📞

Cấp phép hoạt động Dòng chảy phương Bắc 2: Chính trị trong pháp lý

Chính Dung 20:00 | 19/11/2021
Dòng chảy phương Bắc 2 để đi vào hoạt động cần Đức cấp phép, diễn biến này không chỉ là chuyện pháp lý mà còn là chuyện chính trị. Báo Thế giới & Việt Nam bình luận.
Tuyến đường ống đầu tiên của Dòng chảy phương Bắc 2. (Nguồn: TASS)

Hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2(Nord Stream 2) chưa được phía Đức cấp phép để đi vào hoạt động. Phía Đức viện dẫn lý do rằng việc vận hành và hoạt động kinh doanh của phần tuyến đường ống trên lãnh thổ nước Đức phải được đảm trách bởi một công ty được thành lập và hoạt động theo luật pháp Đức.

Nước Đức là chặng đầu tiên của Dòng chảy phương Bắc 2 ở Tây Âu và công ty đầu tư xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 được thành lập ở Thụy Sỹ, theo luật pháp Thụy Sỹ và đóng trụ sở tại Thụy Sỹ.

Ngoài ra, EU còn đòi hỏi phải tách biệt rõ ràng giữa vận chuyển khí đốt và kinh doanh khí đốt để tránh hình thành thế độc quyền trên thị trường.

Diễn biến mới này không chỉ là chuyện pháp lý mà còn là chuyện chính trị. Để đáp ứng những yêu cầu pháp lý của EU và phía Đức, công ty Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ cần - và đang làm - thành lập công ty ở Đức theo luật pháp Đức chuyên cho việc vận hành phần tuyến đường ống trên lãnh thổ nước Đức.

Nhưng việc cấp phép bị phía Đức trì hoãn bởi đất nước này hiện trong quá trình thành lập chính phủ liên hiệp mới với sự tham gia của 2 đảng phái chính trị mới trong đấy có Đảng Xanh vốn không mặn mà với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Dự án này đã gây phân hoá sâu sắc trong nội bộ nước Đức và EU cũng như giữa Mỹ và EU. Vì thế, chính quyền còn tại nhiệm ở Đức không muốn tạo thêm sự đã rồi nữa sau khi đã thúc đẩy hoàn tất công việc xây dựng và lắp đặt.

Trong bối cảnh tình hình như thế, trì hoãn cấp phép để làm nguôi ngoai bớt mọi sự chống đối trong nội bộ. Ngoài ra, trì hoãn cũng còn gia tăng áp lực đối với Nga nhằm buộc Nga hợp tác và nhượng bộ trong vấn đề Ukraine hay cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư hiện tại ở vùng biên giới giữa Belarus và EU.

Hiện trì hoãn thôi chứ phía Đức rồi không thể không cấp phép. Cả pháp luật lẫn thời gian đều có thể làm chính trị.