Tranh cãi xung quanh biển số xe chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong lịch sử phức tạp, sóng gió Serbia-Kosovo. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 21/11, phát biểu sau cuộc gặp lãnh đạo Kosovo Albin Kurti và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết chính quyền Belgrade và Kosovo đã không đạt thỏa thuận trong đàm phán do EU bảo trợ về vấn đề biển số xe.
Ông Vucic nhấn mạnh: “Tôi không rõ vì lý do gì mà chúng tôi đã không đạt bất kỳ sự nhất trí nào… Người Albania không muốn chấp thuận bất kỳ điều gì”.
Thậm chí, phát biểu cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucecic cho biết quân đội nước này sẵn sàng thực thi mệnh lệnh của ông Vucic để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Kosovo và bảo vệ cộng đồng người Serb ở Bắc Kosovo.
Tuy nhiên, quan chức này khẳng định: “Thà đàm phán hàng nghìn giờ còn hơn là một giờ trong chiến hào. Tất cả các lựa chọn đang được xem xét, nhưng chúng tôi đang nỗ lực để tiếp tục đàm phán”.
Về phần mình, chính quyền Kosovo sẽ kéo dài thời hạn cảnh báo về biển số xe thêm 2 ngày, từ ngày 22/11 sang 24/11. Trong khi đó, đơn vị đặc nhiệm của cảnh sát Kosovo đã được lệnh tăng cường quân số ở phía Bắc và thành phố Metohija.
Vậy thực hư câu chuyện biển số này là như thế nào?
Thực tế vấn đề này đã tồn tại từ những năm 1999. Ngay từ khi đó, Kosovo đã nhiều lần cố gắng yêu cầu người Serb thiểu số đổi biển số từ những năm 1990 sang mẫu do Kosovo quy định, song không thành công. Nỗ lực của Kosovo đã nhiều lần dẫn đến phản ứng mạnh, thậm chí là bạo lực từ cộng đồng người Serb phía Bắc, vốn ước tính còn tới 6.300 xe với biển số theo mẫu biển số của Serbia.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã công bố kế hoạch thay thế biển số mới: Bắt đầu từ ngày 1 – 24/11, các lái xe sẽ được cảnh báo trong ba tuần đầu tiên. Trong hai tháng tiếp theo, ai không chấp hành có thể bị phạt tới 150 Euro (149 USD). Sau đó, các biển số tạm thời sẽ có hiệu lực trong 60 ngày. Sau ngày 21/4/2023, tài xế không sử dụng biển số theo mẫu của Kosovo sẽ bị tịch thu xe.
Mặt khác, để khuyến khích người dân, Kosovo sẽ miễn chi phí đăng ký, lắp biển và thuế cho xe cũ nhập khẩu nếu chủ xe chuyển sang biển số mẫu của Kosovo.
Song chưa có tín hiệu cho thấy cộng đồng người Serb sẽ chấp thuận đề xuất này. Thậm chí, ngày 5/11, 10 nhà lập pháp, 10 công tố viên và 576 sĩ quan cảnh sát người Serb ở vùng Mitrovica, Kosovo đã đồng loạt từ chức. Hiện còn chưa đầy 50 cảnh sát tại địa phương này.
Trước tình hình đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cảnh báo: “Điều này để lại một khoảng trống an ninh lớn… trong một tình huống đã rất mong manh hiện nay”.
Nhận định của quan chức đối ngoại hàng đầu của EU càng có cơ sở nếu nhìn vào lịch sử đầy sóng gió giữa Serbia và Kosovo. Năm 1998-1999, hai bên đã trải qua một cuộc xung đột đẫm máu khiến gần 9.000 người thiệt mạng, đồng thời đặt thế giới trước nguy cơ cuộc không đối đầu chính thức giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ Kosovo và Nga nghiêng về lập trường Serbia.
Sau khi tuyên bố đơn phương tách khỏi Serbia năm 2008, Kosovo được 110 quốc gia, chủ yếu là phương Tây ủng hộ, song Liên hợp quốc và một số nước khác, bao gồm Nga và Trung Quốc, từ chối công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập. Tác động đến từ bên ngoài, xung khắc ở bên trong khiến ngọn lửa căng thẳng giữa Kosovo và Serbia càng thêm nguy hiểm hơn luôn chực chờ ngày bùng phát.
Cuối tháng 7/2022, sau khi ông Albin Kurti thông báo cảnh sát sẽ cấm biển số và giấy tờ tùy thân của người Serb ở Bắc Kosovo, căng thẳng đã đạt cao trào. Quân đội Serbia được đặt trong tình trạng báo động cao. Cư dân Bắc Kosovo đã dựng rào chắn khi cảnh sát chuẩn bị hành động. Cảnh sát Kosovo phải đóng cửa khẩu biên giới Bernjak và Jarinje với Serbia do người biểu tình Serbia chặn đường.
May mắn thay, kịch bản xấu nhất chưa xảy ra. Tuy nhiên, nguy cơ không vì thế mà biến mất. Nỗ lực trung gian hòa giải của EU vừa qua là cần thiết, song chỉ mình khối này là không đủ.
Bởi lẽ, một khi mầm mống căng thẳng giữa Serbia và Kosovo, vốn “nóng” trở lại vì vấn đề biển số, bùng phát thành bạo lực hay thậm chí xung đột, đây chắc chắn không còn là chuyện riêng của châu Âu nữa.