📞

Căng thẳng Pakistan-Ấn Độ: Khi hoạt động Ngoại giao im tiếng

20:05 | 10/03/2019
Kể từ cuộc chiến đầu tiên năm 1971 giữa Pakistan và Ấn Độ, hai bên đã từng xẩy ra nhiều cuộc không chiến, không chỉ dọc theo Đường kiểm soát tạm thời (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir mà còn có các cuộc tấn công chớp nhoáng vào sâu lãnh thổ của nhau.Thế nhưng, trận không chiến giữa hai bên lần này rất có thể sẽ leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn với những hậu quả nghiêm trọng.

Cuộc tấn công vào lực lượng bán quân sự Ấn Độ ngày 14 tháng 2 gần khu vực Pulwama được cho chỉ là hành động của một cá nhân với động cơ là tinh thần dân tộc và ý thức hệ của một cá nhân. Nhưng hành động tấn công nguy hiểm đó đã được một tổ chức có tên là Jaish-e- Mohammad đứng ra nhận trách nhiệm.

Liệu cuộc xung đột có thể được ngăn chặn?

Trên thực tế, cũng không có bằng chứng nào cho thấy kẻ tấn công đã hành động theo lệnh từ các nhà lãnh đạo của tổ chức Jaish-e-Mohammad. Nhưng việc đứng ra nhận trách nhiệm một vụ tấn công của một cá nhân, lực lượng Jaish –e-Mohammad đã khiến Islamabad rơi vào một cuộc khủng hoảng với Ấn Độ và có thể kéo hai quốc gia láng giềng vào một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc.

Wagah là cửa khẩu duy nhất còn mở giữa Pakistan và Ấn Độ với màn hà cờ nổi tiếng thu hút đông đảo người dân hai nước (ảnh TĐK)

Trong tình trạng căng thẳng ngày một leo thang, Pakistan cần phải làm gì đó trước việc một tổ chức đã nhân danh bảo vệ đất nước, đứng ra nhận trách nhiệm cho một cuộc tấn công cướp đi sinh mạng của 44 binh sĩ Ấn Độ?

Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra Islamabad đã phải hành động kiên quyết và dứt khoát hơn đối với lực lượng Jaish –e-Mohammad, ví dụ như thực hiện một cuộc thanh trừng để xóa bỏ cơ sở hạ tầng của tổ chức này.

Và không chỉ vậy, hành động cương quyết hơn tương tự như thế của Islamabad lẽ ra cũng phải được thực hiện đối với bất kỳ tổ chức nào, có xu hướng tiến hành các cuộc tấn công như thế ra ngoài biên giới của Pakistan.

Nếu Islamabad hành động trên tinh thần như vậy, chắc chắn sẽ ngăn chặn và không làm bùng phát sự tức giận và phản đối của người dân hai bên ở khu vực biên giới.

Nhưng từ những hành động “chậm chễ” từ phía Islamabad sau vụ tấn công, đã tạo lý do để New Delhi có những hành động ăn miếng trả miếng tại khu vực Đường ranh giới tạm thời giữa hai bên (LoC). Các hành động này nếu không được giải quyết ổn thỏa bằng biện pháp ngoại giao, rất có thể tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của cả hai bên và dẫn đến một cuộc chiến tranh nóng.

Dư luận trong dân chúng Pakistan cho rằng, khi Ấn Độ tiến hành một cuộc không kích vào bên trong lãnh thổ Pakistan, Islamabad không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tấn công trả đũa. Không có hành động trả đũa tương xứng trong những vụ việc như vậy, thì chẳng khác nào là một hành động đầu hàng.

Binh lính Pakistan và Ấn Độ luôn thể hiện những động tác mạnh mẽ như thế này trong lễ hạ cờ tại cửa khẩu biên giới Wagha giữa hai  bên. (ảnh the express tribune)

Lịch sử trong mối quan hệ vốn cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa Pakistan-Ấn Độ trong nhiều năm qua cho thấy, một cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho bất kỳ chính phủ nào của Islamabad.

