📞

Cấp cao ASEAN - Nhật Bản: Nâng tầm quan hệ Đối tác

09:36 | 19/12/2013
Cùng với các chuyến thăm tất cả 10 quốc gia ASEAN chỉ trong vòng một năm sau khi lên cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo từ 13-15/12/2013 được xem như một điểm nhấn quan trọng nhất trong "Năm ngoại giao ASEAN - Nhật Bản".
Các nhà Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Tokyo (15/12/2013).

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN năm 1973, Nhật Bản trở thành nước lớn và quốc gia Đông Á đầu tiên có quan hệ đối thoại với ASEAN.

Đối tác phát triển

Trải qua 40 năm, quan hệ ASEAN - Nhật Bản phát triển khá tốt đẹp, mang lại lợi ích nhiều mặt cho người dân hai bên. Tuy nhiên bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều chuyển biến nhanh và phức tạp, đòi hỏi ASEAN và Nhật Bản có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, đưa ra tầm nhìn chiến lược "trung và dài hạn" giúp định hướng quan hệ hai bên.

Tại hội nghị lần này, ASEAN và Nhật Bản tiếp tục khai thác các tiềm năng kinh tế của mỗi bên để cùng phát triển như thúc đẩy Thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tận dụng các mặt tích cực của chính sách kinh tế "Abenomics"

Nhằm giúp ASEAN cải thiện hệ thống hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển và cải thiện khả năng phòng chống thiên tai, Nhật Bản đã cam kết khoản viện trợ chính thức ODA trị giá 2 nghìn tỷ Yên (tương đương 20 tỷ USD) cho các quốc gia Đông Nam Á trong vòng 5 năm tới và hỗ trợ 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN. Cụ thể, Nhật cam kết tăng ODA và đầu tư vào Myanmar, giúp nước này cải thiện cơ sở hạ tầng; ký thỏa thuận hàng không dân dụng với Lào để mở đường cho hợp tác kinh tế trong thời gian tới; thông qua khoản viện trợ 1 tỷ USD cho Việt Nam (giai đoạn 2 năm 2013) để giúp Việt Nam tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng. Đây là những trợ giúp có ý nghĩa, tạo nền tảng kinh tế cho việc xây dựng cộng đồng ASEAN trong bối cảnh chênh lệch phát triển là một trong những nguyên nhân chính tạo sự phân cách trong ASEAN.

Vì hòa bình thịnh vượng

Không chỉ là đối tác quan trọng trong phát triển, Nhật Bản và ASEAN cũng là các đối tác quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Á - một yếu tố quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững của khu vực. Trong tuyên bố chung cuối cùng, Nhật Bản và ASEAN đều nhấn mạnh việc thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải; tự do hàng hải, tự do và an toàn hàng không; và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Để cụ thể hóa chủ trương trên, Nhật Bản cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam thời gian tới, đồng thời ký với Campuchia thỏa thuận về trao đổi quốc phòng.

Có thể thấy, các diễn biến mới của tình hình khu vực thời gian gần đây đã thúc đẩy cả ASEAN và Nhật Bản có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Điều này hết sức quan trọng đối với cả ASEAN lẫn Nhật Bản, bởi lẽ nếu không có tự do hàng hải và hàng không, thì thương mại song phương ASEAN-Nhật Bản, cũng như thương mại quốc tế không thể vận hành trơn tru được. Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Abe đã đưa ra đề nghị tổ chức cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật Bản nhằm tăng cường đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như cứu trợ thiên tai… Về phần mình, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết của việc cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, để tăng cường hiệu quả của cơ chế này.

Mặc dù quan hệ ASEAN - Nhật Bản đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian qua, nhưng cũng cần thấy rằng tiềm năng hợp tác, đặc biệt là hợp tác kinh tế, hai bên vẫn chưa được khác thác hết. Hiện nay Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN sau Trug Quốc, nhưng kim ngạch thương mại của Nhật với từng quốc gia thành viên ASEAN lại không đều nhau. Điển hình là trường hợp Myanmar. Năm 2012, nhập khẩu từ Nhật Bản của Myanmar chỉ chiếm 5,3% tổng giá trị nhập khẩu của Myanmar, thua xa con số 27% mà nước này nhập từ Trung Quốc. Ngoài thách thức trong hợp tác kinh tế thì hiến pháp Nhật Bản cũng là một yếu tố làm chậm lại quá trình hợp tác an ninh - quốc phòng ASEAN - Nhật Bản thời gian qua do Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này trực tiếp trợ giúp lực lượng quân sự của nước ngoài.

Nhìn chung, dù còn có những khó khăn, thách thức nhất định, nhưng các nỗ lực thúc đẩy quan hệ ASEAN - Nhật Bản thời gian qua rất đáng ghi nhận xét trong bối cảnh tình hình kinh tế và an ninh khu vực đang có nhiều biến động. Tuy nhiên, để quan hệ ASEAN-Nhật thực sự phát triển bền vững về lâu dài thì ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, đặt quan hệ với Nhật trong tổng thể chiến lược chung thúc đẩy và giữ cân bằng quan hệ với các nước lớn và trung tâm quyền lực khác.

Nguyễn Văn Bình