Trong hai ngày 22-23/3, EU sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các vấn đề “nóng” của khối hiện nay, đặc biệt là việc thỏa thuận giữa EU và Vương quốc Anh giai đoạn hậu Brexit.
Vượt qua vướng mắc
Trước thềm hội nghị, Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, cả EU và Anh đã không còn điểm vướng mắc nào “không thể vượt qua” trong quá trình đàm phán thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng, từ tháng 3/2019 đến tháng 12/2020. Trong thời gian này, nước Anh sẽ vẫn được giữ nguyên quyền tiếp cận vào thị trường đơn nhất châu Âu. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã nhất trí về các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề kiều dân và thanh toán tài chính.
Thủ tướng Anh Theresa May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude-Juncker gặp nhau hồi tháng 12/2017. (Nguồn: EUObserver) |
Đây được xem như một thắng lợi đầy ý nghĩa đối với chính phủ Thủ tướng Anh Theresa May và là nền tảng quan trọng cho quá trình “xứ sở sương mù” rời khỏi mái nhà chung EU. Dù vậy, để đạt được quyền lợi này, chính phủ Anh đã phải từ bỏ hầu như mọi yêu sách đưa ra trước đó. Cụ thể, trong giai đoạn chuyển tiếp, Anh sẽ phải đóng góp nghĩa vụ tài chính cho châu Âu, nhưng lại bị tước hết quyền bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu cũng như không được giữ các ghế Ủy viên Ủy ban châu Âu (EC) hay nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu (EP).
Theo nhận định của giới phân tích, sở dĩ phía Anh phải nhượng bộ là do sức ép của giới doanh nghiệp Anh đang rất lớn. Các doanh nghiệp này lo ngại, nếu không có giai đoạn quá độ đủ dài để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mới với EU, nền kinh tế Anh sẽ rơi vào khoảng trống hậu Brexit với các hậu quả khó lường.
Đối với vấn đề Ireland, phía Anh đã nhất trí sẽ đảm bảo để Bắc Ireland vẫn nằm trong khối thị trường chung đơn lẻ và liên minh thuế quan EU. Trong tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney nhận định đàm phán Brexit đã đạt được “tiến triển tốt đẹp”. Theo ông Coveney, dù vẫn còn nhiều việc phải làm, cam kết và nỗ lực của các bên nhằm tìm giải pháp cho vấn đề đường biên giới với Bắc Ireland đã được thể hiện rõ ràng trong dự thảo thỏa thuận công bố ngày 19/3.
Định hình tương lai quan hệ
Hiện nay, vấn đề đang làm “nóng” tiến trình đàm phán EU - Anh là quan hệ của Anh với phần còn lại của thế giới thời hậu Brexit. Cho dù Thủ tướng May có đạt được một thỏa thuận để duy trì phần lớn nguyên trạng sau khi Anh rời khỏi EU, việc “tái tạo” một loạt hiệp định định hình quan hệ của Anh với hàng chục nước khác vẫn là điều khó khăn. Một khi Anh chính thức rời khỏi EU, nước này có nguy cơ mất hàng trăm hiệp định có lợi cho mình, bao gồm mọi lĩnh vực từ hợp tác hạt nhân và thương mại tự do đến quyền hàng không. Cách các hiệp định này được kéo dài, thiết lập lại hay thay thế trong thời hậu Brexit sẽ là cuộc tranh cãi lớn ở EU trong các tháng tới.
Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU tại Brussels hồi tháng 2 năm nay, lãnh đạo các nước thành viên của liên minh đã cho thấy sự chia rẽ trước yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống ngân sách mà nước Anh bỏ lại khi rời EU, ước tính khoảng 12-15 tỷ Euro mỗi năm. Chỉ có 14-15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, trong khi các quốc gia thành viên còn lại vẫn chưa quyết định hoặc phản đối.
Một số nước cho rằng EU cần phải hiệu quả hơn trong việc phân phối tài chính và một số chi phí có thể cần phải thay đổi. Riêng các quốc gia Đông và Nam Âu đã bày tỏ sự phản đối trước khả năng cắt giảm ngân sách dành cho một số chương trình của EU. Kế hoạch ngân sách của EU với quy mô gần 1.000 tỷ Euro cho thời hạn 7 năm sẽ kết thúc vào năm 2020 và các nhà lãnh đạo liên minh đang phải cân nhắc một kế hoạch chi tiêu dài hạn cho giai đoạn kế tiếp, bắt đầu từ năm 2021.
Có thể thấy, mặc dù gặp một số bất đồng giữa các nước thành viên song EU cũng không muốn gây căng thẳng với Anh nhằm đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra êm thấm. Chính phủ của Thủ tướng May là đối tác đàm phán đáp ứng được hầu hết các yêu cầu mà EU đặt ra. Về phần mình, những kết quả đạt được cho đến thời điểm hiện tại được xem là “quả ngọt” cho những nỗ lực bền bỉ đàm phán Brexit của Thủ tướng Anh. Việc phía Anh chấp nhận nhiều nhượng bộ đối với EU cho thấy quyết tâm của bà May trong việc tạo ra đột phá cho đàm phán Brexit trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU tháng 3 năm nay. Rõ ràng, kịch bản “không đạt được thỏa thuận chuyển tiếp” sẽ chỉ đặt thêm gánh nặng lên chính phủ của bà May, đồng thời đe dọa ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Anh trong những năm tới.
Trong bối cảnh nói trên, Hội nghị thượng đỉnh EU tuần này sẽ giúp cả Anh lẫn EU định hình rõ hơn về mối quan hệ giữa hai bên. Bởi lẽ, dù muốn hay không, cả London và Brussels vẫn cần phải hợp tác chặt chẽ vì lợi ích riêng, cũng như vị thế kinh tế và chính trị của châu Âu nói chung.