Cuộc xung đột bắt đầu bằng các cuộc không kích lần này giữa hai bên với lý do “có thể là nhầm lẫn”, nếu không bùng phát rộng hơn cũng sẽ là một cơ hội để Islamabad đánh giá lại chính sách của mình với người láng giềng Ấn Độ. Islamabad cần phải thể hiện một tầm nhìn xa hơn cùng với sự kiên nhẫn.

Chủ nghĩa dân túy có thể giành được sự ủng hộ trong một số cuộc bầu cử cũng như trong một số lý do ngắn hạn, nhưng sẽ làm gia tăng và kéo dài thêm những cuộc đối đầu không cần thiết. Điều đó sẽ chỉ mang lại sự chết chóc và đau khổ cho hơn 1,5 tỷ người nghèo khổ của cả hai đất nước.

Việc Pakistan thả viên phi công bị bắt giữ của Ấn Độ là một quyết định kịp thời và đáng hoan nghênh. Nhưng điều này lẽ ra phải được tiếp nối  bằng các hành động cụ thể hơn từ phía Islamabad  như xóa bỏ tất cả các lực lượng khủng bố có xu hướng hành động như vậy ra ngoài biên giới Pakistan đang hoạt động trong lãnh thổ của Pakistan ở khu vực Kashmir.

Vấn đề Kashmir thường xuyên là nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ Pakistan - Ấn Độ. (ảnh CNN)

Nhưng một mình Pakistan hành động để giải quyết xung đột sẽ là không đủ. New Delhi cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận của họ. Chính sách sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột không thể đem lại điều gì tốt đẹp và chỉ làm căng thẳng vốn thường trực giữa hai bên leo thang và làm vết thương cũ chưa liền dấu lại thêm vết thương mới.

New Delhi và Islamabad cần phải tham gia vào một cuộc đối thoại nghiêm túc với các nhà lãnh đạo của Kashmir. Đã đến lúc cần một cách tiếp cận mới, hợp lý và thực dụng, tìm cách kết hợp nguyện vọng của người dân với khuôn khổ chính sách đang tồn tại để mang lại hòa bình và ổn định bền vững cho cả hai bên. Mục tiêu này là có thể đạt được mặc dù biên giới lãnh thổ có thể không cần phải thay đổi khi vai trò của các thủ lĩnh bộ lạc người Kashmir được tôn trọng và tin tưởng thực sự.

Đồng thời, nếu chính sách hiện tại của Ấn Độ cũng như Pakistan đối với khu vực tranh chấp này vẫn được duy trì như cũ, sẽ chỉ dẫn đến căng thẳng và xung đột. Mà một khi xung đột giữa hai quốc gia sở hữu hạt nhân xẩy ra, thì tác hại của nó không chỉ trong phạm vi khu vực tranh chấp Kashmir, giữa Pakistan và Ấn Độ mà là toàn bộ khu vực Nam Á sẽ phải chịu hậu quả.

Thời gian để hành động là bây giờ.

Để giải quyết cuộc xung đột hiện tại đang có dấu hiệu gia tăng, các biện pháp ngoại giao sẽ là cứu cánh. Nhưng ngoại giao sẽ chỉ có hiệu quả khi có sự thay đổi từ trong sâu thẳm trái tim của những người chịu trách nhiệm. Nhận thức được thực tế và cái giá phải trả nếu một cuộc chiến tranh hủy diệt lẫn nhau xẩy ra, cả hai bên đều phải cân nhắc một cách cẩn trọng những ưu và nhược điểm của một chiến lược có thể chấm dứt tình trạng đối đầu. Thế nhưng, sự lãnh đạo của cả hai bên đều gặp phải một thách thức lớn: cần có những động thái leo thang, tạo ra những câu chuyện mới hay nhượng bộ để xoa dịu tình hình nhằm tạo ra bước đột phá mà hàng triệu người dân của cả hai bên đã chờ đợi từ lâu.

(Theo The Express Tribune)