Người biểu tình Palestine xung đột với binh sỹ Israel tại làng Beit Dajan, khu Bờ Tây ngày 17/2. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Diễn biến nóng này do Israel quyết định công nhận chín tiền đồn định cư và lên kế hoạch xây thêm 9.500 căn nhà ở tại Bờ Tây. Hiện nước này đã tạm ngừng phê chuẩn xây dựng các khu định cư mới 4-6 tháng tới, nhưng đây vẫn là mối lo ngại lớn của Palestine, với làn sóng đối đầu, đụng độ âm ỉ chực chờ bùng lên một lần nữa.
Trong bối cảnh đó, ngày 26/2, lãnh đạo Israel và Palestine đã gặp nhau tại Jordan và thống nhất một số giải pháp ban đầu. Hai bên đã ký một loạt thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận thành lập một ủy ban an ninh chung để nghiên cứu đổi mới cơ chế hợp tác an ninh song phương thời gian tới. Song chừng đó rõ ràng là chưa đủ để mang đến những tia hy vọng hòa bình thực sự cho cuộc xung đột dai dẳng này.
Cộng đồng quốc tế, ở nhiều cấp độ đã thay nhau bày tỏ quan ngại về tình hình, cũng như sẵn sàng đưa ra giải pháp để kéo hai bên đến gần hơn với đàm phán thực chất.
Đầu tháng này, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) Volker Türk nhận định, tình hình ở lãnh thổ Palestine do Israel kiểm soát là “một bi kịch” với người dân Palestine và Israel, đồng thời kêu gọi thúc đẩy giải pháp hai Nhà nước. Theo giải pháp này, các khu định cư của Israel ở Bờ Tây phải được dỡ bỏ và Jerusalem sẽ được chia tách. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ yêu cầu này vì họ coi Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của mình. Năm 2022 là khoảng thời gian đẫm máu nhất ở Bờ Tây kể từ khi Liên hợp quốc bắt đầu theo dõi thương vong tại đây vào năm 2005.
Trong khi đó, ngày 22/2, phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp Ủy ban Liên hợp quốc về thực thi các quyền bất khả xâm phạm của người Palestine (CEIRPP) năm 2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Các mục tiêu cuối cùng của chúng ta vẫn không thay đổi: đó là chấm dứt tình trạng chiếm đóng, hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước. Nhưng hiện nay, chúng ta phải đối mặt với thực tế. Sự thật là thời gian đang chống lại chúng ta...”
Ông cho rằng, đã đến lúc cần có một lộ trình đàm phán chính trị có ý nghĩa để tránh tình trạng “các mục tiêu trượt khỏi tầm với”. Theo ông, các đối tác khu vực và quốc tế cần tăng cường hợp tác, khẩn trương và quyết tâm hơn, để giúp người Palestine và Israel khôi phục viễn cảnh chính trị đáng tin cậy.
Tình hình xung đột Israel - Palestine cũng đã “chiếm sóng” Phiên họp lần thứ 159 Hội đồng Liên đoàn Arab (AL) đầu tuần này. AL nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho chính nghĩa của người Palestine thông qua đàm phán.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden nhiều lần tuyên bố ủng hộ “giải pháp hai nhà nước” về Palestine - Israel. Mới đây, ngày 4/3, sáu nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Anh, Italy, Ba Lan và Tây Ban Nha đã phản đối các vụ tấn công khiến công dân Israel ở khu Bờ Tây thiệt mạng, đồng thời kêu gọi Nhà nước Do Thái ngừng mở rộng các khu định cư này.
Tuy nhiên, các nỗ lực, kêu gọi của cộng đồng quốc tế có thể đưa hai bên ngồi lại bàn đàm phán hay không, vẫn còn khó nói. Cho đến lúc đó, mối quan hệ Israel-Palestine vẫn tiếp tục là “ngọn lửa âm ỉ” tại khu vực Trung Đông.