📞

Cao nguyên Golan: Con bài chiến lược của Mỹ và Israel

09:00 | 06/04/2019
Từ khi Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 và đơn phương sáp nhập vào lãnh thổ của mình vào năm 1981 đến nay, chưa quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Israel. Nhưng tất cả đã thay đổi vào ngày 25/3 vừa qua, khi Tổng thống Mỹ tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan trước sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Donald Trump đã có một động thái gây chấn động quốc tế khi ông đặt bút ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan mà Israel đã sử dụng vũ lực chiếm đóng từ người Syria, hiện vẫn được coi là lãnh thổ của Syria theo luật pháp quốc tế.

Lịch sử biến động

Cao nguyên Golan là một vùng núi nằm ở phía Nam dãy núi Đông Lebanon. Về mặt địa lý, cao nguyên này nằm giữa Syria, Israel, Lebanon và Jordan. Nó bao phủ một vùng rộng khoảng 1800 km2; kéo dài về phía Đông (từ phía Đông Israel trải dài về phía Tây Syria, phía Bắc giáp Lebanon, phía Nam giáp Jordan).

Một người lính Israel đứng cạnh các biển chỉ dẫn hướng đi đến các thành phố khác nhau, trên đỉnh núi Bental, một trạm quan sát ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. (Nguồn: Reuters)

Năm 1894, Nam tước Edmond de Rothschild, một người Pháp gốc Do Thái đã mua lại một khu đất lớn tại khu vực Golan để làm nơi định cư cho người Do Thái. Sau đó, các nhóm người Do Thái khác ở Mỹ, Canada và châu Âu cũng theo chân ông đến vùng đất này. Tuy vậy, hy vọng xây dựng khu định cư của người Do Thái nơi đây đã thất bại do sự thù địch đến từ người Arab và luật đất đai của đế chế Ottoman, mà theo đó, cấm những người nhập cư đến định cư tại khu vực này.

Sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất, Cao nguyên Golan thuộc quyền sở hữu của Pháp khi Syria chịu sự cai trị của quốc gia này cho tới khi Syria tuyên bố độc lập vào năm 1941, nhưng mãi đầu năm 1944, Syria mới được công nhận là một nước cộng hòa độc lập. Sau khi người Anh và người Pháp lần lượt rút khỏi lãnh thổ Syria ở giai đoạn cuối Thế chiến thứ Hai, Cao nguyên Golan được công nhận là phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi sự kiểm soát của chính quyền Damascus.

Trên các văn bản quốc tế chính thức, Israel hiện có diện tích 20.770 km2 nằm trong “Tuyến Xanh”, sau khi sáp nhập Cao nguyên Golan và Đông Jerusalem là 22.072 km2. Nhưng thực tế, tổng diện tích nằm dưới quyền kiểm soát của Israel, bao gồm Bờ Tây do Israel kiểm soát quân sự và người Palestine quản lý cục bộ, là 27.799 km2.

Đến năm 1967, trong cuộc “Chiến tranh Sáu ngày” giữa Israel và các quốc gia Arab ở Trung Đông, Tel Aviv đã dùng vũ lực chiếm vùng đất chiến lược này từ tay Syria cùng Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập, Bờ Tây sông Jordan và Đông Jerusalem. Đây là khoảng thời gian Israel tăng diện tích của mình lên gấp 3 lần.

Cuối cuộc xung đột, Mỹ đã đứng ra đàm phán hòa giải giữa Israel, Ai Cập và Syria trong nỗ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Sau đó, Hiệp định Trại David chính thức trả lại Bán đảo Sinai cho Ai Cập để đổi lấy hòa bình. Nhưng bốn vùng lãnh thổ còn lại, trong đó có Cao nguyên Golan, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel.

Chưa nguôi mối thù cũ, năm 1973, Ai Cập và Syria quyết tâm tấn công Israel một lần nữa để giành lại các vùng đất bị mất từ cuộc chiến năm 1967. Tuy nhiên, một lần nữa liên minh Arab không đạt được mục đích của mình. Chiến tranh kết thúc và Tel Aviv vẫn tiếp tục kiểm soát Cao nguyên Golan nhưng trả bớt một phần cho Damascus. Đồng thời, theo thỏa thuận đạt được năm 1974, một vùng phi quân sự tại Cao nguyên Golan được lập ra dưới sự giám sát và duy trì hoà bình của các binh sĩ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (LHQ).

Đến năm 1981, Israel bất ngờ ra quyết định sáp nhập toàn bộ các khu vực từng chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan vào lãnh thổ. LHQ khi đó thậm chí khẳng định sự chiếm đóng của Israel trên Cao nguyên Golan là “hoàn toàn vô nghĩa”. Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 497 lên án việc Israel sáp nhập vùng lãnh thổ của Syria, tuyên bố đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhiều thập kỉ qua, Syria không ít lần tìm kiếm khả năng Israel trao trả vùng đất này bằng biện pháp ngoại giao, bao gồm cả cuộc đàm phán bí mật vào năm 2010 dưới sự bảo trợ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, khi sắp tìm được giải pháp hợp lý, cuộc nội chiến Syria bùng phát năm 2011 khiến mọi nỗ lực trước đó tan thành mây khói.

