Căn cứ quân sự được đặt tại phía Bắc đảo Kolteny là một trong những tiền đồn quân sự mới nhất của Nga, nằm trong môi trường khắc nghiệt nhất hành tinh. Hòn đảo nằm giữa biển Laptev và biển Đông Siberia, là một trong 50 hòn đảo có diện tích lớn nhất thế giới. Căn cứ này có tên là Severny Klever (nghĩa là Cỏ ba lá phía bắc) dựa vào hình dạng của nó và được sơn màu trắng, xanh da trời và đỏ, như màu trên quốc kỳ Nga.
Pháo đài trên biển băng
Căn cứ được xây dựng theo kiểu khu phức hợp hình ba lá khép kín, gồm trung tâm điều hành, khu nhà ở, nhà kho chứa vũ khí, thực phẩm. Nhân viên làm việc tại đây có thể di chuyển dễ dàng giữa các tòa nhà mà không phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, trừ khi họ làm nhiệm vụ ngoài trời.
Căn cứ được sơn màu trắng, xanh da trời và đỏ, như màu trên quốc kỳ Nga. (Nguồn AP) |
Nó được xây dựng để là nơi đóng quân của hơn 250 quân nhân chịu trách nhiệm duy trì các hệ thống giám sát dưới biển, trên không, phòng thủ bờ biển như các tên lửa chống hạm và có đủ nhu yếu phẩm cho họ tồn tại độc lập trong vòng một năm mà không cần sự giúp đỡ từ thế giới bên ngoài.
Hạm đội Phương Bắc thuộc Hải quân Nga là đơn vị đang đóng quân ở đây. Họ đã bắt đầu nhiệm vụ của mình từ năm 2016. Căn cứ được thiết kế để binh lính có thể di chuyển khắp căn cứ mà không phải đi ra ngoài trời - một biện pháp phòng ngừa hữu ích ở khu vực mà nhiệt độ thường tụt xuống -50 độ C trong mùa đông và ngay cả mùa hè cũng xuống mức đóng băng vào ban đêm.
Căn cứ này được trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion, sử dụng tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-800 Oniks, tầm bắn hơn 300 km và hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Pantsir S1 độc đáo với sự kết hợp giữa 2 pháo bắn siêu nhanh 30 mm và 12 tên lửa đất đối không. Chúng đã được cải tiến để thích nghi và có thể hoạt động trong môi trường -50 độ C. Nga cũng đang xem xét cải tiến hệ thống phòng không tầm xa S-400 nổi tiếng của mình để có thể hoạt động được ở Bắc Cực. Ngoài ra, Quân đội Nga cũng đang xem xét xây dựng thêm một căn cứ không quân trên đảo.
Căn cứ được thiết kế thông nhau để binh lính có thể di chuyển khắp căn cứ mà không phải đi ra ngoài trời. (Nguồn: Spetsstroy.ru) |
“Cỏ ba lá” là một trong 3 căn cứ mới của Nga trên vĩ tuyến 75 trên Vòng cung Bắc Cực và là một phần trong những nỗ lực thể hiện sức mạnh quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên bờ biển Bắc Cực rộng lớn. Quân đội Nga cho biết họ đã xây dựng được 475 căn cứ quân sự trong sáu năm qua, trải dài từ biên giới phía Tây giáp NATO đến Eo biển Bering ở phía Đông.
Căn cứ có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nga trong một khu vực đang nhanh chóng trở thành điểm nóng địa chính trị trong số các quốc gia có yêu sách đối với các vùng lãnh thổ Bắc Cực. Giới phân tích quân sự nhận định căn cứ này có vị trí chiến lược trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện của Nga tại Bắc Cực. Hiện, Nga đang kiểm soát khoảng 50% bờ biển ở Bắc Cực. Cuộc đua hiện diện ở Bắc Cực đang nóng lên vì trữ lượng dầu mỏ khổng lồ tại khu vực này.
Khi quân sự đi đôi với lợi ích quốc gia
Có một lời giải thích rõ ràng cho cuộc đua hiện diện tại vùng đất khắc nghiệt này. Đó là tài nguyên. Bắc Cực là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên khổng lồ. Dự kiến, do Trái đất đang ngày một nóng lên khiến tốc độ băng tan ở Bắc Cực ngày càng nhanh, người ta sẽ dễ dàng tiếp cận được với nguồn tài nguyên khổng lồ này. Đơn giản hơn nữa, mỏ dầu trên đất của ai, người đó có quyền khai thác.
(Nguồn: AP) |
Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả Bắc Cực là khu vực quan trọng cho tương lai của Nga. Moscow đã lập Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực để cụ thể hóa tham vọng này. Tổng thống Putin đã yêu cầu tăng gấp 10 lần lưu lượng vận tải biển qua Biển Bắc vào năm 2024.
Nga cũng đang siết chặt Tuyến đường biển phía Bắc, thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Nga và giúp giảm 40% thời gian di chuyển từ châu Âu sang châu Á so với tuyến kênh đào Suez. Trong tháng 4, Moscow tuyên bố rằng các tàu nước ngoài đi qua khu vực này sẽ được yêu cầu nộp thông báo trước 45 ngày, đưa một hoa tiêu người Nga lên tàu và trả phí quá cảnh cao hơn bình thường.
Cuộc đua tại Bắc Cực của Nga phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đầu tư của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng bị hấp dẫn tới việc vận chuyển hàng hóa nhanh qua tuyến đường biển phía Bắc của Moscow. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất của Nga trên tuyến đường này: Nga đã gửi tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đến Trung Quốc qua vùng biển Bắc Cực lần đầu tiên vào tháng 7/2018 và cho các tàu phá băng Nga hộ tống một đoàn tàu chở hàng Trung Quốc đến châu Âu vào mùa thu năm ngoái.
Phản ứng muộn màng của Mỹ
Chính phủ Mỹ hiện bắt đầu chú ý đến những hoạt động của Nga ở phía Bắc. Washington cũng đã có nhiều cuộc thảo luận để xây dựng một chiến lược Bắc Cực của riêng mình.
Chuẩn Đô đốc Hải quân David W. Titley trả lời phỏng vấn với CNN cho biết, Bắc Cực về cơ bản đã bị chính phủ Mỹ bỏ qua trong vài năm qua. Nhưng các đối thủ của Mỹ có kế hoạch nghiêm túc với nguồn lực đầy đủ hậu thuẫn cho quá trình tìm hiểu cách vận hành tại đó, Mỹ tuy chậm hơn nhưng cũng đã bắt đầu quan tâm đến khu vực này.
Năm ngoái, NATO đã tiến hành cuộc tập trận Trident Juncture 2018 trên thực địa với 40.000 binh sĩ, được xem là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Richard Spencer cho biết Hải quân đang xây dựng kế hoạch mở lại căn cứ Adak ở Alaska và lần đầu tiên đưa tàu chiến tới Bắc Cực vào mùa hè này. Về phần mình, Quân đội Nga sẽ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Tsentr-2019 trên một số đảo tại Vòng cung Bắc Cực. Cuộc tập trận liên quan đến những gì mà quân đội Nga mô tả là "một bài kiểm tra nghiêm túc về năng lực chiến đấu" của các lực lượng Bắc Cực.