mệnh danh là NATO của châu Á. Trong những năm qua, SCO dường như “chìm” hơn rất nhiều so với một NATO hoạt động sôi nổi trong cuộc đối đầu với Nga. Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh sắp tới, mọi việc có thể thay đổi.
Thay đổi cuộc chơi toàn cầu
Lần đầu tiên, SCO sẽ chính thức mở rộng với việc chào đón hai thành viên mới là Ấn Độ và Pakistan. Việc hai nước này gia nhập SCO không chỉ mang ý nghĩa mở rộng về địa lý mà còn giúp tổ chức này tăng sức nặng về địa chính trị và sức ảnh hưởng trên toàn cầu. SCO sẽ trở nên lớn mạnh hơn và tiến gần hơn tới việc trở thành một diễn đàn xuyên Á.
Có thêm hai thành viên Ấn Độ và Pakistan, tổng dân số của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ gần 3,5 tỉ dân (chiếm khoảng một nửa dân số thế giới) và tổng GDP của nhóm này sẽ vượt quá 25% tổng GDP toàn cầu. Như vậy, SCO sẽ trở thành tổ chức hợp tác khu vực lớn nhất và đông dân nhất thế giới. SCO sẽ trở thành nền tảng của hợp tác chính trị và kinh tế của khu vực Á-Âu và là một tổ chức có thể thay đổi cuộc chơi trên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2016 tại Tashkent, Uzbekistan. (Nguồn: Kremlin.ru) |
Về an ninh, SCO có cơ hội đẩy mạnh hợp tác theo hướng hiệu quả hơn nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan. Về kinh tế, đối mặt với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, SCO đang hướng tới việc tuân thủ và ủng hộ chế độ tự do thương mại đồng thời tạo thuận lợi cho tiến trình hội nhập kinh tế. Ngoài ra, mở rộng SCO sẽ giúp đem đến một cấp độ hội nhập cao hơn, sâu hơn cho khu vực Á - Âu. 8 nước thành viên SCO sẽ tạo thành một vòng tròn kín và hoàn thiện các tuyến đường giao thông bao quanh toàn bộ khu vực châu Á và Đông Âu.
Một tổ chức SCO mở rộng với sức nặng và tầm ảnh hưởng lớn cùng sự có mặt của ba cường quốc lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đem lại cơ hội giải quyết các thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, chạy đua vũ trang, đói nghèo, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên, biến đối khí hậu…
Giải quyết mâu thuẫn nội bộ
Tuy nhiên, thách thức đối với SCO là không ít. Để trở thành một tổ chức mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn và có tầm ảnh hưởng tương xứng với quy mô mới, SCO phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ. Các thành viên SCO cần có cách tiếp cận theo 2 cấp độ để trở thành một nhóm thành công trong khu vực.
Ở tầm vĩ mô, SCO phải hình thành được một tầm nhìn chung, xóa bỏ mâu thuẫn và đạt được sự tin cậy lẫn nhau, đặc biệt giữa Nga - Trung Quốc. Rõ ràng, giữa hai cường quốc đang dẫn dắt SCO đang có cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ngay trong tổ chức này. Trong khi đó, Nga và Ấn Độ có mối quan hệ gắn bó và thân thiết, vì thế sự có mặt của Ấn Độ trong SCO sẽ giúp Moscow nâng cao vị thế trong khi ảnh hưởng của Bắc Kinh được cho là sẽ suy giảm.
Tranh chấp tại khu vực Kashmir vẫn là cái gai trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan. (Đồ họa: BBC) |
Ở cấp độ vi mô, các vấn đề song phương và khu vực giữa các nước thành viên cần phải được giải quyết, ví dụ như cuộc đối đầu Ấn Độ-Pakistan về vấn đề Kashmir hay tranh chấp biên giới Ấn Độ-Trung Quốc… Quan hệ giữa hai nước láng giềng Ấn Độ-Pakistan là một thách thức với SCO nhưng với việc hai nước được kết nạp vào SCO, đây là cơ hội để họ có thể giải quyết mâu thuẫn nhức nhối kéo dài nhiều thập kỷ qua. Giáo sư Lin Minwang (Đại học Phúc Đán – Trung Quốc) cho rằng: “SCO không phải là nơi để Ấn Độ và Pakistan cãi nhau mà là một sân chơi để các nước thành viên giải quyết tranh chấp”.
Ngoài kết nạp hai thành viên mới, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác chống khủng bố, hội nhập và phát triển kinh tế. Đặc biệt, hội nghị SCO cũng sẽ bàn về việc kết nạp thêm thành viên Iran và mở cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Afghanistan. Điều này cho thấy SCO đang hướng tới mục tiêu tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng trên sân khấu quốc tế.