Đây không phải là lần đầu tiên xứ Catalonia có những động thái đòi độc lập. Từ trước đến nay, chính quyền sở tại đã luôn “hục hặc” với chính quyền Madrid vì mâu thuẫn sắc tộc và kinh tế.
Con đường tiến tới độc lập
Quan trọng hơn, Hoàng gia Tây Ban Nha luôn coi Catalonia là “thành phần cá biệt”, còn Catalonia với năng lực kinh tế vượt trội, luôn đòi hỏi những đặc quyền được công nhận như là một “quốc gia”.
Người dân xứ Catalonia treo khẩu hiệu biểu tình ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân ngày 24/9 tại Barcelona. (Nguồn: AP) |
Kể từ những năm đầu của thế kỉ XX, chính quyền Catalonia đã liên tục đệ trình yêu sách và kế hoạch đòi độc lập lên Madrid, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng. Tuy nhiên, sự hờ hững của chính quyền Madrid lại càng làm cho tinh thần độc lập của Catalonia lên cao, đặc biệt là sau sự kiện trưng cầu dân ý của xứ Scotland và Brexit.
Ngày 10/1/2016, cơ quan lập pháp xứ Catalonia đã bỏ phiếu bầu ông Carles Puigdemont, người tuyên bố sẽ quyết tâm thúc đẩy việc ly khai khỏi Tây Ban Nha trước năm 2017, làm lãnh đạo mới. Mới đây, chính quyền nơi đây đã dự kiến thông qua kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 1/10 về việc tách khỏi Tây Ban Nha, phớt lờ những cảnh báo và răn đe từ phía Madrid và xem đó như là một hành động “bất hợp pháp”. Có thể nói, người dân sở tại đã bắt đầu nghĩ về viễn cảnh quê hương mình trở thành một quốc gia độc lập sau nhiều thế kỉ đấu tranh.
Những hệ quả không mong muốn
Việc xứ Catalonia sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân để chính thức ly khai khỏi Tây Ban Nha đang là chủ đề nóng trên các diễn đàn quốc tế ở châu Âu. Cho dù đây là cuộc trưng cầu dân ý mà chính quyền Madrid quy là vi hiến, vô giá trị, song việc người dân nơi đây luôn âm ỉ ước muốn “rũ áo ra đi” là hồi chuông báo động, buộc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) phải tính đến các giải pháp để hạn chế “mầm” ly khai đang lan rộng và đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia tại lục địa già này.
Trước hết, với những động thái liên tiếp đòi quyền độc lập trong ba năm gần đây, nhất là động thái kêu gọi tiến hành bỏ phiếu vào tháng 10 tới, có thể thấy người dân Catalonia đã chuẩn bị sẵn sàng cho “ngày chia tay” với Tây Ban Nha. Trong khi đó, chính quyền Madrid vẫn một mực phủ định tính hợp hiến của cuộc bỏ phiếu tại Catalonia sắp tới và đe dọa sẽ “mạnh tay” hơn. Thực trạng này nhiều khả năng sẽ đẩy mâu thuẫn giữa chính quyền Trung ương Tây Ban Nha và chính quyền địa phương lên cao hơn, qua đó khơi mào cho một cuộc khủng hoảng chính trị lâu dài tại Tây Ban Nha.
Hơn nữa, với dân số 7,5 triệu người và nền kinh tế năng động bên bờ Địa Trung Hải, Catalonia có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD, cao hơn cả Hong Kong (Trung Quốc). Nói cách khác, Catalonia chính là “con gà đẻ trứng vàng” của Tây Ban Nha, còn Madrid lại đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế châu Âu. Do đó, một khi Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, quốc gia Tây Âu này sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh nước này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc suy thoái năm 2008. Hiệu ứng domino sẽ không chỉ khiến Madrid hay Brussels lao đao, mà còn có khả năng đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.
Cuối cùng, việc xứ Catalonia ly khai thành công khỏi Tây Ban Nha có thể sẽ là “giọt nước tràn ly” và làm cho “mầm” ly khai tiếp tục sinh sôi, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. Ẩn sau một châu Âu trong tiến trình nhất thể hóa, với tham vọng có nền hòa bình bền vững và thống nhất toàn vẹn, là chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa ly khai chỉ chực chờ bùng phát. Từ đảo Corsica ở Pháp, các khu vực công nghiệp phát triển phía Bắc Italy đến vùng Flander và Wallonia ở Bỉ, đảo Faeroe ở Đan Mạch, dường như tất cả chỉ đang đều chực chờ “phát súng hiệu” để nhất loạt thể hiện tinh thần độc lập.
Do đó, xứ Catalonia có thể sẽ là “phát đạn” khiến cả châu Âu rung chuyển. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và quan hệ của các nước trong EU đang gặp nhiều trục trặc thì vấn đề “đi hay ở” của xứ Catalonia sẽ tiếp tục là bài toán khó cho Tây Ban Nha nói riêng và cho EU nói chung.