Vùng đất chiến lược

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như ở Trung Đông, thành phố tranh chấp Jerusalem được coi là vùng đất thiêng liêng nhất về lịch sử đối với cả đạo Hồi, đạo Thiên chúa và người Do Thái, thì Cao nguyên Golan lại được xem là khu vực chiến lược nhất về cả quân sự lẫn tài nguyên thiên nhiên.

Mặc dù có diện tích nhỏ, Cao nguyên Golan có vị trí chiến lược quan trọng: Cách thủ đô Damascus (Syria) chưa đến 60km, lại có tầm nhìn phủ trọn phía Nam Lebanon, phía Bắc Israel và phần lớn phía Nam Syria. Nó được đánh giá mang ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự đối với cả Syria và Israel. Riêng Israel cũng coi vùng lãnh thổ này là vùng đệm góp phần tự vệ cho Nhà nước Do thái. Trong chiến tranh Israel-Arab 1948, Syria từng dùng Cao nguyên Golan triển khai pháo và “san phẳng” nhiều khu vực ở Bắc Israel.

Tổng thống Trump cũng phát biểu trong ngày 25/3 rằng, việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là để bảo vệ Tel Aviv khỏi các hành động gây hấn của Iran và các nhóm khủng bố, trong đó có Hezbollah.

Chính quyền Syria nói rằng Cao nguyên Golan là một phần "không thể tách rời" của lãnh thổ Syria và họ vẫn giữ ưu tiên là lấy lại vùng đất này bằng tất các mọi biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép. Chính quyền Mỹ không có quyền quyết định số phận của vùng đất này và bất cứ động thái nào công nhận chủ quyền của Israel đều là “hành động phi pháp và sẽ không có tác dụng gì”. Trong lá thư yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn, Syria khẳng định hành động của Mỹ đã “vi phạm trắng trợn” nghị quyết của Hội đồng.

Tuyên bố của ông Trump còn hứng chịu chỉ trích từ các quốc gia và tổ chức châu Âu và Trung Đông, trong đó có Anh, Đức, Pháp, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Liên đoàn Arab và Nga.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói rõ rằng tình trạng của Golan không thay đổi. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói: “Chính sách của LHQ về Cao nguyên Golan được thể hiện trong những nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an và chính sách đó không hề thay đổi”.

Nước đi chính trị của ông Netanyahu

Sau khi Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây, người dân Israel đã rất coi trọng và coi ông Trump như một “người nổi tiếng” mang lại hòa bình tới cho họ. Công lớn nhất ở đây là nhờ chiến lược ngoại giao tài tình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Bất chấp những thiếu sót của mình, cũng như đang bị lên án vì tham nhũng, người dân Israel vẫn xem ông Netanyahu là một chính khách tài năng và là một nhà ngoại giao lành nghề, đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Và với Cao nguyên Golan, Thủ tướng Netanyahu một lần nữa lại trở thành một “anh hùng dân tộc”. Tuyên bố của ông Trump dường như là một bước hậu thuẫn vững chắc về mặt chính trị phục vụ cho chiến dịch tái tranh của của ông Netanyahu trong cuộc bầu cử ngày 9/4 sắp tới.

Tuy vậy, dù nhìn nhận như thế nào, cách ông Trump quyết định công nhận chủ quyền của Israel đối với lãnh thổ mà cộng đồng quốc tế gần như nhất trí là vùng lãnh thổ chiếm đóng, hoặc ít nhất là tranh chấp, là chưa từng có. Nó đã đảo ngược chính sách nhất quán hàng thập kỷ qua của Mỹ, yêu cầu bất kỳ sự công nhận lãnh thổ nào cũng phải là kết quả của các cuộc đàm phán trực tiếp, thay vì tuyên bố đơn phương.

Thay đổi mạnh mẽ này tuy chỉ mang tính biểu tượng, chứ không phải tính pháp lý nhưng có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới chính nước Mỹ. Chính phủ Mỹ có thể sẽ mất dần tiếng nói, và tự làm suy yếu đi vị thế như một nhà trung gian hòa giải. Ngoài ra, nó phần nào tiếp tay cho một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Israel, đặc biệt là Công ước Geneva thứ 4. Cứ theo đà này, Israel dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ, có thể sẽ lại tiếp tục những chính sách thôn tính lãnh thổ gây tranh cãi của mình, tiếp tục làm xấu đi tiến trình xây dựng hòa bình tại Trung Đông.

Ngoài giá trị quân sự, Cao nguyên Golan còn là một tài sản chiến lược nhờ nguồn tài nguyên nước và đất đai màu mỡ. Dải đất này là một vựa dầu thô lớn, các mũi khoan thăm dò cho thấy rằng các hồ chứa trên vùng lãnh thổ này có khả năng mang lại hàng tỷ thùng dầu. Không những vậy, khu vực này chính là lưu vực thoát nước của sông Jordan, hồ Tiberias, sông Yarmuk và có các tầng ngậm nước ngầm. Ở một khu vực tương đối khô hạn trên thế giới, việc kiểm soát nguồn cung cấp nước từ Golan là vô giá.