Cập nhật Covid-19 ngày 7/4: Vaccine vô hiệu nếu chỉ tiêm một mũi; Mỹ không cần hộ chiếu vaccine; Australia đòi EU trả vaccine AstraZeneca |
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 31.560.438 ca nhiễm và 570.259 ca tử vong do Covid-19. Xếp sau Mỹ là Brazil và Ấn Độ.
* Tại châu Á
Ngày 7/4, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã ghi nhận thêm 668 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 8/1, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 106.898 ca.
Đáng chú ý, có tới 63% số ca nhiễm mới là tại thủ đô Seoul và các khu vực lân cận, trong đó có tỉnh Gyeonggi. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Hàn Quốc là 1.756 ca.
Tối 6/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký Quyết định số 44 cấm đi lại tạm thời giữa các tỉnh để phòng chống dịch Covid-19 lây lan. Lệnh cấm có hiệu lực từ 0h ngày 7/4 đến ngày 20/4. Tuy nhiên, người dân được phép đi lại giữa thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal tiếp giáp vì được coi là một vùng.
Quyết định số 44 quy định hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy, lực lượng y tế, cứu hỏa, xe chở rác, xe đưa đón người lao động được cấp phép, lực lượng vũ trang và công chức thực thi nhiệm vụ vẫn được phép hoạt động.
Theo quyết định này, các khu du lịch trên cả nước sẽ đóng cửa tạm thời trong vòng 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 7/4 đến ngày 20/4.
Các biện pháp nêu trên của Campuchia được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng ra nhiều tỉnh trên cả nước.
* Tại châu Mỹ
Ngày 6/4, Brazil cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 4.195 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Brazil lần lượt ở mức hơn 13 triệu ca và 337.000 ca.
Làn sóng dịch bệnh tại Brazil đã khiến hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng quá tải.
Cho đến nay, Brazil mới tiêm phòng mũi đầu được cho 10% dân số. Chuyên gia nhận định với tốc độ này, cách duy nhất làm chậm lại đà lây lan của virus là áp dụng lệnh phong tỏa hiệu quả trong ít nhất 20 ngày.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết số ca mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị đang tăng lên, khi các biến thể của virus SARS-CoV-2 và làn sóng mới của dịch bệnh đang hoành hành tại phần lớn các khu vực trên toàn quốc.
Ông Trudeau nhấn mạnh, Canada đang đối mặt với làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19. Trong tuần qua, nước này đã ghi nhận trung bình mỗi ngày gần 5.200 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1 triệu, trong đó có hơn 23.000 người đã tử vong.
Các tỉnh của Canada, từ Quebec đến British Columbia, ngoại trừ Manitoba, đang phải vật lộn với xu hướng gia tăng các ca nhiễm mới. Đến nay, chính phủ liên bang đã phân phối cho các tỉnh hơn 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và các cơ quan y tế cấp tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
Thủ tướng Trudeau khẳng định đến cuối tháng 9, sẽ có 38 triệu dân Canada sẽ được tiêm phòng Covid-19.
Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây tại Chile - một trong những quốc gia có tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất ở Nam Mỹ, cho thấy chỉ tiêm một mũi đầu tiên sẽ không giúp bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2.
Theo nghiên cứu của Đại học Chile, hiệu lực bảo vệ của vaccine sau 2 tuần đầu kể từ khi tiêm mũi thứ hai là 56,5%, trong khi tỷ lệ này trong 2 tuần đầu tiên sau khi tiêm chỉ là 27,7%.
Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm một mũi đầu tiên, hiệu quả phòng bệnh trong vòng 28 ngày sau mũi đầu cho đến khi tiêm mũi thứ hai chỉ ở mức 3%.
* Tại châu Âu
Ngày 6/4, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn kêu gọi triển khai các biện pháp chống đại dịch Covid-19 một cách đồng bộ trên cả nước để ngăn chặn sự bùng phát mạnh của làn sóng lây nhiễm thứ ba hiện nay.
Bộ trưởng Spahn cũng cho rằng, chỉ tiêm phòng và xét nghiệm chưa đủ để "bẻ gãy" chuỗi lây nhiễm của làn sóng thứ ba, mà cần hạn chế tiếp xúc để giảm sự lây lan của dịch bệnh.
* Về vấn đề vaccine, Đại học Oxford của Anh ngày 6/4 tuyên bố tạm dừng việc thử nghiệm lâm sàng loại vaccine ngừa Covid-19 mà trường này phát triển cùng với công ty AstraZeneca trên khoảng 300 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 6 đến 17.
Đại học Oxford cho biết đã quyết định dừng nghiên cứu để đợi các “thông tin bổ sung” từ Cơ quan quản lý Thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh (MHRA), sau khi xem xét các trường hợp đông máu và giảm tiểu cầu ở một số người lớn được tiêm chủng.
Tuy nhiên, Đại học Oxford khẳng định "không có lo ngại về an toàn trong nghiên cứu nhi khoa này".
Tại Mỹ, Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ không hỗ trợ một hệ thống yêu cầu người Mỹ phải mang theo chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là "hộ chiếu vaccine". Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ đây là quyền riêng tư của người Mỹ và những hệ thống này sẽ không được sử dụng để tránh tình trạng phân biệt đối xử.
Trong khi đó, Australia cho biết sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trả lại hơn 3 triệu liều vaccine của AstraZeneca, sau khi có thông tin cho rằng EU đã chặn xuất khẩu lô hàng.
Trước đó, EU bác bỏ thông tin này, khẳng định trách nhiệm thuộc về AstraZeneca do hãng không giữ đúng cam kết với những nước khác.
Ngày 6/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết nước này đã ký hợp đồng với hãng Pfizer để mua 10 triệu liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, sự trợ giúp đáng kể cho đất nước đang đối mặt với tình trạng dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov cho biết, dự kiến toàn bộ số vaccine của Pfizer sẽ được giao trong năm 2021, song ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Ukraine đã tụt hậu so với các nước châu Âu khác, cho đến nay mới chỉ nhận được một lô 500.000 liều vaccine AstraZeneca của Ấn Độ hồi cuối tháng 2 và 215.000 liều Sinovac của Trung Quốc vào cuối tháng 3.